Nghệ An: Dân tố Thủy điện Chi Khê tích nước đột ngột, không thông báo
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 17/05/2016
Không mưa cũng ngập
Bản Liên Hồng, xã Cam Lâm cách đập thủy điện Chi Khê khoảng 1,5 km về phía thượng nguồn sông Cả. Toàn bộ diện tích canh tác của bản nằm dọc sông với tổng diện tích 6,2 ha ngô, 1,3 ha lúa. Đến thời điểm này, cây lúa đã bắt đầu đứng cái làm đòng, ngô đang thời kỳ căng sữa. Thế nhưng, cái ăn đã đến cửa miệng thì bị “hà bá” cướp đi.
Ông Ngân Văn Lương bức xúc vì đập nước thủy điện dâng bất ngờ, khiến lúa nhà ông hư hại |
Theo người dân địa phương phản ánh, khoảng 10 giờ sáng 6/5, mực nước trên sông Cả bỗng dưng dâng lên bất thường khiến người dân không kịp trở tay. Buổi sáng sớm, khi mực nước sông cả chỉ cao không quá mắt cá chân, cụ bà Vi Thị Thuận, 80 tuổi, trú tại bản Liên Hồng qua sông hái rau rừng. Đến tối ngày 6/5, người nhà tìm được thi thể cụ bị chết đuối tại điểm cách đập thủy điện chừng 1 km.
Ông Vi Văn Hòa, một người dân bản Cống, cho biết: “Nước dâng nhanh lắm, tui cũng định đi sang sông nhưng sợ không về được nên không đi. Nếu đi thì không về được. Chưa khi mô có hiện tượng ni mô”.
“Cũng không khẳng định cụ Thuận chết đuối là do đập nước thủy điện dâng lên bất thường vì khi đó không có ai chứng kiến mà. Nhưng mà nghi khi cụ quay trở lại qua sông về nhà thì mực nước đã dâng lên quá cao nên cụ lội sông để về rồi bị trôi” – ông Lộc Văn Trung, Chủ tịch UBND xã Cam Lâm cho biết.
Nhà máy thủy điện Chi Khê, đang thi công sắp hoàn thành |
Ngập nước bất thường đã khiến trên 8,6 ha lúa, hoa màu tại bản Liên Hồng, bản Cống bị thiệt hại. Ông Ngân Văn Lương, Bí thư Chi bộ bản Liên Hồng cho biết, riêng gia đình ông bị thiệt hại 950 m2 lúa. “Đây là lần thứ 2 trong vụ xuân 2016, lúa màu của bản bị nước sông dâng lên bất thường gây ngập úng. Lần trước (27/4-PV), thời gian ngập ngắn nhưng lần ni, gần 2 ngày lúa ngô ngập dưới nước khiến toàn bộ diện tích mất trắng. Nhà ta chỉ trông vô chừng nớ lúa, giừ mất trắng, vợ chồng, con cái biết lấy chi mà ăn? Bản ni diện tích lúa với hoa màu ít, tỉ lệ hộ nghèo lại cao gần 50%. Nếu thủy điện mần ăn kiểu ni thì dân bản mần răng sống được?” – ông Lương bức xúc.
Doanh nghiệp “đá bóng” trách nhiệm
Ông Lô Văn Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông cho biết: “Sau khi sự việc xảy ra, ngày 7/5, chúng tôi đã triệu tập cuộc họp gấp. Bây giờ đang xác minh nguyên nhân để xử lí và lo cho dân”.
Ông Ngân Văn Lương bức xúc vì đập nước thủy điện dâng bất ngờ, khiến lúa nhà ông hư hại |
Ông Phạm Ngọc Thành, Tổng Giám đốc Công ty CP Năng lượng AGRITA-Nghệ Tĩnh, đại diện đơn vị chủ đầu tư Nhà máy thủy điện Chi Khê khẳng định nhà máy không thực hiện tích nước. “Chúng tôi chưa từng thực hiện tích nước. Là đơn vị đầu tư, chúng tôi chỉ thực hiện tích nước khi đủ điều kiện cho phép và thông báo cho nhân dân và chính quyền địa phương. Tại thượng nguồn sông Cả, cách Nhà máy thủy điện Chi Khê khoảng 30 km có Nhà máy Thủy điện Khe Bố. Anh em công nhân cho biết, thời điểm sáng 6/5, nhà máy thủy điện Khe Bố phát điện hai tổ máy với lưu lượng nước lớn. Khi dòng nước về đến đập thủy điện Chi Khê, do lưu lượng nước qua hệ thống khoang tràn không thể xả kịp dù đang trong quá trình thi công nên luôn mở hết cỡ. Theo thiết kế kỹ thuật đã được phê duyệt thì mực nước tại thời điểm Thủy điện Khe Bố, phát hai tổ máy thì lưu lượng có thể lên 940m3/giây và cao trình có thể lên 33, 18m. Nên không thể nói là chúng tôi tích nước được”.
Thế nhưng, trao đổi qua điện thoại, một lãnh đạo nhà máy thủy điện Khe bố lại khẳng định: “Mùa này lấy đâu ra nước mà chạy cả 2 tổ máy phát điện? Nếu chạy cả 2 tua bin với lưu lượng 500 m3/s thì cũng không thể gây ra hiện tượng như thế (ngập úng hạ lưu sông cả-PV)”.
Nhà máy Thủy điện Chi Khê có tổng mức đầu tư 1.370 tỷ đồng, cao trình thiết kế đập thủy điện là 38 m, công suất 2 tổ máy 40 MW. Dự án này sẽ ảnh hưởng trên 1 nghìn hộ dân và 500 ha. Dự kiến, đến cuối 2016, Nhà máy sẽ hòa điện lưới quốc gia. Đến thời điểm này, dự án đã thực hiện được 90% khối lượng công việc. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Công ty, đến nay chủ đầu tư chỉ mới thực hiện việc đền bù hoa lợi cho người dân. Công tác giải phóng mặt bằng, đền bù đất đai chưa thực hiện nhưng lãnh đạo nhà máy vẫn khẳng định doanh nghiệp đang đi đúng lộ trình(?). |
Phạm Tuân – Bách Nguyễn