Nan giải xử lý những kho "thuốc độc"

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 11/05/2016

  (TN&MT) - Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi tồn tại 6 kho thuốc bảo vệ thực vật  cũ bị bỏ hoang trong trong khu dân cư, trong đó, có nơi có lượng...

 

(TN&MT) - Hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi tồn tại 6 kho thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) cũ bị bỏ hoang trong trong khu dân cư, trong đó, có nơi có lượng tồn dư thuốc vượt mức cho phép lên đến 100 lần. Các kho “thuốc độc” này đang từng ngày rò rỉ và gây ô nhiễm môi trường, đe dọa sức khoẻ của hàng nghìn hộ dân nơi đây.

Kho thuốc BVTV này đã bị bỏ hoang gần 30 năm nhưng chưa được di dời
Kho thuốc BVTV này đã bị bỏ hoang gần 30 năm nhưng chưa được di dời

Kho thuốc hành dân

Xung quanh Kho thuốc BVTV Núi Voi, ở thị trấn La Hà, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 50 hộ dân sinh sống đang từng ngày chịu ảnh hưởng nặng nề từ kho thuốc này.

Ông Nguyễn Lân, một hộ dân ở đây cho biết kho thuốc này đã ngưng hoạt động từ những năm 1980 nhưng không được xử lý. Mấy chục năm qua, hàng chục hộ dân ở đây phải gánh chịu mùi thuốc độc. Các hộ dân sống gần kho thuốc sâu bỏ hoang luôn trong tình trạng lo lắng về nguồn đất, nước và không khí bị ô nhiễm. Bất an hơn khi số người chết vì ung thư lại gia tăng trong tại địa phương trong thời gian gần đây. “Nhiều người bị ung thư lắm rồi. Nhìn từng người ra đi vì bệnh tật, chúng tôi rất lo lắng. Chính quyền cần di dời ngay kho thuốc, cứ để vậy hoài người dân sao sống nổi?” – ông Nguyễn Lân bức xúc.

Cùng cảnh ngộ với người dân xung quanh đồi núi Voi, người dân ở thôn Hòa Bân, xã Tịnh Thiện, tỉnh Quảng Ngãi mấy chục năm qua phải sống cạnh kho “thuốc độc” với mùi hôi bốc ra từ kho thuốc và canh cánh nỗi lo thuốc ngấm vào mạch nước ngầm. Kho thuốc BVTV Hòa Vinh, ở xã Tịnh Thiện (TP. Quảng Ngãi) bị bỏ hoang hơn 30 năm nay nhưng chưa được cơ quan chức năng xử lý, di dời. Mỗi khi gió nồm, trời đang nắng mà đổ mưa, thì mùi hôi từ kho thuốc theo gió bay ra nồng nặc, người dân xung quanh vừa ăn cơm vừa bịt mũi vì vậy, các hộ dân ở xung quanh buộc phải đóng kín cửa dù ngày hay đêm.

“Trước đây, kho này là nơi chứa vô số loại thuốc cực độc, làm điểm phân phối thuốc BVTV cho nông dân toàn khu Đông (huyện Sơn Tịnh cũ). Thời đó, thuốc độc không đựng trong chai, lọ như bây giờ mà chủ yếu đựng trong các thùng phuy rồi sang chiết ra các can nhựa, bao nilon, không biết bao nhiêu thuốc đã đổ ra đất rồi thấm vào nguồn nước. Trong thôn đã có nhiều người bị chết vì căn bệnh ung thư, người lớn, trẻ nhỏ đều mắc đủ thứ bệnh. Lo lắng mà không biết làm sao. Một số người đã bỏ làng để đi làm ăn xa.”- một người dân địa phương cho biết.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên & Môi trường tỉnh Quảng Ngãi, trong số 6 kho thuốc BVTV nằm rải rác ở tỉnh Quảng Ngãi, hiện 5 kho đã ngưng hoạt động từ những năm 1980. Khu vực xung quanh những kho thuốc này bị ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người dân.

Ông Nguyễn Văn Oai- Chi cục trưởng Chi cục Vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Vào thời điểm những năm 1980, do sự hiểu biết về thuốc BVTV còn hạn chế, chỉ coi trọng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, chưa hiểu biết về mặt trái của nó với sức khỏe con người và môi trường, nên công tác quản lý còn lỏng lẻo. Các loại thuốc nhập về được đựng trong phùng phuy lớn, không được đựng trong chai lọ hay bịch ni lông kín như bây giờ. Khi phát về cho xã viên, các đội sản xuất thì dựng can nhựa để chiết nên bị rơi vãi, đổ xuống nền đất tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm, đe dọa đến sức khỏe và môi trường. “Do nguồn kinh phí để di dời, xử lý các điểm đen ô nhiễm môi trường này quá lớn nên chúng tôi thường xuyên tuyên truyền người dân hãy tự cứu mình, tránh phơi nhiễm với thuốc trừ sâu bất cứ khi nào có thể, nhất là từ thực phẩm, không khí và trong nguồn nước.”- ông Oai cho biết.

Các loại thuốc BVTV nhập về được đựng trong phùng phuy lớn, rò rỉ gây ô nhiễm nguồn nước và không khí
Các loại thuốc BVTV nhập về được đựng trong phùng phuy lớn, rò rỉ gây ô nhiễm nguồn nước và không khí

Cần 100 tỷ đồng để xử lý

Ông Nguyễn Quốc Tân- Phó Giám đốc Sở TN&MT Quảng Ngãi cho biết, sau khi khoan lấy mẫu đất và nước ngầm tại các kho thuốc và khu vực lân cận phân tích cho thấy mức độ vượt quy chuẩn cho phép có những nơi lên đến gần 100 lần, chất lượng đất ở đây đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ phát tán và gây ô nhiễm nước ngầm trong khu vực. “Tuy nhiên, xử lý những kho thuốc này không đơn giản, đòi hỏi nhiều phương pháp khác nhau và thời gian lâu dài. Kinh phí thực hiện xử lý 6 kho thuốc này khoảng 100 tỷ đồng, một con số không nhỏ. Trong điều kiện nguồn vốn còn hạn hẹp như hiện nay thì việc xử lý đồng loạt là điều không thể. Năm 2016, với nguồn vốn 7 tỷ đồng từ Trung ương và tỉnh hỗ trợ, Sở TN &MT tỉnh Quảng Ngãi chọn kho Hòa Vinh để thực hiện thí điểm xử lý, các kho còn lại phụ thuộc vào nguồn vốn từng năm và sẽ thực hiện đến năm 2020”- ông Tân cho biết.

Ông Nguyễn Vũ Luân- Chi nhánh Công ty Tư vấn và Công nghệ Miền Trung cho biết, tồn dư tại các kho thuốc này là các hóa chất loại cực độc như DDT, 666, Bassa… Đơn cử như DDT là hợp chất clo gây hậu quả rất độc đối với sinh vật khi thải ra môi trường, tồn tại lâu dài trong môi trường nước, không phân hủy sinh học và khả năng khếch đại sinh học cao, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cộng đồng.

Theo ông Luân, với kinh nghiệm tại một số địa phương, nơi có mức độ tồn lưu hóa chất cao hơn Quảng Ngãi gấp nhiều lần như Nghệ An, Quảng Trị, Hà Tĩnh thì phương án xử lý tại Quảng Ngãi nên chọn là phương pháp hóa sinh để chuyển hóa các chất BVTV tồn lưu sang các chất dễ phân hủy vi sinh, hoàn trả đất về lại nơi bóc tách. Với công nghệ xử lý hóa – sinh, nồng độ thuốc BVTV trong đất sau xử lý đạt mức an toàn để trồng cây keo lai hay mục đích khác.

Tác hại của các hóa chất tại các kho thuốc với vấn đề môi trường và sức khỏe là vấn đề đáng quan ngại. Việc xử lý tồn lưu hóa chất BVTV là việc làm cấp thiết để bảo vệ môi trường và sức khỏe của người dân. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, quản lý chặt chẽ các điểm kinh doanh thuốc BVTV, cũng như kiểm soát và xử lý việc sử dụng, vứt vỏ bao bì thuốc BVTV bừa bãi trong sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt, để hạn chế việc phát sinh các khu ô nhiễm hóa chất BVTV.

Bài & ảnh: Lan Anh