Điện Biên: Uẩn khúc suốt 2 thập kỷ vụ tranh chấp đất đai dưới chân đồi A1
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 05/03/2016
(TN&MT) - Dưới khu chân đồi A1 – vị trí đất “vàng” của trung tâm tỉnh Điện Biên, vụ tranh chấp đất đai kéo dài suốt 20 năm đến nay vẫn chưa có hồi kết.
Mâu thuẫn từ tờ Giấy tạm giao đất
Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường nhận được đơn khiếu nại của bà Chu Thị Thìn, tổ 5, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ, (tỉnh Điện Biên). Vụ việc tóm tắt lại như sau: Theo chủ trương của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lai Châu (nay là tỉnh Điện Biên) về việc bố trí sắp xếp lại dân cư trên địa bàn TX. Điện Biên Phủ (nay là TP. Điện Biên Phủ). Trong đó có khu dân cư phố A1 (nay là tổ dân phố 5 phường Mường Thanh). Khu tập thể may mặc của Công ty cấp 3, khu phố A1 có nhiều hộ sinh sống. Trong đó, có hộ bà Nguyễn Thị Sinh, Chu Thị Thìn, ông Vũ Thế Đệ, bà Hoàng Thị Bất... sinh sống cùng thời điểm và là hộ giáp danh.
Thời điểm này, Khu tập thể may mặc có 1 hố bom khá rộng tiếp giáp Quốc lộ 279, phía sau là hộ bà Chu Thị Thìn và các hộ sống xung quanh sử dụng hố bom là nơi chứa nước sinh hoạt. Cạnh hố bom có 1 đường dân sinh, các hộ sử dụng làm lối đi chung để đi ra Quốc lộ 279 (con đường này đi vào Khu tập thể may mặc. Tại thời điểm này, bà Nguyễn Thị Sinh có 315m2 đất cạnh hố bom, tại khu phố A1 đã chuyển nhượng toàn bộ cho ông Vũ Đức Tâm (vợ là bà Phùng Thị Đào). Nên hộ bà Nguyễn Thị Sinh không còn diện tích đất ở khu phố A1.
Trước đó, bà Sinh đã được cơ quan Thương nghiệp nhượng đất ở khu khách sạn Công Đoàn. Tuy nhiên, năm 1992, bà Nguyễn Thị Sinh vẫn làm đơn xin UBND huyện Điện Biên mượn hố bom để dựng nhà ở tạm. UBND huyện Điện Biên đã chấp thuận bằng công văn số 78/CV-UB, ngày 7/4/1992 với điều kiện bà Sinh “chỉ được phép sử dụng đất hố bom làm nhà tạm và phải trả lại khi Nhà nước cần và không được tiền bồi thường như những hộ khác” – trích văn bản.
Bà Hoàng Thị Bất, (là hộ giáp danh cùng thời điểm với hộ bà Chu Thị Thìn, bà Nguyễn Thị Sinh), cho biết: Lối đi này trước đây là lối đi chung của Khu tập thể may mặc, phố A1. Xưa cái ngõ này rộng ô tô chồng tôi vẫn chở củi về nấu cám lợn, giờ họ lấn chiếm hết chắc chỉ còn 2m và đây là lối duy nhất vào nhà cô Chu Thị Thìn, đất này không phải của bà Sinh |
Đến năm 1996, khi Trung tâm tỉnh lỵ Lai Châu chuyển về địa điểm hiện nay (là TP. Điện Biên Phủ), chính quyền địa phương và các cơ quan chuyên môn đã quy hoạch, sắp xếp lại dân cư. Với chủ trương này, mỗi hộ sẽ được 1 suất đất ở có chiều rộng bám mặt đường là 4,5m, chiều dài 20m; các hộ nhận đất và tái định cư tại chỗ.
Theo đó, Sở Địa chính (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường) đã cấp Giấy tạm giao đất cho 5 hộ khu phố A1, gồm: Chu Thị Thìn, Nguyễn Minh, Vũ Thế Đệ, Nguyễn Thị Sinh và Khương Thị Huyền. (Khương Thị Huyền là con gái bà Sinh đã có gia đình và ở nơi khác). Hộ bà Nguyễn Thị Sinh nghiễm nhiên được 2 suất đất ở.
Ngày 3/4/1995, UBND tỉnh Lai Châu (cũ) nay là Điện Biên ra Thông báo số 20/TB-UB, áp theo khoản 1, 3, 4 Điều 1 Quyết định số 542/UB-QĐ-TM, ngày 28/10/1994 của UBND tỉnh Lai Châu về việc cấp đất và thu lệ phí đất xây dựng tại các khu vực thị xã, huyện thị thuộc tỉnh Lai Châu (cũ) thì hộ bà Nguyễn Thị Sinh và hộ bà Khương Thị Huyền không phải là hộ đối tượng phải được cấp đất sắp xếp tái định cư tại chỗ theo quy hoạch.
Mặc dù, Thanh tra tỉnh Điện Biên đã thanh tra và chỉ rõ hai mẹ con bà Nguyễn Thị Sinh không thuộc diện cấp đất tái định cư tại chỗ khu phố A1. Nhưng không hiểu tại sao, hộ bà Sinh vẫn được Sở Địa chính cấp Giấy tạm giao đất. Suốt từ năm 1996 đến nay, 5 hộ gia đình khu phố A1 vẫn chưa được nhận đất trên thực địa. Tuy nhiên, diện tích đất của hộ Khương Thị Huyền (con gái bà Sinh) đã chuyển nhượng cho bà Phạm Thị Hường ngày 29/10/2002. Hồ sơ pháp lý để chuyển nhượng chỉ căn cứ chủ yếu vào Giấy tạm giao của Sở Địa chính và diện tích đất mà trước đó UBND huyện Điện Biên cho mẹ con bà Sinh mượn hố bom để làm nhà tạm từ năm 1992.
2 bản án không thuyết phục lòng người
Cũng suốt từ năm 1996 đến nay, hộ bà Chu Thị Thìn chưa được nhận đất tái định cư tại chỗ mặc dù là đối tượng nằm trong diện được cấp đất theo quy hoạch tại thời điểm đó. 20 năm qua, bà Chu Thị Thìn đã không biết bao nhiêu lần làm đơn gửi đơn lên các cấp chính quyền tỉnh Điện Biên để được giao đất. Trước tồn tại này, UBND tỉnh Điện Biên đã tổ chức họp 5 hộ dân thống nhất chia đều diện tích đất trên thực tế cho 5 hộ. Để thực hiện Quyết định số 905, ngày 9/9/2011 của UBND tỉnh Điện Biên. TP. Điện Biên Phủ đã ban hành Quyết định số 667, ngày 15/9/2011, thu hồi Giấy tạm giao đất của 5 hộ trên để tiến hành chia lại.
Trong lúc UBND TP. Điện Biên Phủ và UBND tỉnh Điện Biên đang rốt ráo giải quyết dứt điểm vụ việc thì Tòa án Nhân dân (TAND) TP. Điện Biên Phủ nhận được đơn của hộ bà Nguyễn Thị Sinh. Bà Sinh cho rằng hộ bà Chu Thị Thìn đang sử dụng lối đi vào nhà là đất của mình (trước đây là lối đi chung của Khu tập thể may mặc, phố A1. Sở Địa chính đã lấy ra để thực hiện phương án tái định cư tại chỗ). Xét trên Giấy tạm giao đất của Sở Địa chính thì diện tích đất này là của bà Sinh. Song chưa đủ cơ sở vì đất chưa được bàn giao trên thực địa.
Ngày 7/5/2010, TAND TP. Điện Biên Phủ mở phiên tòa xét xử sơ thẩm Bản án số 02/210/DS-ST, tuyên án bà Nguyễn Thị Sinh thắng kiện. Trong khi đó, Tòa xử sơ thẩm lại vắng mặt bị đơn. Bà Chu Thị Thìn, cho biết: “Chỉ đến khi tôi lên thành phố hỏi xem sự việc đến đâu người ta mới cho tôi hay Tòa đã tuyên án. Tôi phải mượn bản án phô tô để đem về. Quá bất ngờ với bản án sơ thẩm của TAND TP. Điện Biên Phủ tôi đã làm đơn kháng án lên TAND tỉnh Điện Biên.”
Bà Bất bức xúc: Ngôi nhà tạm này là của bà Sinh, dựng trên đất hố bom UBND huyện Điện Biên cho mượn. Bà Sinh nói đây là đất khai hoang ư? Thật phi lý, xung quanh là hàng xóm, trước là đường bà ấy khai hoang ở đâu ra vậy? |
Ngày 11/8/2010, TAND tỉnh Điện Biên mở phiên tòa xét xử phúc thẩm số 12/2010/DS-PT và tuyên y án sơ thẩm. Quá bất bình với 2 bản án trên, bà Chu Thị Thìn tiếp tục làm đơn kháng án gửi TAND Tối cáo. Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và gửi đơn kêu cứu về Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Thủ tướng Chính phủ.
Trước thực trạng đó, buộc UBND tỉnh Điện Biên phải chuyển công văn số 2333/UBND-TD, ngày 30/11/2012 trả lời Thanh tra Chính phủ, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và TAND Tối cao: Quá trình xảy ra tranh chấp, khiến chính quyền địa phương các cấp TP. Điện Biên Phủ và tỉnh Điện Biên phải tham gia giải quyết giữa các hộ này suốt từ năm 1997 đến nay. Trong khi: “việc giải quyết tranh chấp đất của các hộ dân khu A1 đang được các cấp hành chính giải quyết thì cơ quan tố tụng lại thụ lý giải quyết và không có sự phối hợp... Phần nhận định của Toàn án diện tích đất trên của người khởi kiện đã sử dụng ổn định từ năm 1996 đến nay là chưa đúng với quy định của Luật Đất đai vì diện tích này liên tục xảy ra tranh chấp... Giấy tạm giao đất cho các hộ gia đình, Tòa án coi như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là chưa đúng”- trích văn bản 2333.
Thấy ánh sáng ở cuối con đường...
Ngày 16/9/2013, Giám đốc thẩm, Tòa dân sự, TAND Tối cao Quyết định số 378/2013/DS-GĐT về việc tranh chấp đất đai tại tổ 5, phường Mường Thanh, TP. Điện Biên Phủ.
Theo nội dung Quyết định Giám đốc thẩm, TAND Tối cao xét thấy trong suốt quá trình quyết vụ án, Tòa án cấp sơ thẩm và phúc thẩm tỉnh Điện Biên đã không đưa đủ các đương sự vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ có liên quan là thiếu sót; Tòa án sơ thẩm phúc thẩm tỉnh Điện Biên đã không thu thập đầy đủ chứng cứ về chủ thể, diện tích và áp dụng các điều luận có liên quan để giải quyết tranh chấp... Lẽ đó, TAND Tối cao đã ra Quyết định Giám đốc thẩm, tuyên hủy toàn bộ bản án dân sự phúc thẩm số 12/2010 của TAND tỉnh Điện Biên và bản án dân sự sơ thẩm số 02/2010 của TAND TP. Điện Biên Phủ, giao hồ sơ vụ án cho TAND TP. Điện Biên Phủ xét xử sơ thẩm lại theo đúng quy định của luật pháp.
Sau 3 lần tạm đình chỉ xét xử vụ án. Ngày 1/1/2012, TAND TP. Điện Biên Phủ ra Thông báo tiếp tục giải quyết vụ án, nhưng cho đến nay vụ việc vẫn chưa được TAND TP. Điện Biên Phủ đưa ra giải quyết dứt điểm.
Ngày 2/3/2016, Phóng viên Báo điện tử Tài nguyên và Môi trường có buổi làm việc với ông Phan Văn Khanh, Chánh án TAND TP. Điện Biên Phủ. Ông Khanh cho biết: Dự kiến trong tháng 3, TAND TP. Điện Biên Phủ sẽ giải quyết dứt điểm vụ việc.
Việc TAND Tối cao ra Quyết định kháng nghị, đề nghị hủy bỏ 2 bản án trên có thể coi như đã mở ra “cánh cửa”, tạo điều kiện cho chính quyền địa phương giải quyết vụ việc trên theo đúng trình tự pháp luật, lấy lại lòng tin của nhân dân vào sự điều hành của chính quyền và thực thi pháp luật của các cơ quan tố tụng tại địa phương.
Bài & ảnh: Trần Hương