Có lợi dụng đồn điền đổi thửa để chia đất trái pháp luật?

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 31/03/2015

(TN&MT) - Không họp bàn công khai, không lấy ý kiến dân nhưng thôn Lam Sơn, xã Minh Cường, huyện Thường Tín đã ngang nhiên lấy đất của gia đình ông Trần Đại Đằng giao cho hộ khác và không bồi thường cây cối, hoa màu.

Báo TN&MT nhận được đơn thư của ông Trần Đại Đằng, thôn Lam Sơn, xã Minh Cường, huyện Thường Tín (Hà Nội) phản ánh về việc: Năm 1999, gia đình ông Đằng được UBND huyện Thường Tín cấp 1.970m2 đất nông nghiệp tại thôn Lam Sơn, Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất số 0856/QSDĐ/MC ngày 30/9/1999, kể từ đó đến nay gia đình và các con ông sử dụng ổn định, không có tranh chấp và đóng thuế đầy đủ. Năm 2013 thực hiện Kế hoạch 171/KH-UBND ngày 13/11/2013 của TP Hà Nội về thực hiện dồn điền đổi thửa đất nông nghiệp trên địa bàn thành phố, sau đó cán bộ thôn Lam Sơn đã tự ý lấy đất của gia đình ông chia cho hộ khác, tuy nhiên, gia đình ông lại không được mời họp lấy ý kiến. Biết được sự việc trên gia đình ông đã kiến nghị nhiều lần lên thôn, lên xã Minh Cường nhưng không được cấp nào giải quyết mà chỉ nhận về những lời “nói suông” của chính quyền.

Ông Trần Đại Đằng, thôn Lam Sơn bức xúc: Cán bộ thôn Lam Sơn và xã Minh Cường hầu như không để ý đến quyền lợi chính đáng của người dân. Nếu họ họp và nói trước cho chúng tôi về chủ trương dồn điền đổi thửa sau đó tiến hành gắp thăm chia đất công khai thì gia đình tôi chấp nhận ngay, đằng này họ tự ý lấy đất chia cho người khác và còn không bồi thường cây cối, hoa màu cho gia đình.

Ông Đằng xót xa chỉ về thửa ruộng mà gia đình sản xuất bao nhiêu năm nay bị cán bộ thôn tự ý lấy chia cho người khác.
Ông Đằng xót xa chỉ về thửa ruộng mà gia đình sản xuất bao nhiêu năm nay bị cán bộ thôn tự ý lấy chia cho người khác

Không chỉ thế, cán bộ thôn Lam Sơn sau khi lấy đất của gia đình ông chia cho hộ khác nhưng lạ thay họ vẫn tiến hành thu nộp sản của gia đình không thiếu một đồng. Chỉ khác trong phiếu thu so với những năm trước là không ghi rõ địa chỉ đất nông nghiệp ở Bộ Đội hay Đồng Thuyền mà ghi rất tổng hợp “tổng ruộng”. Chúng tôi tìm tới xã Minh Cường để xác minh sự việc trên, nhưng lạ thay, tất cả lãnh đạo của xã này đều “cửa cài, then chốt”.

Chúng tôi đã chủ động liên hệ qua điện thoại với ông Nguyễn Văn Kiểm, Chủ tịch UBND xã Minh Cường thì vị này sau một hồi vòng vo, cáo họp và không quên hướng dẫn phóng viên liên hệ với Bí thư xã ông Đinh Văn Nức, Trưởng Ban dồn điền đổi thửa của xã. Ngay sau đó chúng tôi liên hệ với ông Nức nhưng thuê bao không liên lạc được. Để tìm rõ sự thật, phóng viên tiếp tục liên hệ điện thoại với ông Tô Văn Cường, Bí thư huyện ủy Thường Tín thì vị này cũng “đổ” trách nhiệm cho ông Chủ tịch UBND huyện. Không còn cách nào khác chúng tôi đã tìm tới UBND huyện và được ông Lưu Văn Phúc, Trưởng phòng Kinh tế huyện đồng ý tiếp.

Ruộng bị lấy và chia cho hộ dân khác từ tháng 2/2014 nhưng gia đình ông Đằng vẫn phải ra thôn để đóng sản không thiếu một đồng
Ruộng bị lấy và chia cho hộ dân khác từ tháng 2/2014 nhưng gia đình ông Đằng vẫn phải ra thôn để đóng sản không thiếu một đồng

Quan điểm của ông Phúc, việc thôn Lam Sơn thực hiện dồn điền đổi thửa không họp dân đầy đủ, không công khai, không bàn bạc với dân mà tự ý làm là sai. Tuy nhiên, thông tin cụ thể thế nào chúng tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu, trước mắt tiếp nhận thông tin mà phóng viên cung cấp và ngày đầu tuần tới sẽ cho người xuống làm việc để xử lí.

Phóng viên Báo TN&MT vừa về đến Tòa soạn thì ông Phúc gọi điện thông báo: Tôi điện xuống xã Minh Cường, họ trao đổi là không muốn né tránh báo chí, vì họ bận họp. Chiều nay xã đang làm việc với thôn về vụ việc trên. Sau đó ông Phúc còn cho biết sẽ bố trí một buổi làm việc giữa xã, thôn với báo chí để tường tận vấn đề.

Kế hoạch dồn điền đổi thửa là chủ trương đúng đắn và ý nghĩa rất lớn mà Đảng và Nhà nước đang hướng về nông thôn, nông dân với mong muốn người dân đổi mới phương thức canh tác manh mún, nhỏ lẻ sang phương thức hiện đại hóa, chuyên canh để nâng cao giá trị canh tác, cùng người nông dân thoát nghèo và làm giàu trên chính thửa đất của mình. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương chủ trương này đang bị một số cán bộ thành công cụ để “đục nước béo cò”, dẫn đến nhân dân không đồng thuận, khiến tình hình khiếu kiện kéo dài và bất ổn xã hội.

Doãn Xuân –  Nguyễn Cường