Vụ tranh chấp đất đai kéo dài giữa hai nhà 30 và 32 Lê Lai (TP Đà Nẵng): Hủy quyết định cấp sổ đỏ của UBND TP Đà Nẵng

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 14/04/2015

(TN&MT) - Bản án số 08/2015/HCPT ngày 16/3/2015 của Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân (TAND) Tối cao tại Đà Nẵng đã chỉ ra những bất cập của 2 quyết định (QĐ) gây tranh cãi (QĐ số 13744/QĐ-UB của UBND TP Đà Nẵng và QĐ số 8715/QĐ-UB của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng), đồng thời hủy 2 QĐ này để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật.

Theo nhận định của Hội đồng xét xử (HĐXX) phúc thẩm do Thẩm phán Trần Minh Tuấn làm chủ tọa phiên tòa ngày 16/3/2015 thì: Nguyên diện tích đất mà hiện nay gia đình ông Phan Thanh Kế và gia đình bà Huyền Tôn Nữ Thị Oai đang sử dụng đều có nguồn gốc nhận chuyển nhượng từ bà Võ Thị Kim Sa. Theo văn tự lập ngày 25/7/1975, bà Võ Thị Kim Sa bán 1 gian nhà thuộc nhà số 16 Lê Lai (số cũ) cho bà Huyền Tôn Nữ Thị Oai có kích thước 4x17m, không ghi diện tích sử dụng chung, qua Trích lục tạm thời ngày 3/11/1975 của Ty Quản lý nhà đất và Công trình công cộng Quảng Đà và Trích lục họa đồ số 352/L249 tờ bản đồ số 9 (cũ), tức tờ số 3 bản đồ số 9 (mới) thuộc khu phố Thạch Thang, TP Đà Nẵng thể hiện tổng diện tích nhà đất của bà Oai là 91m2. Theo văn tự mua bán nhà ngày 20/4/1976, bà Võ Thị Kim Sa bán cho ông Phan Thanh Kế ngôi nhà có bề ngang 9m, sâu 14m, sân trước bề ngang 9m, chiều dài 3,5m, cũng thuộc ngôi nhà 16 Lê Lai, tổng diện tích nhà ông Kế là (14 + 3,5) x 9 = 157,5m2.

Tuy nhiên, khi cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở (GCNQSHNƠ&QSDĐƠ) cho bà Oai (bà Hương thừa kế), bề ngang đất nhà bà Hương chồng lên đất nhà ông Kế khoảng hơn 0,2m và lấn chiếm khoảng không bề ngang 0,3m phía nhà ông Chất (số 28 Lê Lai), đưa diện tích sử dụng riêng nhà 30 Lê Lai từ 91 m2 lên 100,3 m2 và áp đặt diện tích sử dụng chung với nhà ông Kế từ không có lên 26,6 m2.

Tại Biên bản xem xét thẩm định tại chỗ ngày 21/8/2012 do TAND TP Đà Nẵng tiến hành đo đạc thì chiều ngang nhà ông Kế là 8,97m và khoảng cách giữa 2 bức tường (cũ) nhà bà Hương là 4,02m là phù hợp với diện tích đất mà hộ ông Kế, bà Oai nhận chuyển nhượng từ bà Sa nhưng không được cấp sơ thẩm xem xét là có sai sót trong việc đánh giá chứng cứ. Đồng thời lại cho rằng, việc UBND TP Đà Nẵng đã căn cứ vào QĐ số 1014/QĐ-UB ngày 18/6/1996 và QĐ số 1154/QĐ-UB ngày 13/3/1999 là các QĐ giải quyết tranh chấp đường luồng giữa 2 nhà để cấp giấy chứng nhận cho bà Oai là không chính xác vì đây là các QĐ giải quyết việc ông Kế tự ý bao chiếm đường luồng sử dụng chung (rộng khoảng 1m) và công nhận cho phép các nhà sử dụng chung đường luồng chứ chưa công nhận diện tích này thuộc quyền sở hữu của hộ nào, nghĩa là tranh chấp đường luồng giữa 2 nhà vẫn chưa được giải quyết. Mặt khác, việc công nhận đường luồng là phần đất của chung cũng chưa hợp lý, vì theo văn tự mua bán gốc thì phần đường luồng này nằm trên phần đất ông Kế mua của bà Sa nhưng cho phép sử dụng chung để sử dụng giếng nước, văn tự mua bán nhà giữa bà Sa và bà Oai không có diện tích này.

Việc bà Hương xây lấn đất nhà ông Kế và phá hoại vật kiến trúc nhà 32 do quá trình xây dựng
Việc bà Hương xây lấn đất nhà ông Kế và phá hoại vật kiến trúc nhà 32 do quá trình xây dựng

Từ đó Bản án số 08/2015/HCPT khẳng định: “Việc cấp CNQSHNƠ&QSDĐƠ cho bà Oai tại số nhà 30 Lê Lai không căn cứ vào các văn tự mua bán gốc cũng như giấy tờ gốc của các cơ quan quản lý Nhà nước về đất đai, mà lại căn cứ vào hiện trạng sử dụng, trong khi phần hiện trạng chưa được chính xác, còn đang có tranh chấp là không đúng quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật Đất đai năm 1993 nên kháng cáo của ông Kế, bà Mai yêu cầu hủy QĐ số 13744/QĐ-UB là có căn cứ”.

Đối với yêu cầu hủy QĐ số 8715/QĐ-UBND ngày 12/11/2010 với nội dung QĐ như sau: Phần diện tích đất tính từ da tường nhà bà Trần Thị Thanh Hương (bà Hương thừa kế bà Oai - PV) (sau khi đã tô tường xong theo GPXD) về phía Tây giao cho hộ ông Phan Thanh Kế. Theo HĐXX phúc thẩm nhận định, phần đường luồng này nằm trong nằm trong diện tích đất nhà ông Kế nhận chuyển nhượng của bà Sa nên QĐ 8715 công nhận cho bà Hương được quyền sử dụng phần diện tích đất đường luồng đã xây dựng là không chính xác. Theo Bản án số 08/2015/HCPT của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng thì QĐ số 8715/QĐ-UBND không thi hành được vì không thỏa mãn 2 gia đình; vả lại, giao cho ông Kế sử dụng phần đất sát tường nhà bà Hương lấy thẳng, vậy phần móng nhà bà Hương và hàng cột ra thêm 20cm trên phần đất giao cho ông Kế thì tính thế nào?

Từ đó, căn cứ khoản 2 điều 205 Luật Tố tụng Hành chính, Bản án số 08/2015/HCPT ngày 16/3/2015 của Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng quyết định:

“Chấp nhận kháng cáo của ông Phan Thanh Kế, bà Phan Thị Bạch Mai. Sửa bản án hành chính sơ thẩm số 05/2012/HC-ST ngày 19/12/2012 của TAND TP Đà Nẵng.

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Kế, bà Mai. Hủy QĐ số 13744/QĐ-UB ngày 12/12/2001 của UBND TP Đà Nẵng v/v cấp GCNQSHNƠ&QSDĐƠ cho bà Huyền Tôn Nữ Thị Oai tại số nhà 30 Lê Lai, TP Đà Nẵng và QĐ số 8715/QĐ-UB ngày 12/11/2010 của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng v/v giải quyết phần diện tích đường luồng giữa 2 nhà 30 và 32 Lê Lai, TP Đà Nẵng”.

Cũng theo nội dung Bản án số 08/2015/HCPT thì UBND TP phải chịu án phí Hành chính sơ thẩm và để đảm bảo quyền lợi chính đáng của mình, ông Kế và bà Mai có quyền khởi kiện vụ án dân sự tranh chấp lối đi tại Tòa án nhằm xác định mức độ thiệt hại để được đền bù phần diện tích xây lấn và phá hoại vật kiến trúc do quá trình xây dựng nhà số 30 Lê Lai gây ra theo đúng quy định của pháp luật.

Một quyết định đúng đắn của Bản án số 08/2015/HCPT hợp tình, hợp lý thể hiện công lý được thực thi và minh chứng chân lý luôn thuộc về lẽ phải.

Bài và ảnh: Hồng Xuân - Anh Quân