Thừa Thiên Huế: Đặt trạm thu phí bất hợp lý, dân bức xúc, chính quyền tâm tư

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 16/05/2016

(TN&MT) - Việc Công ty Cổ phần Phước Tượng - Phú Gia BOT (Cty Phước Tượng - Phú Gia) xây trạm thu phí (TTP) đường bộ tại thị trấn (TT) Lăng Cô nằm ở một nơi không liên quan gì đến hai hầm đường bộ Phước Tượng và Phú Gia (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) đã làm cho người dân ở thị trấn Lăng Cô và Đà Nẵng hết sức bức xúc. Điều đáng nói, việc mở trạm thu phí trên khiến không chỉ người dân, doanh nghiệp mà cả địa phương bị thiệt hại không ít.
Trạm thu phí của hầm đường bộ Phước Tượng- Phú Gia đặt tại thị trấn Lăng Cô đang trong công đoạn hoàn thiện, đưa vào hoạt động
Trạm thu phí của hầm đường bộ Phước Tượng- Phú Gia đặt tại thị trấn Lăng Cô đang trong công đoạn hoàn thiện, đưa vào hoạt động

Bức xúc vì vị trí trạm thu phí bất hợp lý

Để tìm hiểu thực hư về vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử TN&MT có buổi tiếp xúc trực tiếp với người dân và doanh nghiệp khu vực Lăng Cô. Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Thanh Tân- Phó Giám đốc Công ty TNHH Taxi Lăng Cô chia sẻ, hiện hãng có 12 xe taxi và hơn 10 xe chạy hợp đồng. “Đa số khách của chúng tôi, từ taxi cho đến hợp đồng đều đưa đón khách qua về Đà Nẵng. Việc chở khách, tiền qua TTP thì nhà xe, tài xế phải chịu chứ ít khi khách bỏ ra. Mà doanh nghiệp chúng tôi mỗi ngày đi bao nhiêu chuyến, thì doanh thu thiệt hại rất lớn. Chúng tôi đã làm đơn gửi Công an thị trấn danh sách xe đề nghị cơ quan chức năng can thiệp với Cty Phước Tượng- Phú Gia”- ông Tân cho hay.

Trường hợp ông Lương Chí Sỹ, chủ doanh nghiệp tư nhân Thảo Kéo, đơn vị chuyên cung cấp thức ăn nuôi tôm cá. Mỗi ngày xe ông Sỹ đi vào Đà Nẵng chở hàng nhiều chuyến rồi về Lăng Cô. “Việc thu phí chi mà vô lý rứa khi chúng tôi không hề đi qua hầm. Cơ quan chức năng, Cty Phước Tượng- Phú Gia phải làm như thế nào cho hợp lý chứ?”

Chủ một khu du lịch nổi tiếng ở Lăng Cô cho biết, hầu hết khu du lịch, khách sạn, nhà nghỉ, dịch vụ ăn uống ở đây đón khách từ Đà Nẵng. Nguồn sống, kinh doanh dịch vụ du lịch sẽ bị ảnh hưởng rất lớn đến việc đặt TTP trên, ai đền bù?

Một số hãng taxi lo âu sẽ bị “chết đứng” nếu Trạm thu phí đưa vào hoạt động
Một số hãng taxi lo âu sẽ bị “chết đứng” nếu Trạm thu phí đưa vào hoạt động

Còn anh Nguyễn Văn Hải, khối phố An Cư Tân, thị trấn Lăng Cô bức xúc nói, gia đình tôi có chiếc xe 1,25 tấn chuyên chở hàng tạp hóa giữa Đà Nẵng và Lăng Cô. Một ngày xe tôi đi qua, đi về hai địa điểm này vài ba chuyến, nếu mà sắp tới thu phí thì một ngày mất vài trăm ngàn đồng, ảnh hưởng đến việc buôn bán của gia đình. Việc thu phí trong khi hai hầm nằm ở bên ngoài, không hề liên quan gì đến việc đi lại của chúng tôi thì hết sức phi lý.

Trước đây, ngày 31/7/2015, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Việt- Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy Chữa cháy và Cứu hộ cứu nạn (CS PCCC&CNCH) có ý kiến: “Công trình Hầm đường bộ Hải Vân là công trình có tính chất cháy, nổ phức tạp, do vậy, việc bảo đảm an toàn phòng cháy cho công trình và xử lý sự cố cháy nổ cần quan tâm đặc biệt. Trong trường hợp xảy ra sự cố cháy, nổ cần phải huy động nhiều lực lượng, phương tiện để xử lý kịp thời có hiệu quả. Do đó, việc bố trí TTP tại khu vực trạm kiểm soát, điều hành PCCC hầm đường bộ Hải Vân (SS7) cần lựa chọn vị trí phù hợp để không ảnh hưởng đến công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khi có sự cố xảy ra tại công trình”. Thế nhưng không hiểu sao cơ quan chức năng và Cty Phước Tượng- Phú Gia lại phớt lờ ý kiến của Cục CS PPCC&CHCN?

Thị trấn Lăng Cô kêu cứu?

Ông Lê Văn Giảng- Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô cũng rất tâm tư khi phía Cty Phước Tượng- Phú Gia xây dựng TTP trên địa bàn.

Theo ông Giảng, không chỉ với những hộ dân có xe tại thị trấn Lăng Cô, Đà Nẵng hay qua lại với TT Lăng Cô mà ảnh hưởng rất lớn đến tình hình du lịch, kinh tế của thị trấn này. Đa phần khách du lịch đến TT Lăng Cô ăn uống, nghỉ dưỡng từ Đà Nẵng ra. Nếu đặt TTP như hiện tại, tác động đến vấn đề tài chính của họ nên chắc chắn lượng khách giảm hẳn, sẽ kéo theo tình hình kinh tế Lăng Cô bị ảnh hưởng theo.

Ông Phan Thanh Tân, Phó Giám đốc một Doanh nghiệp kinh doanh vận tải, du lịch lo ngại sẽ bị thiệt hại lớn
Ông Phan Thanh Tân, Phó Giám đốc một Doanh nghiệp kinh doanh vận tải, du lịch lo ngại sẽ bị thiệt hại lớn

Trung tá Nguyễn Tiến Dũng- Trưởng Công an thị trấn Lăng Cô cho biết, hiện có hơn 100 xe ô tô thường xuyên qua lại, có hộ khẩu tại Lăng Cô và Đà Nẵng. Con số này do nắm tình hình thực tế chứ các xe taxi và dịch vụ du lịch thì chưa tính. “Chúng tôi muốn làm sao cho người dân Lăng Cô, những xe thường xuyên từ Đà Nẵng đến Lăng Cô không bị ảnh hưởng là tốt nhất”- Trung tá Dũng tâm tư.

Ông Lương Chí Sỹ có ý kiến đề xuất, việc đặt TTP ở đầu TT Lăng Cô (phía Đà Nẵng), những xe nào muốn vượt trạm thì họ đi qua đèo Hải Vân. Và những xe buộc phải đi đèo Hải Vân họ không hề mất phí khi đi qua hầm Phước Tượng- Phú Gia. Còn những xe đi qua hầm Hải Vân, dù không qua hầm Phước Tượng- Phú Gia thì vẫn bị thu phí, khác gì thu phí cho Hầm Hải Vân chứ không phải thu phí cho hầm Phước Tượng- Phú Gia?.

“Đặt TTP ngay tại đoạn đường bắt đầu qua hầm Phú Gia và đèo Phú Gia là hợp lý nhất. Vì con đường vòng phía cảng Chân Mây qua đèo Phú Gia là đường tỉnh lộ hiện chỉ cho xe ô tô con trở xuống lưu thông. Các xe cấm mà vượt trạm thì đã có CSGT và Thanh tra Giao thông chốt chặn, xử lý. Việc đặt trạm ở đây thì không ảnh hưởng gì đến cuộc sống của người dân, doanh nghiệp, cũng như kinh tế của TT Lăng Cô. Và sau này, khi mở rộng hầm Hải Vân chắc sẽ có thu phí nữa, thì người dân, đơn vị kinh doanh đến Lăng Cô lại mất 2 lần phí thì làm sao chịu thấu?”- ông Sỹ lo lắng nói.

“Mới đây, UBND TT Lăng Cô làm việc với phía  Cty Phước Tượng- Phú Gia, đã có lập biên bản làm việc về những đề xuất của UBND TT Lăng Cô, là xem xét ưu tiên những xe qua lại giữa Lăng Cô- Đà Nẵng; cần có hướng giải quyết, tháo gỡ việc lập TTP ảnh hưởng đến du lịch, dịch vụ, kinh tế địa phương. Nhưng đến nay chưa có phản hồi gì”- ông Giảng cho biết thêm.

Chủ tịch huyện Phú Lộc nói gì?

Ông Nguyễn Văn Mạnh- Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, trước khi xây dựng TTP ở vị trí hiện tại, Bộ GTVT và tỉnh Thừa Thiên Huế họp bàn để chọn vị trí đặt TTP.

“Theo tôi biết thì hồi đó cũng đưa ra phương án đặt ở phía hai hầm Phú Gia- Phước Tượng thì quá gần với TTP Phú Bài, càng gần càng vi phạm, còn nếu đặt đúng theo quy định (mỗi TTP cách nhau 70km) thì lại qua địa bàn Đà Nẵng, nên chọn vị trí hiện tại là phù hợp nhất vì không có vị trí nào khác. Vẫn biết đặt TTP ở TT Lăng Cô thì sẽ bất lợi nhiều cho TT Lăng Cô nhưng ở cấp huyện chúng tôi không thể quyết được điều gì, mà cấp trên và cơ quan chức năng Bộ GTVT là đơn vị quyết việc này”- ông Mạnh lý giải.

Một số xe vừa qua hầm Hải Vân gặp ngay TTP của hầm Phước Tượng- Phú Gia mặc dù không hề đi qua hầm Phước Tượng- Phú Gia
Một số xe vừa qua hầm Hải Vân gặp ngay TTP của hầm Phước Tượng- Phú Gia mặc dù không hề đi qua hầm Phước Tượng- Phú Gia

“Việc người dân phản ánh bất cập đặt TTP ở vị trí hiện tại là có cơ sở và đúng tâm tư nhưng việc quyết định ngoài thẩm quyền của huyện. Trước mắt, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách miễn giảm cho những hộ dân thường xuyên kinh doanh qua lại ở Lăng Cô- Đà Nẵng và có những tính toán hợp lý để tạo điều kiện cho TT Lăng Cô phát triển dịch vụ, du lịch. Sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục tổng hợp ý kiến của người dân để có hướng đề xuất tiếp theo, để tạo điều kiện cho người dân, TT Lăng Cô ít tác động nhất đến việc đặt TTP tại TT Lăng Cô”- ông Mạnh đề xuất.

Qua nắm bắt tình hình thực tế, tâm tư nguyện vọng của người dân, chính quyền sở tại, đề nghị Bộ GTVT, cơ quan chức năng cần xem xét lại việc đặt TTP trên, chứ đừng để đến khi sự đã rồi, xảy ra biến cố lớn thì “có hối cũng không kịp”!

Bài & ảnh: Võ Hà