Long đong đời ngư phủ

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 14/03/2015

(TN&MT) - Những ngư phủ ở các huyện Long Thành, Nhơn Trạch và TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã lần lượt bỏ nghề, sống lay lắt qua ngày.

 

(TN&MT) - Tỉnh Đồng Nai có hệ thống sông, suối trải dài, tạo nên nguồn lợi thủy sản có giá trị rất lớn. Mấy năm qua, do “công nghệ” đánh bắt của bà con ngư dân trong tỉnh mang tính tận diệt, nên cá, tôm trên các dòng sông ở địa phương vùng Đông Nam bộ này đã giảm hẳn. Nay, những ngư phủ ở các huyện Long Thành, Nhơn Trạch và TP Biên Hòa (Đồng Nai) đã lần lượt bỏ nghề, sống lay lắt qua ngày.

Con tôm, con cá giờ khó bắt hơn đối với người làm nghề lặn soi đèn chỉa tôm cá.
Con tôm, con cá giờ khó bắt hơn đối với người làm nghề lặn soi đèn chỉa tôm cá.

Thương hiệu thủy sản Đồng Nai

 

Vùng nước lợ là vùng nước hạ lưu gần cửa sông, ven biển, là nơi giao thoa giữa nước mặn từ ngoài biển và nước ngọt từ sông suối đổ ra biển (thường gọi là "nước chè hai"). Vùng nước lợ là nơi trú ngụ, sinh sản nhiều loài thủy sản ven bờ. Nguồn lợi thủy sản vùng nước lợ có nhiều giống loài phong phú thích nghi với sự thay đổi nồng độ muối. Miệt sông nước Nhơn Trạch – Long Thành có những sản vật nước lợ rất đặc sắc: chem chép, cá đối, cá nâu, bạch tuộc, tôm cua… cho đến bông súng, kèo nèo…

 

Đầu năm Ất Mùi, chúng tôi có dịp về vùng đất Nhơn Trạch, lênh đênh trên thuyền cùng giăng lưới với các ngư phủ bản địa. Ông Phan Tấn Tài (68 tuổi), quê huyện Long Thành, người đã có thâm niên gần 40 năm với nghề sông nước cho hay, trên những con sông nước lợ Thị Vải, Lòng Tàu và Đồng Tranh (huyện Nhơn Trạch), do được đánh bắt từ thiên nhiên nên tôm, cá vùng này luôn hút khách. Kết thúc một ngày đánh bắt trên sông, chiều tối ông Tài chèo ghe về cảng cá Phước An (nơi dự kiến xây chợ nổi ở huyện Nhơn Trạch), với đủ các “chiến lợi phẩm” như: cua, cá, tôm, mực, thậm chí cả chem chép, nghêu…

 

Cá tôm nước lợ ăn có vị khác một chút so với hải sản nước mặn và nước ngọt, không quá mặn mòi vị muối như hải sản, thơm ngọt vừa đủ. Chị Trần Thị Thương, người dân xã Vĩnh Thanh (huyện Nhơn Trạch) chuyên thu gom hải sản trong vùng phân phối cho các thương lái, cho biết phần lớn hải sản ở đây được đưa về TP Biên Hòa và TPHCM tiêu thụ. Mỗi ngày các ghe đưa về đây khoảng 1 tấn hải sản các loại.

Những chuyến thả câu không thường xuyên của ngư dân làng bè Long Bình Tân (TP Biên Hòa)
Những chuyến thả câu không thường xuyên của ngư dân làng bè Long Bình Tân (TP Biên Hòa)

Những người làm nghề chài lưới ở huyện Nhơn Trạch tiết lộ, trước đây các loại cua, ghẹ, bạch tuộc, chem chép, cá nâu đầy nhóc trên sông. Có những ngày nước tốt, một ghe đánh bắt được trên 100kg cá, tôm/ngày. Hơn 10 năm trở lại đây, nước trong các kênh rạch, sông suối dần bị ô nhiễm, thủy sản cũng giảm dần. Do đặc sản nước lợ nay không còn nhiều nên giá tăng dần, có loại tăng gấp 2 – 3 lần như cá nâu; bạch tuộc trước 40.000 đồng – 50.000 đồng/kg, còn hiện có khi lên đến gần 200.000 đồng/kg; cá đối trước 30.000 đồng – 40.000 đồng/kg, hiện lên hơn 100.000 đồng/kg.

 

Trước tình hình này, để tăng nguồn lợi thủy sản, ngành nông nghiệp huyện Nhơn Trạch và người dân đã phát triển mạnh mẽ diện tích nuôi thủy sản nước lợ. Đến đầu năm 2015, toàn huyện có 1.658ha diện tích, trong đó có 1.325ha nuôi thủy sản nước lợ theo hình thức quảng canh. Ở đây, nông dân thả con giống vào các đầm, rạch để chúng sống và tự kiếm ăn như ngoài môi trường tự nhiên. Cá, tôm thả cả năm mới thu hoạch nên chất lượng không thua gì sản vật đánh bắt ngoài tự nhiên, được thị trường rất chuộng và bán được giá cao hơn thủy sản nuôi theo hình thức thâm canh.

 

“Mô hình nuôi thủy sản nước lợ theo hình thức quảng canh mang lại lợi nhuận khoảng 120 triệu đồng/ha/vụ. Nhiều hộ có diện tích nuôi quảng canh rộng hàng chục ha, thường là diện tích mặt nước đầm, rạch tự nhiên phủ xanh dừa nước và các loại cây nước lợ” – ông Nguyễn Hữu Có, cán bộ Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Nhơn Trạch thổ lộ.

Vùng vẫy giữa sông nước để mưu sinh.
Vùng vẫy giữa sông nước để mưu sinh.

Thất bát

 

Tháng Giêng, nước sông Đồng Nai trong vắt. Dựa vào những con nước ròng (nước cạn khi thủy triều xuống), ngư dân Trần Lâm đánh xuồng máy ra các bãi đá, gầm cầu sông Đồng Nai lặn ngụp soi đèn chỉa tôm cá. Trần Lâm cho hay, từ đầu con nước đến nay, dù siêng năng ngụp lặn suốt nhiều giờ liền, anh chỉ bắt được vài con tôm càng xanh nhỏ, cá vụn. Cho nên, cả tháng qua thu nhập từ cái nghề lặn của anh Trần Lâm ngày chỉ được trên 100.000 đồng. Nếu so sánh với mấy năm trước, anh Trần Lâm bị thất thu hơn phân nửa.

 

Ngư dân Trần Lâm lý giải với vẻ mặt buồn rười rượi, lý do cá tôm giờ hiếm hoi so với những năm trước là do bị ngư dân đánh bắt theo hình thức chích điện, rải thuốc hóa học dữ quá. Các tay cào điện, rãi thuốc càng nhiều thì những ngư dân đánh bắt theo kiểu truyền thống như anh càng khó khăn, làm nghề chật vật. “Thường thì khi kết thúc con nước rong, chuyển sang mùa nước cạn thì nghề soi tôm cá của tui làm ăn được nhất so với những người thả câu, lưới. Càng ngày tui thấy công việc làm ăn của tui khó khăn, chi phí xăng dầu nhiều hơn. Cứ cái đà này thì sớm muộn gì tui cũng phải giải nghệ hoặc chuyển sang hình thức đánh bắt khác để được nhiều tôm cá hơn” - ngư dân Trần Lâm thổ lộ.

Chục năm về trước, nghề lặn soi tôm cá của anh Trần Lâm khá thịnh, số người hành nghề này cả trăm người. Ngoài lặn chỉa tôm cá, họ còn nhận cả công việc trục vớt tàu thuyền, hàng hóa bị đắm trên các cảng, khúc sông Đồng Nai. “Lúc trước, một ngày tui chỉ lặn vài giờ là thu nhập được 300.000 đồng – 400.000 đồng. Nay tui quần thảo khắp các chân cầu, bãi đá ngầm tại các nhánh sông chỉ kiếm được hơn 100.000 đồng là hên lắm rồi. Tui mong sao chính quyền địa phương sớm quyết liệt ra tay dẹp hết đám ngư dân bất lương đánh bắt tôm cá bằng điện, hóa chất”- ngư dân Hai Hi (bạn thân của ngư dân Trần Lâm) tỏ bày.

 

Cùng cảnh với ngư dân lặn chỉa tôm cá, ngư dân Bảy Thu (xóm câu phường Bửu Hòa, TP Biên Hòa) liên tục ta thán với chúng tôi về những chuyến thả câu thất bát. Ngư dân Bảy Thu chỉ chiếc xuồng chích điện đậu sát xuồng mình thỏ thẻ. Ông chỉ dám thốt ra sự ấm ức vừa đủ cho chúng tôi nghe: “Tụi ghe cào điện, thả hóa chất thu nhập đêm nào cũng gấp 4, gấp 5 lần tụi tui. Cá tôm trốn chui, trốn nhủi cỡ nào tụi nó cũng làm cho tê liệt ngoi lên mặt nước. Cứ vậy, tụi nó thong thả dùng vợt vớt bỏ vào thùng đá. Trong khi tụi tui nhử mồi thơm và ngồi trên xuồng ngáp ngắn, ngáp dài suốt đêm chẳng được mấy con cá dám cắn câu. Hằng ngày tụi tui nhìn tụi nó đánh bắt kiểu hủy diệt trông ngứa mắt lắm, nhưng không dám nói vì sợ bị đánh. Tụi nó dữ lắm, tụi tui không ai dám đụng chạm”.

Cá nước lợ trên sông Thị Vải ngày càng khan hiếm, khó đánh bắt
Cá nước lợ trên sông Thị Vải ngày càng khan hiếm, khó đánh bắt

Đìu hiu các bến sông

 

20 năm trước, xóm câu, xóm chài thuộc ấp 2, xã An Hòa (TP Biên Hòa) lúc nhúc xuồng to, xuồng nhỏ tại các bến nước. Sáng sớm, chiều tà, các xuồng cập bến đều đầy ắp tôm cá trong khoan, trong thùng xốp đá. Với 30 năm hành nghề, ngư dân Bảy Bình còn nhớ như in mỗi chuyến đánh bắt luôn đạt số lượng hàng chục ký để giao cho chị Ba Ngọc đem ra chợ cân cho các đầu mối. Ngư dân Bảy Bình tỏ bày, thời đó cá tôm không được giá như bây giờ. Bù lại với số lượng đánh bắt gấp chục lần bây giờ thì nghề cá sướng và nhàn hơn nghề làm ruộng hoặc lên bờ làm công nhân.

 

Bây giờ, cá tôm cạn kiệt, ngư dân lần lượt bỏ nghề lên bờ làm đủ thứ nghề để mưu sinh. Người có tuổi hoặc thanh niên không có tay nghề thì cố gắng bám bến, bám xuồng. Họ kiên trì rong xuồng khắp nơi tìm nơi cá tôm trú ngụ thả lưới, quăng chài, thả câu. Sự kiên trì của họ phần cốt kiếm vài chục ngàn đồng để phụ với đồng lương công nhân của vợ, của con và không để mình nhàn rỗi. “Xóm chài giờ chỉ còn tên nhưng không còn ai làm nghề. Riêng xóm câu chỉ còn vài người làm nghề thả câu, lưới, lợp. Sông thì vẫn còn đó nhưng ngư dân thì lần lượt bỏ bến, bỏ nghề vì cá tôm cạn kiệt”- ngư dân Bảy Bình nói.

 

3 năm trước, xóm chài Đạo Ngạn, ấp Phước Lý, xã Đại Phước (huyện Nhơn Trạch) vẫn còn hơn chục chiếc xuồng neo đậu. Nay số người làm nghề chài lưới chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Ông Út Thừa cho biết, năm rồi xuồng của ông bị hỏng. Nhân đó, ông bỏ cái nghề “hạ bạc” truyền thống của gia đình để ở nhà cùng vợ giữ cháu cho con đi làm công nhân. “Bỏ nghề tui cũng nhớ sông nước lắm. Nhưng cố bám bíu nó thì ngày công chẳng được mấy đồng, không đủ tiền mua lại lưới, xuồng”- ông Út Thừa tê tái lòng, tỉ tê.

Còn ngư dân Chín Sơn (người còn bám nghề) thì tâm sự, cha của ông trước kia là tay chài có tiếng của xóm chài Đạo Ngạo. Được cha truyền lại nghề, ông Chín Sơn rành rẻ các khúc sông tại Đại Phước như lòng bàn tay. Ông Chín Sơn cục mịch nói: “Cá tôm trên sông Đồng Nai bây giờ đã cạn kiệt, phần vì do nguồn nước bị ô nhiễm, phần vì do người ta đánh bắt bằng xung điện, bằng hóa chất. Nhớ 10 năm về trước, dù phương tiện đánh bắt tôm cá của dân xóm chài Đạo Ngạn chỉ là tay chài, thước lưới, đi một đêm cũng được trên chục ký tôm cá. Giờ đây, hết xuôi hạ nguồn, rồi ngược lên thượng nguồn sông Đồng Nai, tụi tui phải về tay không hoặc chỉ bắt được lèo tèo vài con cá, con tép”.

 

Đến tận bây giờ, xóm câu thuộc khu phố 5, phường Bửu Hòa (TP Biên Hòa), xóm chài thuộc ấp 2, xã Trị An (huyện Vĩnh Cửu); làng bè Long Bình Tân, phường Long Bình Tân (TP Biên Hòa) vẫn còn đông đúc xuồng ghe cập bến. Tuy vậy, vẫn không còn mấy ngư dân mặn mà với nghề. Theo ngư dân kỳ cựu Tư Đủ (xóm câu Bửu Hòa), còn sông nước thì vẫn còn người làm nghề chài lưới, thả câu. Đồng thời, khi tôm cá cạn kiệt thì kiểu đánh bắt bằng điện, hóa chất càng nở rộ và từng bước giết chết kiểu đánh bắt truyền thống bấy lâu nay. “Cho nên cần phải dẹp hết kiểu đánh bắt hủy diệt này để bảo vệ ngư dân chân chính, bảo vệ các xóm câu, xóm chài và những ngư dân dạt dào tình yêu sông nước”- ông Tư Đủ đề xuất.

                                                                

Bài & ảnh: Thục Vy