Công ty TNHH Khánh Nam bị dân tố "bức tử" sông Quyền
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 03/07/2015
Để xác minh phản ánh của người dân địa phương, chúng tôi có mặt tại Công ty TNHH Khánh Nam. Sau một hồi liên lạc, chúng tôi mới được bảo vệ mở cổng cho vào Công ty. Cảnh tượng đập vào mắt là các bể chứa nước thải của Công ty này được xây dựng sơ sài, quan sát bằng mắt thường nhận thấy có hiện tượng nước thải rò rỉ ra môi trường xung quanh...
Nước thải chảy tràn lan xuống bể chứa |
Theo tìm hiểu thực tế, nguồn nước ở các giếng khơi khu vực xung quanh nhà máy đều bốc mùi hôi thối, khiến người dân không khỏi lo ngại về sức khỏe của họ. "Trước kia môi trường sông Quyền rất trong lành, vậy mà từ khi cơ sở chế biến lâm sản này về đóng trên địa bàn, cũng là lúc người dân chúng tôi phải hít mùi hóa chất độc hại từ nước sút ngâm luồng nên nhiều người bị các bệnh liên quan đến hô hấp, tiêu hóa. Ngày đêm luôn phải đóng cửa kín mít để tránh mùi hôi thối, chúng tôi già rồi nên cũng cố mà chịu nhưng chỉ lo cho sức khỏe của con cháu…"- bà Nguyễn Thị H. một người dân sống gần Công ty Khánh Nam bức xúc nói.
Tại xưởng sản xuất thì Nguyên vật liệu, mùn cưa, rác luồng, rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi |
Tiếp xúc với chúng tôi, nhiều hộ dân sống quanh khu vực gần cơ sở chế biến lâm sản cùng có chung bức xúc: “Người dân chúng tôi luôn phải sống trong ô nhiễm môi trường từ cơ sở chế biến lâm sản này gây ra, họ hoạt động suốt cả ngày lẫn đêm mùi hôi thối từ chất lưu huỳnh cộng với tiếng ồn khiến chúng tôi mất ngủ dẫn đến sức khỏe sa sút. Trước đây, nguồn nước sông này rất trong, người dân thường sử dụng nước để sinh hoạt hàng ngày, nhưng nay chúng tôi chẳng dám sử dụng nguồn nước dưới sông nữa, bởi vậy vào mùa khô nguồn nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày rất khó khăn. Chúng tôi đã nhiều lần gửi đơn thư kiến nghị lên cấp trên nhưng chẳng có kết quả gì? Người dân chúng tôi đành phải ngậm ngùi gánh chịu”.
Tại bể chứa nước thải có màu đen kịt, sủi bọt và bốc mùi hôi thối |
Được biết, ngày 25/6/2014, UBND huyện Như Xuân đã có kết luận Thanh tra số 64/KL-UBND về việc sử dụng đất đai, bảo vệ môi trường và đầu tư tại Công ty TNHH Khánh Nam. Kết luận của UBND huyện Như Xuân nêu rõ: Công ty TNHH Khánh Nam hiện đang sử dụng diện tích 7.616 m2 của Nông trường Sông Chàng, chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, chưa có văn bản chấp thuận xây dựng của UBND tỉnh Thanh Hóa…
Ông Hoàng Phú Sơn, Phụ trách tại phân xưởng Công ty TNHH Khánh Nam cho biết: “Dây chuyền sản xuất của Công ty ra sản phẩm là 3 đến 4 tấn mỗi ngày. Lò đốt là đốt thủ công, nước thải được chảy xuống hồ lắng. Công ty mới hoạt động nên sản xuất ít nên mùi hôi thối thì có nhưng cũng không đáng kể. Nguyên liệu trước đây nhập về là sản xuất luôn, mới đây với thử tiến hành ngâm ủ nguyên liệu, nên môi trường hiện tại chưa được đảm bảo. Tất cả các thủ tục về cam kết bảo vệ môi trường là giám đốc giữ nên tôi không biết...”(?!).
Tại xưởng sản xuất, nguyên vật liệu, mùn cưa, rác luồng, rác thải sinh hoạt vứt bừa bãi |
Trao đổi với chúng tôi, ông Lương Anh Lợi – Chủ tịch UBND xã Xuân Quỳ cho biết: Công ty TNHH Khánh Nam mới đi vào hoạt động chừng 3 năm và trong quá trình sản xuất doanh nghiệp này gây ô nhiễm môi trường như bà con phản ánh là hoàn toàn có thật. Từ mùi hôi thối ngâm ủ nguyên liệu bằng hóa chất đến việc nước thải đen ngòm độc hại xả thẳng ra ngoài môi trường. Có những lần, Công ty TNHH Khánh Nam còn xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Quyền còn khiến cá, tôm và các loài thủy sinh chết trắng cả một đoạn sông. Hơn nữa, doanh nghiệp này chỉ có một bể chứa, nên cứ đầy bể là công ty xả ra môi trường. Theo ông Chủ tịch xã cho biết thì doanh nghiệp này từng bị Sở TN&MT tỉnh Thanh Hóa xử phạt hành chính đến 40 triệu đồng năm 2014 vì hành vi gây ô nhiễm môi trường. Còn diện tích đất mà Công ty TNHH Khánh Nam đang sử dụng là đất rừng sản xuất thuộc BQL Rừng phòng hộ sông Chàng và vẫn chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Rất mong UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các cơ quan, ban ngành chức năng nhanh chóng vào cuộc xử lý triệt để vấn đề gây ô nhiễm môi trường từ cơ sở chế biến lâm sản để bảo đảm môi trường sống cho người dân nơi đây.
Bài & ảnh: Tuyết Trang - Thu Thủy