Dự án TĐC hồ Cửa Đạt: Dân chồng chất khó khăn vì thiếu đất sản xuất
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 24/05/2016
Những lời hứa có cánh!
Hơn 10 năm trước, để phục vụ việc xây dựng hồ Cửa Đạt - một công trình thủy lợi lớn nhất xứ Thanh, 279 hộ dân với 1.513 nhân khẩu xã Xuân Liên (Thường Xuân) buộc phải di dân tái định cư sang xã Xuân Hòa (Như Xuân) với những lời hứa hẹn có cánh. Sau 10 năm những lời hứa đó đó vẫn chưa được thực hiện.
Xuân Liên trước đây là xã nghèo được ví như một “ốc đảo”, hoàn toàn tách biệt với thế giới bên ngoài, nhìn bốn phía chỉ có mây mù che khuất núi cao, mọi hoạt động, sinh hoạt chủ yếu là tự cung tự cấp. Nghèo đói vẫn ngày ngày đeo bám.
Ngôi nhà đơn sơ của người dân vùng tái định cư Xuân Hòa. |
Đầu năm 2004 dự án xây dựng hồ Cửa Đạt được khỏi công xây dựng. Bà con được cán bộ xã tuyên truyền tới tận nhà với nội dung: “Nhà nước sắp đắp đập, ngăn nước thượng nguồn sông Chu để xây dựng một công trình thủy lợi hồ Cửa Đạt lớn nhất tỉnh phục vụ tưới tiêu cho nông nghiệp. Sau này nước dâng cao, nước sẽ ngập lút nóc nhà, lút cả cái cây cổ thụ đầu làng...”. Cán bộ trên huyện xuống tận nhà văn hóa thôn vận động: “Nước hồ dâng cao 3 xã Xuân Liên, Xuân Khao và Xuân Mỹ sẽ bị nhấn chìm ngập trong nước dưới lòng hồ, 3 xã trên sẽ phải chuyển đến tái định cư mới ở Tây Nguyên, Như Xuân và Như Thanh”.
Rồi cán bộ trên tỉnh cũng xuống dân, báo hiệu một tia sáng mới cho nơi ở tái định cư: “Đến nơi ở mới bà con sẽ được xây miễn phí cho một ngôi nhà mái ngói đỏ tươi, với điện, đường, trường, trạm đầy đủ đang chờ bà con đến ở, trong ba năm đầu bà con sẽ được nhà nước hỗ trợ về lương thực và đặc biệt mỗi một nhân khẩu sẽ được nhận 2200 m2 đất để bà con làm nhà, trồng cây sản xuất”.
Người dân xã Xuân Liên khấp khởi hi vọng về một miền đất hứa, nơi đó cuộc sống sẽ được khởi sắc. Rời quê hương máu thịt đến một nơi xa xôi, đường đi lại khó khăn, phương tiện vận chuyển người và của để sang Như Xuân chủ yếu là bằng bè, mảng, đi bộ…Đến nơi ở mới xã Xuân Liên được đổi tên thành xã Xuân Hòa, các thôn : Ó, Giăng, Nghịu, Xuân Thành và Ngòi vẫn giữ nguyên tên cũ.
Diện tích đất được cấp vẫn còn thiếu nhiều so với diện tích được ghi trong sổ đỏ tại thôn Xuân Thành thuộc dự án tái định cư hồ thủy lợi Cửa Đạt. |
Đất thực tế thiếu hụt so với sổ đỏ
Ban đầu khi mới tới nơi ở mới cuộc sống của bà con gặp vô vàn khó khăn. Lương thực còn phụ thuộc vào dự án, chưa quen với điều kiện canh tác nơi ở mới; cơ sở hạ tầng như điện, đường, trường, trạm còn chưa được hoàn thiện.
Nhưng nghịch lý hơn cả là khi nhận đất từ dự án tái định cư, các hộ dân tiến hành đo đất mới phát hiện ra diện tích (DT) đất được cấp thực tế thiếu hụt đi rất nhiều so với DT đất được ghi trên sổ đỏ.
Cụ thể: thôn Nghịu tổng DT đất được cấp theo bìa đỏ của 35 hộ dân là 404.347 m2, nhưng diện tích DT đo thực tế chỉ có 260 484 m2, DT đất còn thiếu so với bìa đỏ là 160 544 m2 đất. Tiêu biểu như nhà ông Vi Văn Pháo, DT theo bìa đỏ 18 818 m2, DT đo thực thế chỉ có 5 151 m2, DT thiếu so với bìa đỏ lên tới 13 667 m2. Ông Vi Văn Ứa, DT theo bìa đỏ là 25 278 m2, DT đo thực tế chỉ có 7 363 m2, DT thiếu so với bìa đỏ những 17 915 m2.
Ông Lò Văn Xum, Bí thư Chi bộ thôn Nghịu bộc bạch: “Diện tích đất được cấp thiếu nhiều quá đã gây ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất trồng trọt của bà con. Muốn trồng cây công nghiệp lâu năm mà diện tích đất quá ít thì trồng làm sao được”.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Vi Văn Ứa là 25 278 m2, DT đo thực tế chỉ có 7 363 m2, |
Ông Vi Văn Ứa – Bí thư Chi bộ và ông Lò Văn Xum – Trưởng thôn Nghịu, xã Xuân Hòa phản ánh nỗi bức xúc của người dân đến phóng viên. |
Cũng tương tự như vậy, tại thôn Xuân Thành có 15 hộ thiếu đất với DT đất ghi trong sổ đỏ là 292 287 m2, DT đo thực tế chỉ có 232 739 m2, DT thiếu so với bìa đỏ là 52 389 m2. Trong đó có hộ ông Nguyễn Thành Hưng DT ghi theo bìa đỏ là 88 244 m2, DT đo thực tế 67 701 m2, DT thiếu so với bìa đỏ là 20 543 m2.
Ông Vi Hồng Minh, Trưởng thôn Ngòi cho biết thêm: “Trong 35 hộ được cấp đất, có 6 hộ có sổ mà không có đất. Các thôn khác được cấp mỗi nhân khẩu được 2200 m2 đất, riêng thôn Ngòi chỉ được 1700 m2 đất. Quỹ đất của xã vẫn còn khá nhiều nhưng không hiểu vì sao lại không cấp cho dân”.
Trao đổi với Phóng viên Báo tài nguyên & Môi trường điện tử về vấn đề trên, ông Lê Chí Liệu – Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết: “Dân đo đất thấy thiếu rồi lên xã yêu cầu chia lại đất, nhưng việc chia đất không phải do xã tiến hành, bởi khi chuyển về tái định cư việc tiến hành đo đất, chia đất thuộc thẩm quyền của Chi cục định canh định cư và vùng kinh tế mới Thanh Hóa. Xã lúc này cũng không có thẩm quyền được đo đất để chia mà chỉ được phép tiếp nhận đất và quản lý đất về mặt hành chính”.
Bài & ảnh: Thanh Tâm