Đi lễ cầu an không để lại rác cũng là công đức
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 10/03/2015
(TN&MT) - Năm nay nhà chùa Phúc Khánh (Hà Nội) nhắc nhở người dân đi lễ bằng khẩu hiệu "Đi lễ cầu an không để lại rác cũng là công đức".
(TN&MT) - Cũng như nhiều đền, chùa khác, chùa Phúc Khánh - một ngôi chùa nhỏ ở 382 phố Tây Sơn luôn thu hút rất đông phật tử đến lễ Phật trong dịp đầu năm. Rút kinh nghiệm thời gian trước, mỗi khi buổi lễ kết thúc lại có tình trạng rác vứt bừa bãi, năm nay nhà chùa đã nhắc nhở người dân đi lễ bằng khẩu hiệu “Đi lễ cầu an không để lại rác cũng là công đức” và tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong ý thức giữ gìn vệ sinh chung của mọi người.
Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường
Chùa Phúc Khánh có lịch sử từ thời Hậu Lê, vốn là cơ sở đào tạo tăng tài cho Phật giáo nước nhà. Ngôi chùa cổ kính và linh thiêng này luôn là điểm đến của hàng ngàn tăng ni phật tử không chỉ ở Hà Nội mà còn khắp các tỉnh thành trong cả nước về dự lễ mỗi dịp tuần rằm quan trọng, như rằm tháng Giêng hay rằm tháng Bảy (vu lan). Người dân trong vùng thường gọi chùa với tên quen thuộc chùa Sở, hay chùa Thịnh Quang theo tên địa danh nơi thờ Đức Phật. Hàng năm dòng người đổ về đây lễ Phật cầu an, dâng sao giải hạn, cầu siêu rất đông.
Bà Ngô Thị Thanh ở số 26 tổ 17 phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân người đến chùa lễ chùa đã hơn 10 năm chia sẻ: Rút kinh nghiệm những năm trước đến muộn là không có chỗ ngồi, nên tôi đến sớm từ 2h chiều để có một vị trí trong khu vực Tam bảo làm lễ cầu an cho bản thân và gia đình, chính vì đến từ sớm nên phải chuẩn bị mọi thứ giấy ngồi, thức ăn, bánh mỳ... Tuy vậy tôi và những người dân tham gia buổi lễ rất có ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường và cảnh quan trong chùa, cũng như thực hiện nghiêm chỉnh việc để rác đúng nơi quy định, tất cả thức ăn thừa đều được để vào trong một túi bóng, sau khi kết thúc buổi lễ sẽ bỏ vào thùng chứa rác.
Anh Nguyễn Trọng Tuấn ở Yên Hòa, Cầu Giấy cho biết: Tôi thấy sự đổi thay tích cực so với mọi năm là khâu vệ sinh môi trường trong chùa rất tốt. Các thùng rác thân thiện với môi trường được nhà chùa và ban tổ chức lắp đặt nhiều vị trí hơn cũng như dễ nhìn hơn, tạo điều kiện thuận lợi để các tăng ni phật tử có thể dễ dàng bỏ rác vào.
Không để lại rác cũng là công đức
Có thể thấy môi trường xung quanh khu vực cũng như bên trong khuôn viên chùa Phúc Khánh mùa lễ cầu an năm nay đã sạch đẹp hơn so với những năm trước. Để có được điều này là sự chung tay góp sức của nhiều ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương cùng với nhà chùa tạo nên một buổi lễ không chỉ an toàn, trật tự, văn minh mà còn đảm bảo vệ sinh môi trường.
Sư ông Thích Khải Hưng một trong những người phụ trách chùa Phúc Khánh cho biết: Chuẩn bị cho lễ cầu an, nhà chùa và chính quyền địa phương đã có nhiều cuộc phương án nhằm giữ cho buổi lễ diễn ra an toàn, trật tự, đảm bảo vệ sinh môi trường. Trong các đoàn thể tham gia phải kể đến sự tích cực của đoàn thanh niên phường Thịnh Quang và quận Đống Đa, bởi đã có nhiều sáng kiến và cách làm hay như khẩu hiệu “Đi lễ chùa không để lại rác cũng là công đức” được đặt trên mỗi thùng rác và trên các tấm biển được bố trí ở khắp nơi đã thu hút được sự chú ý của đông đảo khách đi lễ và cho thấy hiệu quả. Ngoài ra cũng có nhiều tăng ni phật tử tình nguyện cùng với nhà chùa thu gom rác, dọn dẹp vệ sinh trước và sau buổi lễ.
Ông Phùng Anh Quân, Phó Chủ tịch UBND phường Thịnh Quang cho biết: Người đến lễ chùa rất đông. Ước tính trong khuôn viên là gần 1000 người, và khoảng 6000 người đứng lễ ở phía ngoài. Qua bài học rút ra từ những mùa lễ trước, phường đã chủ động phối hợp với công an quận, thành phố, các phường bạn và nhà chùa nhằm để buổi lễ diễn ra thuận lợi, không gặp sự cố. Đặc biệt là khâu vệ sinh môi trường trước, trong và sau khi kết thúc buổi lễ luôn được coi trọng đảm bảo cho môi trường trong và xung quanh chùa luôn sạch đẹp, tạo tâm lý thoải mái cho người dân đi lễ chùa. Bên cạnh đó, để xử lý lượng rác nhanh, tránh tồn đọng, phường đã yêu câu xí nghiệp môi trường số 4 thuộc công ty TNHH một thành viên môi trường đô thị Hà Nội tăng cường nhân lực giải quyết vấn đề trên.
Đi lễ chùa không để lại rác cũng là công đức là một cách làm hay cần nhân rộng tại những điểm văn hóa tâm linh.
Bài và ảnh:Huy An