Dân kêu trời vì chế biến hạt điều gây ô nhiễm

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 29/11/2015

  (TN&MT) - Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân ở khu phố 8, phường Long Phước, thị xã Phước Long (tỉnh Bình Phước) luôn sống trong một môi trường ô nhiễm và...

 

(TN&MT) - Nhiều năm qua, hàng trăm hộ dân ở khu phố 8, phường Long Phước, thị xã Phước Long (tỉnh Bình Phước) luôn sống trong một môi trường ô nhiễm và tiếng ồn do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến hạt điều gây ra. Mặc dù người dân đã nhiều lần kiến nghị lên các cấp chính quyền, ngành chức năng nhưng cho đến nay mọi thứ vẫn giậm chân tại chỗ.

Cuộc sống đảo lộn

Theo phản ánh của nhiều hộ dân, chúng tôi tìm về khu phố 8, phường Long Phước, thị xã Phước Long (tỉnh Bình Phước), nơi tập trung nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và chế biến hạt điều. Mới đầu giờ sáng, nhưng ở không khí ở đây đã tấp nập, ồn ào với đủ thứ tiếng động phát ra từ các loại máy móc, kèm theo đó là khói và bụi bốc lên từ các cơ sở sản xuất hạt điều. Toàn khu phố như một khu công nghiệp, hầu như không còn đất trống hay vui chơi giải trí mà thay vào đó là nhà xưởng, bãi chất củi, máy móc, phế liệu nối đuôi nhau. Doanh nghiệp, cơ sở sản xuất hầu như không có bảng tên, bảng hiệu nhưng nhà xưởng được xây dựng quy mô hàng nghìn mét vuông với số lượng dày đặc, bao bọc xung quanh nhà dân.

Là một trong những hộ dân chịu ảnh hưởng trực tiếp từ doanh nghiệp sản xuất hạt điều, nhiều năm qua, cuộc sống của gia đình anh Nguyễn Văn Thanh đã bị đảo lộn nghiêm trọng. Áng ngữ cạnh nhà anh Thanh là doanh nghiệp S.L, vì thế mỗi khi máy chạy, căn nhà anh lại rung lên, các loại điện thoại và tivi đều không bắt được sóng. Do bị tiếng ồn hành hạ, nên vợ chồng con cái anh Thanh bị mất ăn, mất ngủ khiến sức khỏe giảm sút. Vì thế, ngày nào anh Thanh phải đưa vợ con tạm lánh bên nhà ông bà ngoại đến khuya mới về. Không những gây tiếng ồn, nhà máy còn xả khói bụi, nước gây ô nhiễm môi trường.

Tình cảnh gia đình ông Đinh Viết Chương - Bí thư chi bộ khu phố 8 (phường Long Phước) cũng không hơn gì, bởi bao quanh nhà ông là 3 cơ sở sản xuất, chế biến điều. Điều đáng nói là các cơ sở này đều sử dụng lò đốt thải khói ra môi trường khiến gia đình ông và nhiều hộ khác thường xuyên phải đóng cửa cả ngày. “Khổ lắm, ngày nào cũng hít khói bụi thế này, thử hỏi sức khỏe làm sao không bị ảnh hưởng. Gia đình tôi nhiều lần muốn bán nhà đi nơi khác sinh sống, nhưng điều kiện kinh tế vẫn chưa cho phép”, ông Chương ngao ngán nói.

Theo quan sát của chúng tôi, khắp tuyến đường dân sinh trong khu phố, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến hạt điều lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường trái phép để chất củi, phế liệu gây mất an toàn giao thông và làm mất mỹ quan đô thị. Chưa kể, nhiều tuyến đường đã bị băm nát bởi hàng loạt xe tải lớn nhỏ vào ra “ăn hàng” mỗi ngày. Đặc biệt là tuyến đường nhựa liên khu phố 7 - 8 thường xuyên có xe siêu trọng lưu thông, kết hợp với nước xả thải từ các nhà máy khiến mặt đường biến dạng.

Khó xử lý

Không chịu nổi môi trường sống ngột ngạt, ô nhiễm, nhiều gia đình trong khu phố buộc phải bán nhà đi nơi khác sống. Theo số liệu thống kê, khu phố 8 có diện tích tự nhiên 50,2 ha, dân số 336 hộ/1.439 người nhưng có hàng chục doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến hạt điều xuất khẩu hoạt động. Ban đầu chỉ là cơ sở nhỏ lẻ, bóc tách bằng thủ công, thế nhưng hơn 1 năm trở lại đây, quy mô của các cơ sở này được mở rộng, số lượng cơ sở sản xuất tăng chóng mặt với công nghệ máy móc hiện đại như: sàng, hấp, rang, sấy, bóc tách… Hàng ngày, các cơ sở này hoạt động đã thải ra không ít khói bụi, nước thải và cả tiếng ồn gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Ông Phạm Hữu Sơn - Chủ tịch UBND phường Long Phước cho biết, chính quyền địa phương luôn mong muốn doanh nghiệp phát triển, tạo việc làm cho lao động địa phương và tích cực đóng góp cho xã hội. Tuy nhiên, mặt trái lại xuất hiện nhiều, gây bức xúc cho người dân. Hiện tại, phường chưa được quy hoạch đất để xây dựng khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tập trung cho doanh nghiệp hoạt động. Vấn đề này cũng đã được phường kiến nghị lên thị xã nhưng chưa được giải quyết. Gọi là đô thị nhưng tuyến đường ở các khu dân cư đều không tên, nhà không số, chật hẹp, chưa có mương thoát nước, bãi rác tập trung... nên khó đáp ứng nhu cầu của một đô thị văn minh. Mặt khác, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, gia công điều tổ chức sản xuất quá giờ quy định, lấn chiếm hành lang đường bộ, không xây dựng bể xử lý nước mà xả thải trực tiếp ra môi trường...

Mặc dù vậy, theo ông Phạm Hữu Sơn, chính quyền không thể bắt các doanh nghiệp ngưng, nghỉ hoạt động mà chỉ phối hợp tuyên truyền, vận động hộ kinh doanh hoạt động theo quy định của pháp luật. Những hộ cố tình vi phạm, phường sẽ phối hợp xử phạt hành chính. Tuy nhiên, dù có nhiều giải pháp nhưng tình trạng tái phạm vẫn diễn ra. Do một số cán bộ khu phố cũng là hộ kinh doanh, chế biến điều. Từ đó gây khó khăn cho công tác phối hợp, xử lý. 

                                                                             Bài & ảnh: Thục Vy