Bãi rác Soi Nam (Hải Dương): Bao giờ hết ô nhiễm?

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 04/06/2015

(TN&MT) - Mặc dù đã đóng cửa không còn chôn rác từ năm 2011 nhưng việc hoàn thành khắc phục ô nhiễm ở bãi rác Soi Nam vẫn "dậm chân tại chỗ".  
(TN&MT) - Là một trong những điểm gây ô nhiễm nghiêm trọng cần được xử lý tại  Quyết định 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2010, song đến nay, mặc dù đã đóng cửa không còn chôn rác từ năm 2011 nhưng việc hoàn thành khắc phục ô nhiễm ở bãi rác Soi Nam vẫn “dậm chân tại chỗ”.
 
Mới xử lý tạm thời
 
Bãi rác Soi Nam, phường Ngọc Châu, TP Hải Dương được tỉnh Hải Dương quy hoạch, xây dựng từ năm 2000 với diện tích 6,7ha với sức chứa khoảng 350 m3/ngày. Do bãi chôn lấp nằm ở khu vực trũng lại ở phía Đông Nam thành phố (hướng gió chủ đạo về mùa hè) và gần khu dân cư, khi thời tiết chuyển mùa, nhất là những ngày oi nóng rác bốc mùi hôi thối và theo đúng hướng gió thổi vào làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của người dân nơi đây. Vì “quy hoạch thiếu thực tế” này mà bãi rác Soi Nam trở thành một trong những “điểm đen” ô nhiễm cần phải khắc phục của tỉnh Hải Dương, được yêu cầu phải đóng cửa khẩn cấp. 
 
Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh Hải Dương đã chỉ đạo Sở TN&MT, Sở Xây dựng, thành phố Hải Dương và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương tiến hành các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm khi bãi rác còn đang hoạt động cho đến thời điểm bãi rác chính thức đóng cửa. 
 
Bãi rác Soi Nam đóng cửa từ năm 2011, nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được ô nhiễm
Bãi rác Soi Nam đóng cửa từ năm 2011, nhưng đến nay vẫn chưa khắc phục được ô nhiễm
Cụ thể, khi có rác vận chuyển vào phải kịp thời san ủi, phun chế phẩm Biomix 1 + Biomix 2, chế phẩm EM, rắc vôi bột, phun thuốc diệt công trùng, san phủ cát trên bề mặt rác lộ thiên... Thực hiện thay đổi giờ làm việc từ 10 giờ đêm đến sáng, việc xử lý bãi rác làm về đêm, để tránh thời gian người dân còn đang sinh hoạt; mua vải bạt căng che phủ kín bãi rác; làm đường tạm vào sâu khu vực trong bãi để xe vận chuyển vào đổ rác, tránh trường hợp rác phải ủi quá xa gây lan tỏa bốc mùi hôi tại bãi. 
 
Theo kế hoạch đã được phê duyệt thì đến năm 2011 bãi rác Soi Nam phải chính thức đóng cửa và ngừng tiếp nhận rác từ thành phố Hải Dương về chôn lấp, đồng thời tiếp tục tiến hành các biện pháp khắc phục và xử lý ô nhiễm tại các khu vực đã chôn lấp như: San lấp mặt bằng toàn bộ khu chôn lấp rác, có biện pháp chống ô nhiễm không khí, xử lý nước mặt, xử lý nước rỉ rác... 
 
Ông Nguyễn Văn Thọ - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Hải Dương cho biết: Việc xử lý điểm đen ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại bãi rác Soi Nam đã cho những kết quả bước đầu tích cực, về cơ bản đã xử lý được mùi xú uế, phát tán từ bãi rác. Người dân xung quanh khu vực bãi rác cũng không còn phản đối và kiến nghị như trước kia. Tuy nhiên đó mới chỉ  là những biện pháp trước mắt nhằm hạn chế nguồn ô nhiễm, còn về lâu dài UBND tỉnh và Sở ban ngành của tỉnh vẫn chưa có giải pháp cụ thể.
 
Tốn tới 600 tỷ để xử lý ô nhiễm!?
 
Để đóng cửa bãi rác Soi Nam, năm 2008 UBND tỉnh có quy hoạch chi tiết dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải với tổng kinh phí là 125 tỉ đồng, trong đó nguồn kinh phí của tỉnh là 66 tỉ đồng, còn lại là nguồn vốn vay ODA của Tây Ban Nha 58 tỷ đồng. Nhà máy có công xuất 175 tấn/ngày được xây dựng tại xã Việt Hồng, huyện Thanh Hà nhằm xử lý rác cho toàn bộ thành phố Hải Dương, cùng một số địa phương lân cận trong tỉnh. Nhà máy chính thức đi vào hoạt động năm 2011 thay thế hoàn toàn cho bãi rác Soi Nam. 
 
Ngay khi bãi rác Soi Nam đóng cửa UBND tỉnh đã lập tức tiến hành đấu thầu khu vực phía đông thành phố Hải Dương, trong đó có bãi rác Soi Nam để xây dựng khu đô thị. Nhưng trong quá trình dự án được triển khai, đơn vị chủ đầu tư trúng thầu là liên doanh giữa Công ty cổ phần Đại An và Công ty Đầu tư và Xây dựng HUD 3 gặp vướng mắc trong việc khắc phục triệt để ô nhiễm bãi rác Soi Nam, bởi theo đơn vị này để xử lý bãi rác trước khi xây dựng khu đô thị mới cần số vốn 600 tỷ đồng, đây là con số không nhỏ và đang rất khó khăn trong tìm kiếm nguồn đầu tư.
Để giải quyết vấn đề này, Sở  Xây dựng đang tổng hợp các phương án và kiến nghị với UBND tỉnh tách bãi rác Soi Nam ra khỏi dự án khu đô thị, đồng thời thực hiện việc xây dựng tường bao quanh và trồng cây xanh trên nền của bãi rác. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần thống nhất các ý kiến của các Sở ban ngành để từ đó có giải pháp tốt nhất.
 
Mặc dù bãi rác Soi Nam đã đóng cửa nhưng vẫn để lại mối nguy hại về ô nhiễm môi trường đất, nước ngầm và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân xung quanh khi không được xử lý triệt để. Vì vậy tỉnh Hải Dương nên sớm có giải pháp để giải quyết, tránh những hệ lụy sau này có thể xảy ra.
 
Bài và ảnh: An Sáng