Bao giờ 60 hộ dân Hòa Lam được di dời đến nơi an toàn?
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 06/11/2015
Từ cầu Bến Thủy, chúng tôi đi theo con đường sinh thái ven sông Lam. Đây là con đường được xây dựng với mục đích chống lũ cũng như phục vụ đi lại giao thương và du lịch. Trên con đường nhựa phẳng lỳ, phía bờ hữu là sông Lam cuồn cuộn chảy. Mùa này, nước sông đỏ nặng phù sa. Phía xa xa là một vài sà lan khai thác cát như đang "giành giật" tài nguyên với người dân vạn chài quanh năm sống nhờ sông nước.
Đê kè bị xuống cấp, làng có nguy cơ bị "hà bá" nuốt chửng |
Hòa Lam, xóm nghèo nằm cách trung tâm TP. Vinh tráng lệ chỉ vài ki lô mét hiện ra trước mắt. Trên con đường bê tông đã bị xuống cấp, những căn nhà nhỏ, lụp xụp lấp ló sau những lùm tre.
Được biết, từ những năm 40 của thế kỷ trước, vùng đất nhỏ nằm ở cuối xã Hưng Hòa (nơi rộng nhất 250m, hẹp nhất chưa đầy 100m) là nơi bà con vạn chài đến cư ngụ. Ðến nay, xóm Hòa Lam có 60 hộ dân với 230 nhân khẩu. Đây là xóm chủ yếu làm nghề chài lưới nhỏ, thu nhập rất bấp bênh. Nỗi lo thường trực nhất của bà con khi mùa mưa bão về vẫn là sạt lở đất, sập trôi nhà.
Đê kè bị xuống cấp, làng có nguy cơ bị "hà bá" nuốt chửng |
Những năm trước, cứ mỗi mùa mưa lũ đến là cả xóm nghèo đứng ngồi không yên bởi lo sợ "hà bá" cuốn trôi nhà cửa. Trước những trăn trở của người dân nơi đây, năm 2007, được UBND TP. Vinh hỗ trợ gần 30 tấn xi-măng, xã hỗ trợ đá, bà con trong xóm tự góp thêm công sức, tiền mua cát xây được hơn 250m kè chạy dọc mép sông của xóm. Do kinh phí quá ít, kè chỉ xây cao một mét, không có thiết kế khoa học nên năm 2009, nước xói làm lộ móng kè và cuốn trôi mất 1/3 diện tích được kè. Ðợt mưa lũ năm 2012 lại tiếp tục làm sạt thêm khoảng 100m nữa.
Sóng nước hung dữ khiến đất xóm Hòa Lam ngày càng bị thu hẹp dần. Mỗi khi thủy triều rút, mọi người hò nhau ra móc đá đã bị nước cuốn ra bờ sông đắp thêm phần móng bờ kè. Nhưng cũng như công dã tràng, vừa đắp hôm nay ngày mai lại bị sóng nước đánh bật ra.
Trận lụt năm 2009 và 2010, nước lũ tràn về dâng cao quá đầu người, nhà cửa bị tốc mái, đồ đạc nổi lềnh bềnh rồi trôi theo dòng nước; thuyền, lưới đều bị hư hỏng, may mà các gia đình kịp sơ tán lên trên đê nên không có thiệt hại về người. Ðã nghèo lại gặp vận eo. Mỗi năm vào mùa nước lũ, bà con không biết làm gì. Do đã có phương án di dời, hầu hết nhà cửa các hộ dân nơi đây chỉ tạm bợ, cơ sở hạ tầng như đường sá, nhà văn hóa... cũng không được xây dựng và chỉ mang tính tạm bợ.
Cuộc sống của người dân Hòa Lam chủ yếu sống bằng nghề sông nước, bấp bênh |
Ông Đậu Xuân Thương - Xóm trưởng xóm Hòa Lam, cho biết: "Dân xóm tui khổ lắm. Trước đây bị sạt lở nhiều, hơn nữa cứ có mưa lũ là phải sơ tán. Mấy năm nay, nghe nói có chủ trương di dời nhưng đến nay không thấy chi cả. Kè được đầu tư tạm bợ nay đã xuống cấp, mùa mưa lũ ni chắc sẽ nguy hiểm". Cũng theo ông Thương, hiện ngoài mong muốn đẩy nhanh tiến độ tái định cư thì nguyện vọng của người dân là được nhà nước đầu tư kè mới để người dân yên tâm sống và chờ đợi ngày được di dời.
Cuộc sống của người dân Hòa Lam chủ yếu sống bằng nghề sông nước, bấp bênh |
Trao đổi với PV, ông Lê Văn Thương - Chủ tịch UBND xã Hưng Hòa, TP. Vinh, cho biết: Sạt lở đất dọc bờ sông Lam đoạn qua xóm Hòa Lam diễn ra hằng năm, mỗi năm mất hàng chục mét đất. UBND xã đã lập kế hoạch các hộ dân sống trong khu vực có nguy cơ bị sạt lở cao, đề nghị UBND TP. Vinh, UBND tỉnh Nghệ An và các cơ quan sớm có phương án di dời các hộ dân nói trên, tổng kinh phí dự kiến gần 40 tỷ đồng. Thế nhưng, đến nay vẫn chưa triển khai được vì thiếu vốn. Trong lúc chờ đợi, để bảo đảm tài sản, tính mạng cho nhân dân, xã chỉ còn cách thường xuyên theo dõi, thông báo bà con chủ động phòng tránh, sơ tán khi cấp bách. Người dân nóng lòng mong đợi Nhà nước, nếu không sớm có biện pháp di dời thì triển khai dự án nâng cao đê kè bờ sông để người dân yên tâm sinh sống.
Những ngôi nhà nhỏ xập xệ chênh vênh bên mép sông |
Về vấn đề này, ông Võ Mạnh Hùng - Phòng Kế hoạch tài chính (Chi cục Phát triển nông thôn Nghệ An), cho biết: "Vấn đề di dời gần 60 hộ dân tại xóm Hòa Lam chúng cũng rất sốt ruột. Tổng mức đầu tư của dự án di dời là hơn 37 tỷ đồng nhưng hiện chỉ mới được hơn 1,5 tỷ đồng để làm các thủ tục ban đầu. Hiện, chúng tôi cũng không biết khi nào có vốn để triển khai dự án cho dân đỡ khổ".
Theo tìm hiểu của PV, hiện tổng số hộ dân ở xóm Hòa Lam đã là 60 hộ, với hơn 230 nhân khẩu. Các hộ dân nơi đây gần như sống chủ yếu bằng nghề sông nước. Và, mong muốn của họ là sớm được "an cư" để có được cuộc sống đỡ khổ hơn chứ không phải sống trong cảnh "bấp bênh" bên dòng Lam như nhiều thế hệ trước.
Đình Tiệp