Điện Biên: Gần 100 hộ dân xây nhà trái phép trên đất nông nghiệp
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 04/05/2016
Những ngôi nhà của người dân xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên được xây dựng kiên cố, tràn lan trên đất 5% của xã. |
Thanh Hưng, hiện thực sau 20 năm đấu thầu đất
Đi dọc hai bên đường từ Lếch Cuông vào UBND xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên, là khu đất đấu thầu thuộc quỹ đất 5% của xã có gần 100 ngôi nhà được xây dựng kiên cố với đầy đủ các công trình phụ, chuồng, trại. Tìm hiểu thực trạng vấn đề này, chúng tôi được biết: Năm 1997, UBND xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên tiến hành hợp đồng đấu thầu đất cho 91 hộ dân trong xã trên diện tích đất 5% khu bãi màu do UBND xã Thanh Hưng quản lý. Tổng diện tích là 236.488m2 và được chia thành 4 khu với các mức khoán khác nhau; mức cao nhất ở khu A là 160kg thóc/1.000m2/năm, và thấp nhất ở khu D là 80kg thóc/1.000m2/năm. Thời gian đấu thầu là 20 năm.
Hằng năm, UBND xã Thanh Hưng thu tiền sản phẩm của các hộ đấu thầu đất, mức thu được tính theo 2 vụ lúa. Năm 2010, diện tích theo phương án thu hồi sản phẩm của xã Thanh Hưng là 233.593m2 của 139 hộ dân (tăng 48 hộ so với năm 1997, trong khi diện tích đất giao khoán đã bị giảm).
Trước thực trạng đó, ngày 30/6/2011, đoàn kiểm tra của UBND huyện Điện Biên tiến hành kiểm tra hiện trạng sử dụng đất của 132 hộ dân, đoạn từ bản Lếch Cuông xuống bản Mé, và từ bản Mé vào trung tâm xã Thanh Hưng. Qua đó, phát hiện có 93/132 hộ đã xây dựng nhà ở trái phép trên diện tích đất mà UBND xã Thanh Hưng cho người dân thuê khoán, đấu thầu để sản xuất trồng màu và chăn nuôi. Trong đó, có 19 hộ đã xây dựng nhà cột bê tông, lợp ngói, 20 nhà sàn cột gỗ với đầy đủ công trình phụ kiên cố. Có 2 hộ dân đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích 800m2 .
Qua công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý sử dụng quỹ đất 5% của xã Thanh Hưng cho thấy, việc quản lý đất đai của UBND xã Thanh Hưng đã để xảy ra một số tình trạng như: Các hộ dân tự ý chuyển nhượng, chia tách hợp đồng thầu khoán giữa các hộ, dựng nhà kiên cố trên quỹ đất thuê, khoán... làm ảnh hưởng đến việc quản lý sử dụng đất của xã. Đặc biệt, là diện tích đất tạm giao hai bên đường từ bản Mé vào Lếch Cuông và đường vào trung tâm xã. Tuy việc xây dựng nhà ở trên diện tích đất giao khoán có thể xảy ra. Song chỉ được phép xây theo hình thức lán trại, nhà cấp IV hoặc theo mô hình VAC nhằm tạo điều kiện cho các hộ thuận tiện trong sản xuất, chăn nuôi. Nhưng cũng vì chính quyền buông lỏng quản lý, nên các hộ đã lợi dụng sử dụng xây dựng nhà ở kiên cố, không đúng cam kết trong hợp đồng.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Lò Văn Hạnh, Trưởng phòng TN&MT, huyện Điện Biên, chia sẻ: Đây là vụ việc diễn ra khá lâu, tại thời điểm từ năm 1997. Khi ấy, thực hiện theo Điều 72, Luật Đất đai năm 2003 và Điều 74 Nghị định 181/2004/NĐ – CP quy định: Đất 5% là đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích của xã, phường, thị trấn, giao cho các hộ dân được tự chủ phát triển kinh tế (trồng rau, hoa màu). Do đó, không được phép xây dựng nhà trên diện tích đó.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, từ những năm 1997 đến nay, UBND xã Thanh Hưng đã để các hộ dân tham gia sản xuất trên đất 5% và cho phép người dân làm nhà tạm trên diện tích đấu thầu. Chính vì vậy, dẫn đến tình trạng hộ này làm được hộ kia cũng làm, cùng với việc chính quyền buông lỏng quản lý nên các hộ được đà lấn chiếm, ngang nhiên xây dựng nhà kiên cố trên đất đấu thầu 5% của xã. Theo quy định của Luật Đất đai, người sử dụng đất phải sử dụng đất đúng quy hoạch, kế hoạch và mục đích sử dụng, do đó muốn sử dụng đất này vào mục đích xây dựng nhà ở thì phải làm thủ tục xin phép chuyển đổi mục đích sử dụng và được cấp có thẩm quyền cho phép.
Giải pháp nào cho tình trạng trên?
Cũng theo Kết luận Thanh tra số: 601/KL-UBND, ngày 6/7/2011 của UBND huyện Điện Biên về việc quản lý, sử dụng quỹ đất 5% tại xã Thanh Hưng, chỉ rõ: Việc UBND xã Thanh Hưng cho phép các hộ gia dân xây dựng nhà trái phép dẫn đến việc chuyển đổi mục đích từ quỹ đất 5% sang đất ở, và việc cấp GCNQSD đất cho 2 hộ ông Trần Đình Nhung và ông Trần Quang Thương chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, trách nhiệm thuộc về UBND xã Thanh Hưng. Việc làm trên do thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý của UBND xã Thanh Hưng, không kịp thời ngăn chặn đối với các hộ tự ý xây nhà cấp 3, nhà sàn lớn làm ảnh hưởng tới việc thu hồi đất khi hết hạn hợp đồng và thanh lý hợp đồng.
Đó là về phía xã, còn đối với UBND huyện Điện Biên không thể phủi trách nhiệm khi cấp GCNQSDĐ cho 2 hộ trên. Điều này, nếu không được phát hiện sớm rất có thể 2 trường hợp trên sẽ trở thành thông lệ trong việc cấp GCNQSDĐ của UBND huyện Điện Biên.
Hiện vẫn có hộ ngang nhiên xây nhà trên đất nông nghiệp tại xã Thanh Hưng. Tại sao? |
Tuy nhiên, để tháo gỡ thực trạng này, UBND huyện Điện Biên đã xin chủ trương và giao cho Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện phối hợp với UBND xã Thanh Hưng lập Quy hoạch chi tiết sử dụng đất bố trí khu dân cư giai đoạn 2011- 2020 trình UBND huyện phê duyệt cho phép cấp đất có thu tiền sử dụng cho các hộ gia đình đã xây dựng nhà ở trên diện tích đất 5% của xã (có sơ đồ chi tiết kèm theo).
Bên cạnh đó, UBND huyện Điện Biên yêu cầu Đảng ủy xã tổ chức họp kiểm điểm đối với Thường trực HĐND - UBND xã Thanh Hưng khóa 16, nhiệm kỳ 1994-1999 về việc ban hành Nghị quyết cho phép các hộ dân ký hợp đồng thầu khoán đất quỹ đất 5% của xã được xây dựng nhà cấp 4 trên diện tích nhận thầu khoán của xã dẫn đến việc vi phạm Luật Đất đai trong việc chuyển đổi, sử dụng sai mục đích đất nông nghiệp sang làm nhà ở.
Song từ đó đến nay, tình trạng xây nhà trái phép vẫn tiếp tục xảy ra trên địa bàn, theo chiều hướng ngày càng tăng chứ không hề có dấu hiệu giảm. Phải chăng UBND huyện Điện Biên đã quá “dễ dãi” trong việc xử lý sai phạm, nên dẫn đến tình trạng người dân tự ý xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp vẫn cứ xảy ra...
Đứng trên phương diện của UBND huyện Điện Biên cũng rất khó để có thể tổ chức phá rỡ, cưỡng chế cả trăm hộ dân; khi họ đã hình thành làng, bản sống tập trung đông đúc. Điều này sẽ làm ảnh hưởng đến an ninh tại xã biên giới này. Song giả thiết đặt ra, nếu địa phương nào cũng buông lỏng quản lý đất như UBND xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên thì cánh đồng Mường Thanh chẳng bao lâu nữa sẽ không còn đất để canh tác.
Vậy, làm thế nào để vừa đảm bảo Luật Đất đai thể hiện tính nghiêm minh của Luật; thể hiện tính răn đe, phòng ngừa, không trở thành thông lệ cho việc xây dựng nhà trái phép trên đất nông nghiệp lại vừa đảm bảo lợi ích cho người dân thì cần có sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh Điện Biên.
Bài & ảnh: Hà Quân