Tiếp bài "Quyết định thu hồi đất có đúng quy định pháp luật?": Dấu hỏi về năng lực thực sự của chủ đầu tư?
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 11/08/2015
Theo Giấy phép kinh doanh (GPKD) của Cty Phú Hòa và các Văn bản đã ban hành của UBND TP Hà Nội, UBND huyện Từ Liêm (nay là quận Nam Từ Liêm) địa chỉ đăng ký kinh doanh của Doanh nghiệp này được ghi rõ tại: Số nhà A6/66, ngõ Thông Phong, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, TP Hà Nội. Thế nhưng, khi chúng tôi tới đây thì không có biển hiệu nào của Cty Phú Hoà, mà chỉ có biển hiệu của Chi nhánh Công ty Cổ phần Thương mại & Đầu tư Hợp Long.
Còn trên giấy tờ, kể từ khi UBND TP Hà Nội có Văn bản số 3113/UBND-KH&ĐT ngày 6/5/2010 về việc: Chấp thuận cho phép Cty Phú Hòa được sử dụng địa điểm nghiên cứu lập và triển khai thực hiện Dự án Đầu tư Xây dựng “Khu dịch vụ, đào tạo nhân sự cao cấp và văn phòng làm việc tại thôn Mễ Trì Thượng, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội” cho tới nay thì địa chỉ thông báo của Doanh nghiệp này vẫn như trên GPKD. Điều gì sẽ xảy ra với một công ty không có văn phòng làm việc tại địa chỉ đã được thông báo, sau gần 5 năm nhận quyết định, với nhiều lần xin gia hạn nhưng không hề có hoạt động nào nhằm triển khai, thực hiện Dự án đã nhận. Phải chăng công tác thẩm định, kiểm tra năng lực, hoạt động thật sự của doanh nghiệp này là có vấn đề?.
Tại địa chỉ A6/66, ngõ Thông Phong, phường Quốc Tử Giám, quận Đống Đa, TP. Hà Nội không hề có biển hiệu của Cty Phú Hòa |
Theo trình bày của ông Nguyễn Văn Hường, cuộc sống của 20 hộ dân cư ở Thôn Thượng, phường Mễ Trì bị đảo lộn hoàn toàn kể từ khi biết được thông tin UBND TP. Hà Nội lấy đất của các hộ giao cho Cty Phú Hòa thực hiện Dự án. Ông Hường cho biết, khu đất này được người dân sử dụng từ những năm 1980 theo hình thức khoán 10, khoán 100 chứ không phải thuộc sự quản lý của UBND phường Mễ Trì. Sau đó các hộ đã chuyển nhượng cho nhau để làm nhà ở ổn định từ năm 2002 tới nay (do không có nước để canh tác, sản xuất). Vậy nhưng các cơ quan chức năng quận Nam Từ Liêm đã liên tục ban hành các Văn bản nhằm thúc ép, gây áp lực, buộc người dân phải rời khỏi mảnh đất đã sinh sống ổn định mấy chục năm. Trong khi đó, không thỏa thuận giá cả đền bù công khai, minh bạch, tổ chức tái định cư thỏa đáng theo quy định (Theo Điều 61, 62 - Luật Đất đai năm 2013) với lí do đây là dự án thuộc nhóm phát triển kinh tế - xã hội; đã có Quyết định thu hồi đất của UBND TP Hà Nội để giao đất làm Dự án cho một công ty Phú Hòa.
Ông Hường còn cung cấp thêm tài liệu và hình ảnh để chứng minh việc “ra tay quá đà” của các cơ quan chức năng quận Nam Từ Liêm đối với 20 hộ dân bằng Thông báo 248/TB-UBND ngày …/3/2014 (thông báo này không có ngày) về việc “dỡ bỏ bục bệ, mái che, mái vẩy, biển quảng cáo kinh doanh buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trên địa bàn xã”.
Ông Hường cho biết, hôm đó có rất đông các lực lượng của quận Nam Từ Liêm tới khu đất của chúng tôi để cưỡng chế phá nhiều nhà ở, tài sản không thuộc hành lang đường bộ, không nằm trong chỉ giới đường, nhằm giải tỏa mặt bằng, thu hồi đất cho Dự án.
Khi chúng tôi hỏi vì sao lại cưỡng chế theo cách bất hợp pháp như vậy? (khi cưỡng chế, không có Quyết định hành chính, không có biên bản ghi nhận sai phạm của người dân) thì họ nói là thực hiện theo Chỉ thị 01 của UBND TP. Hà Nội về việc giải tỏa lòng đường, vỉa hè.
Trao đổi với phóng viên, ông Hứa Đức Minh, Phó Chủ tịch phường Mễ Trì thừa nhận nguồn gốc đất của 20 hộ dân tại thôn Thượng là đất giao cho các hộ dân từ Chương trình khoán 10, khoán 100. Các hộ dân đã chuyển nhượng cho nhau sử dụng liên tục, ổn định, hợp pháp từ năm 1980. Đến năm 1999, thực hiện Nghị định 64/CP, UBND xã Mễ Trì (nay là phường Mễ Trì) không giao diện tích đất này cho người dân nữa.
Ngày 1/7/2015, UBND quận Nam Từ Liêm tiếp tục tổ chức đối thoại với ông Nguyễn Văn Hường tại Trụ sở tiếp dân của Quận. Tại đây, một lần nữa mọi ý kiến, nguyện vọng và quyền lợi chính đáng của người dân bị các cơ quan thẩm quyền quận Nam Từ Liêm gạt đi, không được quan tâm, giải quyết. 20 hộ dân tại Phường Mễ Trì hiện đang vô cùng lo lắng, bức xúc vì nguy cơ cuộc sống bị đe dọa, bị mất trắng đất, nhà ở, nơi mà họ đã, đang sinh sống ổn định hơn 30 năm qua. Họ sẽ đi đâu sinh sống khi chính sách bồi thường không thỏa đáng, không đảm bảo quyền lợi hợp pháp tối thiểu?
Đề nghị Thành ủy, UBND TP Hà Nội quan tâm, sớm thanh tra, kiểm tra toàn diện Dự án. Đồng thời, nhanh chóng giải quyết dứt điểm khúc mắc, ý kiến hợp pháp, chính đáng của người dân đúng theo quy định của pháp luật.
Mạnh Hưng