Lai Châu: Nhà thầu đổ thải lấp suối, dân lo nhà ngập lụt

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 19/02/2016

(TN&MT) - Dòng suối bị nhà thầu thi công đổ thải chặn đứng dòng chảy, khiến các hộ dân ở  bản Mấn 2, Mấn 1 (xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu)...

 

(TN&MT) - Dòng suối bị nhà thầu thi công đổ thải chặn đứng dòng chảy, khiến các hộ dân ở  bản Mấn 2, Mấn 1 (xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) đang hoang mang lo lắng cho tài sản, tính mạng của gia đình mình khi dòng chảy của con suối bị hạn chế, khiến mọi thứ có thể bị nhấn chìm trong nước.

Dự án Gói thầu nâng cấp cải tạo đường Thèn Sin - Mường So do Ban Quản lý dự án huyện Tam Đường làm chủ đầu tư; liên danh nhà thầu 99 - Vạn Xuân ( Công ty TNHH MTV xây dựng 99 và công ty cổ phần đầu tư và phát triển Vạn Xuân) là nhà thầu xây dựng; được khởi công vào tháng  7/ 2014 và theo kế hoạch sẽ hoàn thành ngay trong năm 2014.

Theo người dân địa phương, đơn vị thi công chống sạt lở đường tại khu vực đầu cầu bản Mấn 2 (Doanh nghiệp tư nhân Xuân Học) đã đổ khối lượng lớn đất đá xuống dòng chảy của con suối. Khu vực đổ thải là đầu cầu hạ lưu bên bản Mấn 1, bãi đổ thải đã tạo thành một đập lớn chắn ngang dòng chảy của con suối từ phía bản Mấn 2 chảy về bản Mấn 1. Nguy cơ mất dòng thoát lũ đang là nỗi lo ngập lụt nhà cửa của một số hộ dân thuộc bản Mấn 2 và bản Mấn 1 xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ. Trước những nỗi lo đó, một số hộ dân thuộc bản Mấn 2 đã bày tỏ bức xúc, yêu cầu đơn vị thi công dừng đổ thải nhưng sự việc vẫn được đơn vị thi công đổ thải trong một thời gian dài.

Vị trí đơn vị thi công cắt cơ chống sạt đầu cầu bản Mấn 2
Vị trí đơn vị thi công cắt cơ chống sạt đầu cầu bản Mấn 2

Anh Tao Văn Tâm, người dân thuộc bản Mấn 2 cho biết: Trước đây tôi cũng là công nhân làm thuê cho công ty cổ phần đầu tư và phát triển Vạn Xuân (là nhà thầu đứng tên trong hợp đồng với chủ đầu tư). Sau khi công ty Vạn Xuân thi công xong cầu thì có thuê lại doanh nghiệp tư nhân Xuân Học thi công phần chống sạt lở đầu cầu bản Mấn 2. Tôi cũng không hiểu xã và huyện sao lại cho đổ thải ở khu vực lòng suối. Khi người dân chúng tôi nêu ý kiến với xã thì xã có nói là chỉ cho đổ đất đến mép bờ chân ruộng nhưng bãi đất đá ngày một được đổ nhiều lên, vượt ra cả lòng suối và tạo thành một con đập khổng lồ chặn dòng chảy của lòng suối từ phía bản Mấn 2 về bản Mấn 1.

“ Người dân chúng tôi rất cảm ơn Nhà nước đã đầu tư xây cầu, làm đường nhưng đổ đất đá của nhà thầu chặn dòng lũ thì sẽ rất nguy hiểm cho những hộ dân trong bản chúng tôi. Mà tôi cũng không hiểu sau nhiều lần xã có nói sẽ thông đường cho bà con đi vào năm 2014 nhưng đến nay con đường vẫn dang dở, trời mưa thì bùn trôi xuống ngập cả bánh xe máy, người dân chúng tôi không thể đi lại được” – anh Tâm cho biết.

Anh Đìu Văn Him, người dân bản Mấn 2 bức xúc chỉ vị trí đổ thải của đơn vị thi công tạo thành con đập khổng lồ chặn dòng thoát lũ
Anh Đìu Văn Him, người dân bản Mấn 2 bức xúc chỉ vị trí đổ thải của đơn vị thi công tạo thành con đập khổng lồ chặn dòng thoát lũ

Anh Đìu Văn Him, người dân bản Mấn 2 bức xúc: Mùa mưa năm ngoái, nước lớn, dòng chảy hẹp nên lũ thoát rất chậm, mực nước dâng nên đến gần mặt cầu mới. Bây giờ nhà thầu đổ đất đá tạo thành cái đập lớn và thu hẹp dòng chảy của suối thì nguy cơ gia đình tôi và các hộ dân khác trong bản Mấn 2 sẽ bị ngập là thực tế. Tôi cũng đã phải vay mượn tiền để tôn nền nhà nên cao nhưng nguy cơ ngập cũng khó tránh được khi mùa mưa lũ đến, các hộ gia đình khác ở thấp hơn thì càng có nguy cơ bị cuốn trôi nhà trong mùa mưa.

Ông Hoàng Văn Hiên, bí thư Chi bộ bản Mấn 1 cho biết: Khi đơn vị thi công đổ đất đá vào khu vực của bản Mấn 1, mặc dù tôi là bí thư Chi bộ nhưng cũng không hề được đơn vị thi công báo cho bản biết vị trí đổ đất đá, cũng không hề thông qua chính quyền bản. Việc đổ đất đá của doanh nghiệp vượt ra cả lòng suối, tạo thành đập lớn chặn đứng dòng chảy thì sẽ rất nguy hiểm cho bà con khi mùa mưa lũ đến.

Trao đổi với chúng tôi, Ông  Phùng Văn Nam, phó giám đốc Ban Quản lý dự án huyện Tam Đường cung cấp thông tin: Gói thầu nâng cấp cải tạo đường Thèn Sin - Mường So được Ban Quản lý dự án huyện Tam Đường ký hợp đồng bổ sung với liên danh nhà thầu 99 - Vạn Xuân vào ngày 4/7/2014 với thời hạn hoàn thành gói thầu là trong năm 2014. Tuy nhiên đến nay, dự án đã bị chậm tiến độ hơn 1 năm so với thời hạn hoàn thành gói thầu theo hợp đồng  là do công tác giải phóng mặt bằng chậm.

Khối lượng lớn đất đá đã được đổ xuống cả lòng suối, thu hẹp dòng chảy
Khối lượng lớn đất đá đã được đổ xuống cả lòng suối, thu hẹp dòng chảy

Việc nhà thầu Vạn Xuân sau khi xây dựng xong cầu có thuê lại máy móc của Doanh nghiệp tư nhân Xuân Học thi công phần chống sạt nở đầu cầu bản Mấn 2 đổ thải là đúng vị trí với diện tích bãi đổ khoảng 5.000m2 và đến thời điểm này Ban Quản lý dự án  huyện Tam Đường cũng chưa hề nhận được phản ánh của người dân.

Tuy nhiên, trái ngược hoàn toàn với những gì mà đại diện phía chủ đầu tư giải trình, diện tích bãi đổ đã vượt lên đến hàng chục nghìn m2 và lấn ra cả lòng suối, chặn dòng chảy thoát lũ và xâm hại nghiêm trọng đến nguồn tài nguyên nước.

Gói thầu vẫn dang dở, chậm tiến độ hơn 1 năm khiến cho việc lưu thông của người dân khó khăn
Gói thầu vẫn dang dở, chậm tiến độ hơn 1 năm khiến cho việc lưu thông của người dân khó khăn

Trong khi đó, người dân bản Mấn 2, bản Mấn 1 vẫn luôn đặt câu hỏi về sự an toàn tính mạng cũng như tài sản của gia đình mình. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm nếu như mùa mưa lũ đến nhấn chìm nhà của các hộ dân bản Mấn 2, bản Mấn 1 ngập sâu trong nước? Có hay không những hạn chế về năng lực nhà thầu để tiến độ chậm hơn 1 năm so với thời hạn hoàn thành gói thầu? Câu trả lời này xin nhường lại cho chủ đầu tư cũng như các cơ quan chức năng của tỉnh Lai Châu.

 

                                          Bài & ảnh: Minh Phương