Vĩnh Tường – Vĩnh Phúc: Có thất hứa với dân?
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 13/05/2016
(TN&MT) - Quyết định thu hồi đất nông nghiệp vượt thẩm quyền, bao che cho cấp dưới làm sai, trong khi đó còn hứa với dân sẽ cắm đất trả lại nhưng đến thời hạn...
(TN&MT) - Quyết định thu hồi đất nông nghiệp vượt thẩm quyền, bao che cho cấp dưới làm sai, trong khi đó còn hứa với dân sẽ cắm đất trả lại nhưng đến thời hạn lại không thực hiện như cam kết, dẫn đến người dân xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường vô cùng bức xúc.
Mảnh đất “đặc biệt” không bị thu hồi nằm loạt thỏm giữa ba bề là đất thổ cư. |
Hứa một đằng làm mệt nẻo
Báo TN&MT nhận được đơn thư của 26 hộ dân xã Phú Đa, huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) phản ánh về việc năm 2005 xã Phú Đa đã lấy hơn 4.000m2 đất nông nghiệp của họ làm đất giãn dân, đấu giá tại Ao Sen, Gò Soi và Cửa Ngòi. Tiền đền bù người dân được lấy tương ứng với giá trị diện tích đất nông nghiệp bị lấy trong thời hạn từ năm 2005 -2013, nếu đến hạn 2013 không có chủ trương rũ rối đất chia lại thì người dân sẽ nhận lại diện tích đất này.
Sự việc phát sinh mâu thuẫn, năm 2013 các hộ dân trước đây bị lấy đất ở Gò Soi được xã Phú Đa cắt trả lại đất, còn 26 hộ dân ở Cửa Ngòi, Ao Sen lại không được thực hiện như cam kết. Giải thích về việc này, ông Trần Doãn Thiện, Bí thư xã Phú Đa (thời điểm năm 2005 ông đang làm Chủ tịch xã Phú Đa - pv) phân trần: Khi đó năng lực lãnh đạo và kiến thức pháp luật của cán bộ hạn chế nên cam kết với dân là sai, giờ có đất để cắm trả lại cho người dân nhưng không cắm trả được vì huyện bảo như vậy là sai luật nên xã không làm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Duy Nhận, xã Phú Đa cho hay: Lãnh đạo UBND xã Phú Đa đã công khai xin lỗi dân, nhưng bằng miệng mà không ra văn bản. Trong khi đó, việc bồi thường đất nông nghiệp đến nay gia đình tôi vẫn chưa được nhận, tôi khẳng định họ mạo chữ ký của tôi. Tôi yêu cầu giám định chữ ký nhưng đến nay chính quyền các cấp cố tình phớt lờ và đùn đẩy lẫn nhau. Ngoài ra, UBND xã Phú Đa khi đó có hứa hẹn sẽ cấp 50m2 đất dịch vụ cho gia đình, nhưng lạ thay đến nay sau nhiều cuộc họp xã Phú Đa mới chấp thuận quy đổi thành tiền 17m2, còn 33m2 gia đình tôi không thuộc diện ưu tiên.
Khu đất giãn dân được cho UBND huyện Vĩnh Tường ra Quyết định thu hồi vượt thẩm quyền |
Đặc biệt, người dân nơi đây rất bức xúc về việc thu hồi đất nông nghiệp của dân không công bằng, hộ bị lấy hết đất trong khi có hộ ông Trần Doãn Thành thôn Thượng lại không bị thu hồi đất. Sự việc này, đại diện UBND xã Phú Đa cũng thừa nhận là đúng sự thật. Phải chăng, trong Quyết định thu hồi đất của UBND huyện Vĩnh Tường có vấn đề? Chính vì việc này, mới dẫn đến mảnh đất nông nghiệp của ông Thành nằm loạt giữa ba bề là đất giãn dân.
Lý giải về việc không thu hồi đất của gia đình ông Thành, ông Hoàng Mạnh Hồi, Chủ tịch UBND xã Phú Đa cho biết: Khi có chủ trương thu hồi đất, gia đình ông Thành không ký vào văn bản chấp thuận nên không bị thu hồi đất! Khi phóng viên đặt câu hỏi: Tại sao có sự ngoại lệ đó, trong khi có cả Quyết định thu hồi đất của huyện Vĩnh Tường lại “bỏ loạt” một hộ? Ông Hồi vẫn khẳng định: Khi đó gia đình ông Thành không ký vào văn bản chấp thuận.
Sai phạm đã rõ
Ngày 11/10/2005 UBND huyện Vĩnh Tường ra Quyết định số 1637/QĐ-UBND về việc thu hồi và giao đất cho người dân làm nhà ở tại xã Phú Đa. Quyết định nêu rất rõ “thu hồi 4.940 m2 đất nông nghiệp hạng 3,4,5 thuộc quỹ đất I tại xã Phú Đa để sử dụng vào mục đích: Giao đất cho nhân dân làm nhà ở, hành lang giao thông, quy hoạch đường, thoát nước…” Điều bất bình thường ở đây, việc ra quyết định thu hồi đất tổng thể không phải là UBND tỉnh Vĩnh Phúc mà là UBND huyện Vĩnh Tường?! Liệu rằng, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có biết việc làm “vượt mặt” của cấp dưới và nguồn thu từ việc đấu giá hàng ngàn mét vuông đất có được chính quyền cơ sở sủ dụng đúng mục đích hay vào túi riêng?
Ngoài ra, do việc ra Quyết định vượt thẩm quyền nên UBND huyện Vĩnh Tường đã quên luôn việc lập phương án tổng thể về bồi thường, giải phóng mặt bằng để trình UBND tỉnh phê duyệt. Trong khi, việc bồi thường, hỗ trợ người dân bị mất đất lại do UBND xã Phú Đa đảm nhiệm chứ không phải UBND huyện Vĩnh Tường, do đó có thể hiểu, việc thu hồi đất của nhân dân là do sự thỏa thuận của hai bên: UBND xã Phú Đa và người dân chứ không xuất phát từ mục đích “Nhà nước thu hồi” đất!
Bản cam kết sẽ cắm trả lại đất cho người dân của xã Phú Đa |
Chính vì những việc làm bất bình thường trên mới có chuyện kẻ cười người khóc, tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Duy Nhận, đến nay chưa nhận được bất cứ tiền bồi thường đất nào, khi gia đình đi đòi hỏi quyền lợi thì bị UBND xã Phú Đa khẳng định: Gia đình ông đã nhận đầy đủ tiền bồi thường! về việc này, ông Nguyễn Duy Nhận khẳng định: Gia đình chưa hề nhận được tiền bồi thường và việc xã Phú Đa hứa cấp cho gia đình 50m2 đất dịch vụ sau khi lấy đi phần lớn đất nông nghiệp của gia đình, nhưng đến nay vẫn bỏ ngỏ.
Để đòi hỏi quyền lợi, gia đình ông Nhận đã yêu cầu giám định chữ ký và xin lại mẫu chữ ký trong các văn bản được cho là bị mạo chữ ký nhưng bị khước từ. Sau nhiều vòng vo, đùn đẩy trách nhiệm với lý do, ông Nhận không đưa ra được mẫu chữ ký năm 2005 mà chỉ có mẫu chữ ký từ năm 2011 nên không giám định được.
Điều cơ quan chức năng đã “quên” mất đó là việc chữ ký và chữ viết của con người có những đặc điểm ổn định, không bị thay đổi theo thời gian, bằng phương tiện kỹ thuật hiện đại người ta có thể cho ra kết quả chuẩn xác chứ không nhất thiết phải đưa ra mẫu chữ ký cùng thời điểm nào đó. Để làm rõ chữ ký thật – giả của người dân, Báo TN&MT đề nghị Công an tỉnh Vĩnh Phúc vào cuộc xác minh và đưa ra kết quả cuối cùng để người dân không bị thiệt thòi.
Thiết nghĩ UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Sở TN&MT cần vào cuộc làm rõ quyết định thu hồi đất của UBND huyện Vĩnh Tường có đúng thẩm quyền và những sai phạm tại UBND xã Phú Đa cân làm rõ, công khai với người dân, để người dân hiểu rõ và không có khiếu kiện kéo dài.
Báo TN&MT sẽ thông tin tiếp về vụ việc.
Doãn Xuân