Dân sống khổ vì ô nhiễm, chính quyền thờ ơ
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 07/06/2015
Dân nhiều năm sống chung với ô nhiễm
Xã Nhật Tân có diện tích đất tự nhiên gần 500 ha, với tổng số 2540 hộ gia đình và gần 11.000 nhân khẩu và được biết đến là “xã đa nghề” nhờ sự phát triển của đa dạng các ngành nghề thiểu thủ công nghiệp tại địa phương như: nghề dệt, mộc, mây tre đan, gia công cơ khí…Chỉ có 30% tổng số hộ dân Nhật Tân làm thuần nông thì mở rộng các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung quy mô vừa. Do vậy, môi trường làng nghề ở đây đã bị ô nhiễm nghiêm trọng, chủ yếu là bởi nguồn nước thải trong sinh hoạt, sản xuất hàng ngày.
Ao nước xanh đục, rác thải trôi nổi khắp mặt ao |
Theo báo cáo môi trường ở Nhật Tân, chỉ tính riêng trong chăn nuôi mỗi ngày đã xả ra môi trường khoảng gần 700m3 nước thải. Nước thải từ sinh hoạt và sản xuất vẫn còn xả trực tiếp ra môi trường tự nhiên mà chưa qua xử lý, gây ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe của người dân. Phần lớn các hệ thống cống rãnh, ao hồ đều bị ô nhiễm nặng, nước đen ngòm lẫn cả rác nổi lềnh bềnh.
Chỉ tay về phía ao rộng trước nhà ngay dưới chân một hộ đang dệt và nhuộm vải, chị Lê Thị Hoa tâm sự: Nước ao có màu xanh rất lạ, đục ngàu, đủ thứ rác trôi nổi trên mặt ao bốc mùi khó chịu. Nhất là vào những ngày trở trời, mùi hôi thối càng nồng nặc, gây nhức đầu, chóng mặt…Nhiều người trong khu hay bị ngứa và các bệnh ngoài da do nguồn nước ô nhiễm ngấm xuống lòng đất, ảnh hưởng đến mạch nước ngầm dùng để sinh hoạt.
Đủ thứ rác thải bủa vây chân nhà một hộ làm nghề dệt và nhuộm vải |
Bác Phạm Thị Xuân, chủ một hộ chăn nuôi gia súc lâu năm tại địa phương cho biết: “Cả hơn chục năm nay bà con chúng tôi chịu khổ cực rất nhiều vì môi trường bị ô nhiễm. Vẫn biết là tiếp xúc hàng ngày với môi trường như thế này là hại nhiều đến sức khỏe, nhưng không sản xuất, chăn nuôi thì cuộc sống người dân rất khó khăn”.
Nước thải sinh hoạt và sản xuất trong hộ gia đình xả trực tiếp ra hệ thống cống không có nắp đậy |
Được biết, từ đầu năm 2010, xã Nhật Tân đã được tiếp nhận dự án trình diễn xử lý nước thải làng nghề của Hợp phần “Kiểm soát ô nhiễm tại các khu vực đông dân nghèo” thuộc Chương trình hợp tác phát triển trong lĩnh vực môi trường Việt Nam Đan Mạch. Về vấn đề này, ông Vũ Văn Bộ - Phó chủ tịch UBND xã Nhật Tân kiêm phụ trách Môi trường địa phương cho biết: “Với sự hỗ trợ từ dự án, địa phương được đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động 2 trạm xử lý nước thải ở phía Đông và phía Tây của xã. Nhân dân trong xã đối ứng bằng các hệ thống thoát nước dẫn nước thải từ các hộ gia đình đến trạm xử lý. Ao, hồ bị ô nhiễm đều được nạo vét sạch. Đối với những hộ chăn nuôi lớn được đầu tư xây dựng hầm Biogas để xử lý chất thải và nước thải chăn nuôi”.
Mặc dù vậy, thực tế tại làng nghề Nhật Tân tình trạng ô nhiễm vẫn đang tồn tại trên diện rộng và mức độ nặng nề. Người dân vẫn từng ngày sống chung với ô nhiễm mà không biết kêu ai.
Chính quyền xã bàng quan…
Về hiện trạng xử lý nước thải tại địa phương, ông Vũ Văn Bộ khẳng định: Hai trạm xử lý nước thải được xây dựng từ năm 2010 vẫn hoạt động đều đặn và hiệu quả, xử lý triệt để đến 90% lượng nước thải sinh hoạt và sản xuất trong nhân dân.
Được biết, với hệ thống xử lý nước thải đã hoàn thiện mỗi ngày có thể giải quyết triệt để gần 1000m3 nước thải. Vậy thì vì sao, vấn đề ô nhiễm vẫn tồn tại một cách tràn lan và nghiêm trọng như vậy? Về vấn đề này, vị đại diện xã Nhật Tân không lý giải được và cho rằng không hề có chuyện đó.
Như vậy, chính quyền xã dường như không biết hoặc cố tình bỏ qua vấn đề ô nhiễm đang tồn tại ngay trước mắt trên địa bàn hành chính quản lý của mình. Theo ông Bộ, với các hộ dân xả thải trực tiếp ra môi trường hoặc không thực hiện theo đúng quy định về vệ sinh môi trường, UBND xã chỉ tiến hành nhắc nhở, vận động. Trong trường hợp tái phạm nhiều lần thì chính quyền cũng không có biện pháp nào khác để khắc phục mà nói rằng “người dân quê vẫn dùng cái tình để giải quyết”.
Đặc biệt hơn, khi được hỏi về việc những hộ dân bỏ tràn lan các loại bao tải, rác thải ra lòng đường lớn trên địa phận cụm công nghiệp, ông Bộ cho hay: Nhật Tân giao cho từng xóm ký hợp đồng với lực lượng vệ sinh thường xuyên hàng tuần đến thu gom đưa đến các điểm trung chuyển. Còn khu vực đó huyện giao cho Trung tâm phát triển Cụm tiểu thủ công nghiệp làng nghề quản lý, xã không chịu trách nhiệm.
Vỏ bao tải tràn ra cả lòng đường trên địa bàn cụm công nghệp tại xã Nhật Tân |
Bên cạnh đó, chính quyền xã Nhật Tân vẫn cũng có thực hiện một số biện pháp như: tuyên truyền nhân dân tự xử lý nước thải tại nhà, thực hiện vệ sinh môi trường trong hộ gia đình, tổ chức phong trào khơi thông dòng chảy cống rãnh ở các ngõ xóm…song dường như các giải pháp đều mang tính chất phong trào, thiếu hiệu quả thực tế.
Vậy thì, hệ thống xử lý nước thải hoạt động ra sao và trách nhiệm thuộc về ai? Chính quyền xã Nhật Tân sẽ có những giải pháp cụ thể nào nhằm cải tạo môi trường địa phương trong thời gian tới? Hi vọng rằng các cơ quan cấp trên sẽ nhanh chóng vào cuộc để khắc phục thực trạng ô nhiễm nghiêm trọng đang diễn ra tại địa phương.
Tuyết Chinh