Đà Nẵng nhận bài học đắt giá từ quy hoạch sân vận động Chi Lăng?
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 10/10/2015
Lãnh đạo TP Đà Nẵng vừa có chủ trương thu hồi dự án Sân vận động Chi Lăng, tiếp tục sửa chữa, nâng cấp để phục vụ các hoạt động thể thao của địa phương trong vòng 5 năm tới.
Hiện nay, sau nhiều năm giao khu đất của sân vận động này cho Tập đoàn Thiên Thanh để làm dự án khu phức hợp thương mại, dịch, sân vận động Chi Lăng đã xuống cấp nghiêm trọng. Giữ lại sân vận động Chi Lăng, TP Đà Nẵng phải mất khoản tiền không nhỏ khi đàm phán với chủ đầu tư, ngân hàng để mua lại dự án, chưa kể tiền sửa chữa nâng cấp. Đây là sự trả giá đắt trong công tác quy hoạch theo kiểu tư duy nhiệm kỳ không riêng gì ở thành phố này.
Năm 2011, TP Đà Nẵng giao khu đất sân vận động Chi Lăng ở trung tâm thành phố cho Tập đoàn Thiên Thanh xây dựng cao ốc phức hợp thương mại, dịch vụ. Dự án bị chậm tiến độ nhiều năm nay, lãnh đạo Tập đoàn Thiên Thanh đang bị điều tra về những khuất tất trong hoạt động.
Vừa qua, TP Đà Nẵng đã cắt sân vận động Chi Lăng ra 10 lô rồi cấp sổ đỏ cho Tập đoàn Thiên Thanh, nên nhà đầu tư này mới có đủ pháp lý thế chấp ngân hàng vay tiền. Nhiều năm qua, sân vận động Chi Lăng bị bỏ mặc, ngày càng xuống cấp.
Ông Bùi Xuân Hòa, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thể thao SHB - Đà Nẵng cho biết, nhiều hạng mục của sân vận động Chi Lăng đã hư hỏng.
“Sau thời gian dài chuyển giao cho bên Tập đoàn Thiên Thanh, sân vận động Chi Lăng không được sửa chữa nên đã bị xuống cấp nhiều, nhất là mặt sân đã làm cách đây 10 năm. Sau đó, chỗ ngồi khán giả, mái che, khu nhà điều hành đều phải sửa chữa thì mới đảm bảo yêu cầu”, ông Hòa nói.
Khi giao "khu đất vàng" sân vận động Chi Lăng cho Tập đoàn Thiên Thanh, TP Đà Nẵng phải đầu tư 4.377 tỷ đồng xây dựng khu Liên hợp thể thao Hòa Xuân, ở quận Cẩm Lệ; trong đó sân vận động có sức chứa 20.000 chỗ ngồi. Dự án này chưa biết bao giờ xong. Trong lúc đó dự án khu phức hợp trung tâm thương mại, dịch vụ Chi Lăng chưa biết khi nào mới khởi động vì Chủ tịch Tập đoàn Thiên Thanh đang trong vòng lao lý. Để giải quyết thực tế nhức nhối này, Đà Nẵng vừa có chủ trương xin thu hồi dự án khu phức hợp Chi Lăng để nâng câp sửa chữa, sử dụng.
Trả lời báo chí mới đây, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng giải thích: Trước đây, thành phố quy hoạch khu vực sân vận động Chi Lăng thành trung tâm thương mại, cao ốc văn phòng vào thời điểm tại trung tâm thành phố có quá ít các dự án lớn. Còn bây giờ, khu vực trung tâm như sân vận động Chi Lăng không cần thiết phải xây dựng cao ốc nữa mà tốt nhất là tăng thêm các công trình công cộng, văn hóa, thể thao…
Ông Huỳnh Đức Thơ khẳng định: Nếu cấp thẩm quyền đồng ý chủ trương cho thu hồi thì thành phố sẽ cùng với các bên có nghĩa vụ và quyền lợi liên quan như chủ đầu tư và Ngân hàng Nhà nước tính toán hỗ trợ, bồi thường để sớm thu hồi dự án này.
“Đối với ngân sách thành phố sẽ là một khoản tiền lớn nhưng vấn đề này sẽ phải được bàn bạc trong lãnh đạo thành phố để có sự ủng hộ. Nếu quyết tâm, TP Đà Nẵng sẽ thu xếp tài chính vì việc này diễn ra trong vòng 4, 5 năm. Tuy nhiên, khả năng làm đúng như quy hoạch ban đầu sẽ rất khó, vì nhà đầu tư không hề có khả năng cam kết triển khai và không có ai đăng ký tham gia làm dự án này”, ông Thơ cho biết.
Sân vận động Chi Lăng gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử, văn hóa in sâu trong lòng người dân TP Đà Nẵng. Nơi đây từng là nơi tổ chức mít tinh trong cuộc cách mạng giành chính quyền Tháng 8 năm 1945 tại Đà Nẵng.
Vì vậy, khi thành phố quyết định đập bỏ sân vận động Chi Lăng giao đất cho nhà đầu tư làm khu phức hợp, nhiều người dân phản đối nhưng vì chủ trương của lãnh đạo thành phố trước đây mong muốn tạo diện mạo mới cho thành phố trẻ nên họ đành chấp nhận. Nay, thành phố chủ trương thu hồi "khu đất vàng" này phục vụ lợi ích cộng đồng, giữ lại sân vận động Chi Lăng, người dân thành phố sông Hàn rất ủng hộ.
Ông Nguyễn Văn Chung, người dân ở gần sân vận động Chi Lăng bày tỏ niềm tin: “Hầu như những người hâm mộ bóng đá Đà Nẵng nói chung, những người dân biết về sân Chi Lăng đều rất mừng sau khi thành phố có chủ trương giữ sân vận động Chi Lăng. Sân Chi Lăng nằm ở trung tâm, vừa thuận tiện vừa gắn bó với người dân lâu dài, nếu chuyển về Hòa Xuân sẽ phải đặt tên là Hòa Xuân không thể lấy tên là sân Chi Lăng nữa!”.
Giữ lại sân vận động Chi Lăng, Đà Nẵng sẽ phải mất khoản tiền khá lớn để thu hồi dự án và đầu tư thêm cho việc nâng cấp, sửa chữa sân vận động Chi Lăng. Mặt khác, chính quyền thành phố phải điều chỉnh lại quy hoạch, một việc chẳng đặng đừng trong phát triển đô thị. Đây là bài học đắt giá về sự nóng vội, về công tác quy hoạch đô thị không những cho Đà Nẵng mà còn của những địa phương khác./.
Theo VOV.VN