Khu công nghiệp Thụy Vân (Phú Thọ): Vén "bức màn" ô nhiễm

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 06/08/2015

(TN&MT) – Đến xã Thụy Vân (TP Việt Trì - Phú Thọ) vào những ngày này, khắp làng trên xóm dưới đều xôn xao về việc, Khu công nghiệp (KCN) Thụy Vân xả thải...
(TN&MT) – Đến xã Thụy Vân (TP Việt Trì - Phú Thọ) vào những ngày này, khắp làng trên xóm dưới đều xôn xao về việc, Khu công nghiệp (KCN) Thụy Vân xả thải gây ô nhiễm kéo dài, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống cũng như diện tích đất canh tác nông nghiệp của người dân. Sự việc này đã khiến người dân trong xã, đặc biệt là dân cư thôn Phú Hậu – những người chịu ảnh hưởng nặng nề từ KCN vô cùng bức xúc.
 
Ô nhiễm kéo dài làm hoang hóa đồng lúa
 
Trải qua hành trình dài hơn 80 km từ Hà Nội về xã Thụy Vân (TP Việt Trì - Phú Thọ), có mặt tại hồ Cầu Cả - hồ chứa nước thải đen ngòm, nồng nặc mùi hóa chất của KCN Thụy Vân, dù đã đeo khẩu trang kín mít, nhóm phóng viên Báo TN&MT vẫn không thể đứng quá 5 phút vì cảm thấy xây xẩm mặt mày.
 
“Nhà báo thấy chóng mặt, buồn nôn là chuyện bình thường, bởi ngay cả người dân chúng tôi phải sống chung với ô nhiễm suốt 15 năm nay mà còn không chịu nổi! Bà con trong xã mỗi khi đi ngủ phải đeo khẩu trang, nếu không sẽ hắt hơi liên tục. Đặc biệt, nhà nào có trẻ con cũng phải cho đi sơ tán vì mùi nước thải đặc quánh hóa chất, thối khủng khiếp, không ai chịu nổi!” – ông Đinh Tiến Thiện, người dân thôn Phú Hậu, xã Thụy Vân chia sẻ. 
 
Cùng chung nỗi bức xúc với ông Thiện, ông Đinh Tiến Hà tiếp lời: Bể chứa nước thải xây dựng lộ thiên của KCN Thụy Vân tràn ứ, xả thẳng vào khu vực đồng Láng Bỗng và đồng Con Gái có diện tích hơn 30 ha, làm cho toàn bộ hai khu đồng không sản xuất được, khiến cuộc sống của người dân gắn bó với nghề nông ngày càng chật vật. 
 
Bà Tạ Thị Năm, Đội 4, xóm Nội, xã Thụy Vân, TP Việt Trì, Phú Thọ có khoảng 3 sào ruộng ở cánh đồng Con Gái nhưng không thể canh tác được do nước thải KCN Thụy Vân xả thẳng ra đồng, tuy nhiên bà Năm hết sức bức xúc vì từ năm 2002 đến giờ bà không hề nhận được một khoản tiền đền bù nào
Bà Tạ Thị Năm, Đội 4, xóm Nội, xã Thụy Vân, TP Việt Trì, Phú Thọ có khoảng 3 sào ruộng ở cánh đồng Con Gái nhưng không thể canh tác được do nước thải KCN Thụy Vân xả thẳng ra đồng. Bà Năm hết sức bức xúc vì từ năm 2002 đến giờ bà không hề nhận được một khoản tiền đền bù nào
 
Ánh mắt đăm chiêu, ông Hà hồi tưởng lại quãng thời gian hơn 15 năm trước: Ngày đó hầu như nhà nào cũng trồng lúa, thả cá ở đồng Láng Bỗng và đồng Con Gái. “Nhưng giờ đây, cánh đồng bỏ không, người dân không thể bám trụ bằng nghề nông nên đành phải đi làm thuê ở KCN và nhiều nơi khác! Nếu ô nhiễm vẫn tiếp tục kéo dài, không biết đến bao giờ bà con nơi đây mới thoát khỏi cuộc sống khó khăn nữa?!” – ông Hà rớm lệ.
 
Xử lý ô nhiễm như “ném đá ao bèo”
 
Tại sao tình trạng ô nhiễm đã kéo dài hơn chục năm mà vẫn chưa được giải quyết, thậm chí ngày càng nghiêm trọng? Nhiều người dân phải chịu thiệt hại về kinh tế do diện tích đất nông nghiệp ở hai khu vực cánh đồng không sản xuất được đã được đền bù chưa? Nhà máy xử lý nước thải tập trung của KCN đặt ở đâu? Đó là hàng loạt những nghi vấn mà nhóm phóng viên chúng tôi đặt dấu hỏi ngay từ khi có mặt tại đồng Láng Bỗng, đồng Con Gái, hồ Cầu Cả và ống xả thải từ hồ ra hai đồng. 
 
Bế chứa nước thải lộ thiên nằm trên hồ Cầu Cả - nơi chứa toàn bộ nước thải đặc quánh, đen ngòm của KCN Thụy Vân
Bế chứa nước thải lộ thiên nằm trên hồ Cầu Cả - nơi chứa toàn bộ nước thải đặc quánh, đen ngòm của KCN Thụy Vân
 
Giải đáp những băn khoăn của chúng tôi, ông Tạ Hữu Thự, Trưởng thôn Phú Hậu cho biết: Từ năm 2006 - 2011, UBND xã Thụy Vân đã có 9 văn bản báo cáo về tình hình ô nhiễm tại khu vực đồng Láng Bỗng nhưng không được các cơ quan chức năng có thẩm quyền trả lời hoặc giải quyết thỏa đáng. Riêng UBND TP Việt Trì năm 2011 có báo cáo đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo bồi thường sự cố vỡ cống xả thải song không được đáp ứng. 
 
Những nỗ lực, cố gắng của người dân trong việc kiến nghị lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền phải chăng như “muối bỏ bể” bởi việc xử lý ô nhiễm KCN Thụy Vân chỉ như “ném đá ao bèo”?! Người dân đều mong muốn các cơ quan thực hiện việc đánh giá tác động môi trường không những trong một năm, hai năm mà cả 50 năm sau nữa. Đồng thời, họ mong rằng cơ quan chức năng đưa ra giải pháp xử lý ô nhiễm lâu dài cũng như chính sách đền bù thiệt hại thỏa đáng cho người dân.
 
Cơ quan chức năng nói gì?
 
Đem những mong mỏi của bà con xã Thụy Vân lên gặp ông Tạ Đức Cường – Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Vân, ông Cường cho biết: Thực trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực cánh đồng Láng Bỗng, đồng Con Gái đã tồn tại từ lâu. Sau khi dân phản ánh lên UBND xã, chính quyền đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên cũng như đưa ra ý kiến về vấn đề này trong các lần tiếp xúc cử tri với HĐND TP Việt Trì.
 
Thế nhưng, khi được hỏi về các văn bản chính thức giải đáp thắc mắc của nhân dân từ các cơ quan chức năng, vị Phó Chủ tịch UBND xã đương nhiệm chỉ ậm ờ: “Tôi mới chuyển từ bên Văn xã sang được mấy ngày nên chưa nắm rõ được hết các văn bản báo cáo về mảng này. Hiện chính quyền xã cũng không có giải pháp nào khác, chỉ biết chờ đợi Nhà máy xử lý nước thải KCN hoàn thành và đi vào sử dụng”.
 
Khi tận mắt chứng kiến dòng nước chảy trực tiếp qua cống xả thải từ KCN Thụy Vân ra hai khu vực cánh đồng Con Gái và đồng Láng Bỗng, phóng viên Báo TN&MT cảm thấy xây xẩm mặt mày vì mùi hóa chất bốc lên sặc sụa
Khi tận mắt chứng kiến dòng nước chảy trực tiếp qua cống xả thải từ KCN Thụy Vân ra hai khu vực cánh đồng Con Gái và đồng Láng Bỗng, phóng viên Báo TN&MT cảm thấy xây xẩm mặt mày vì mùi hóa chất bốc lên sặc sụa
 
Tiếp xúc với phóng viên, ông Lưu Văn Doanh – Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Phú Thọ cho biết: Kết quả kiểm tra của Bộ TN&MT, Tổng cục Môi trường phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong những năm qua cho thấy nước thải của KCN Thụy Vân do không được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung, mới chỉ xử lý tạm thời bằng chế phẩm sinh học không đảm bảo và vượt tiêu chuẩn, quy chuẩn cho phép về chất lượng nước thải. Đến nay tình trạng này vẫn chưa được xử lý triệt để.
 
Điều đáng nói là trong khi lãnh đạo Sở TN&MT khẳng định, sau khi nhận được những kiến nghị của người dân xã Thụy Vân, Sở đã đề xuất, được UBND tỉnh phê duyệt và chỉ đạo BQL KCN thực hiện ngay các biện pháp xử lý nước thải tạm thời, đảm bảo chất lượng nước thải. Theo đó, cuối năm 2011 bể chứa nước thải lộ thiên trên hồ Cầu Cả đi vào hoạt động để lưu giữ và xử lý nước thải tự nhiên. Thế nhưng, theo phản ánh của người dân và quan sát của nhóm phóng viên thì hiện tại nước thải vẫn đang chảy công khai qua hệ thống cống và đổ trực tiếp về cánh đồng Con Gái, Láng Bỗng. Về vấn đề này, ông Lưu Văn Doanh quy trách nhiệm về Chi cục Bảo vệ môi trường và không có giải thích gì thêm. 
 
Liên quan đến việc hỗ trợ, bồi thường thiệt hại do ô nhiễm môi trường, nước thải ảnh hưởng đất canh tác, môi trường, sức khỏe, ông Lưu Văn Doanh cho hay: Riêng thiệt hại do nước thải KCN, Công ty Phát triển hạ tầng KCN đã bồi thường theo thiệt hại thực tế và UBND tỉnh đã phê duyệt bồi thường trong 4 năm 2008, 2011, 2012, 2013; còn lại năm 2009, 2010 không có thiệt hại do nước thải nên không đền bù. 
 
  Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ Lưu Văn Doanh và Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Phú Thọ trao đổi với phóng viên Báo TN&MT
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Thọ Lưu Văn Doanh và ông Nguyễn Bá Thọ - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường tỉnh Phú Thọ trao đổi với phóng viên Báo TN&MT
 
Trong khi đó, ông Tạ Hữu Thự khẳng định: “BQL KCN chỉ thực hiện hỗ trợ một phần thiệt hại ở diện tích rất nhỏ trong các năm 2009, 2010 và 2012. Thậm chí, người dân chỉ được hỗ trợ 50% sản lượng ở đồng Con Gái, nửa diện tích Láng Bỗng hỗ trợ 25%”. 
 
Vì sao lại có mức hỗ trợ thiệt hại như vậy? Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã có văn bản trả lời cụ thể ngày 23/7/2015 như sau: Quá trình thi công xây dựng KCN Thụy Vân phát sinh một số vấn đề về sạt lở, xô bồi ảnh hưởng đến năng suất và một phần diện tích đất không canh tác được. BQL KCN phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, đánh giá hiện trạng, mức độ ảnh hưởng thực tế, đã báo cáo UBND tỉnh đồng ý hỗ trợ, mức hỗ trợ bằng 50% giá trị sản lượng một vụ bị thiệt hại (trường hợp bị thiệt hại 50% thì được hỗ trợ 25%). Mức hỗ trợ như trên là phù hợp với thực tế, tương đương giá trị lợi nhuận thu được khi trồng lúa. 
 
Có lẽ, những bức xúc của người dân địa phương sẽ không lên đến đỉnh điểm như vậy khi các cấp có thẩm quyền có giải thích công khai, minh bạch về chính sách đền bù thiệt hại. Bên cạnh đó, để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường đã tồn tại “dai dẳng” nhiều năm qua cần phải có một khoảng thời gian dài. Đề nghị BQL KCN, chính quyền xã Thụy Vân và cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ có giải pháp hữu hiệu để người dân yên tâm ổn định cuộc sống và “chờ đợi” khắc phục ô nhiễm. 
 
Bài & ảnh: Tuyết Chinh – Mai Đan