Những sai phạm trong quản lý đấu thầu tại huyện Pác Nặm (Bắc Kạn) - Bài 1: Một mình một chợ?

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 31/01/2015

(TN&MT) - Đúng ngày hẹn, tất cả các cán bộ có “chức sắc” liên quan tới công tác đầu thầu tại huyện Pác Nặm đều đi vắng trong khi phóng viên đã có hẹn từ trước.
(TN&MT) - Là một huyện nghèo của tỉnh Bắc Kạn nên từ nhiều năm qua huyện Pác Nặm luôn được Nhà nước dành các nguồn vốn ưu đãi để đầu từ xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình kiên cố hóa phục vụ dân sinh. Mặc dù được ưu ái như vậy nhưng những “lỗ hổng” trong tổ chức đấu thầu và thi công các dự án đã và đang gây bức xúc trong dư luận. Đặc biệt đó là các dự án sử dụng nguồn vốn thuộc chương trình 30a, 135 của Chính phủ mà huyện Pác Nặm là một trong hai huyện của tỉnh Bắc Kạn được hưởng ưu đãi này của Chính phủ.
   
“Quen mặt” sẽ trúng thầu và được chỉ định thầu?
   
  Theo đơn thư phản ánh của người dân địa phương, tại Pác Nặm hiện đang “tồn tại 1 số cá nhân, một vài nhóm người làm công tác quản lý, tổ chức đấu thầu trong lĩnh vực xây dựng đã lợi dụng quyền hạn, vị trí công tác gây lãng phí, thất thoát nguồn ngân sách đầu tư cho việc xây dựng cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm xóa đói giảm nghèo cho huyện Pác Nặm.”.
   
  Chủ đầu tư các dự án này là UBND huyện Pác Nặm, đại diện chủ đầu tư là Ban quản lý các dự án (BQLCDA) do ông Nguyễn Quốc Hội làm Trưởng ban. Theo phản ánh, trong công tác tổ chức lập Hồ sơ mời thầu (HSMT), chấm thầu và báo cáo kết quả đánh giá Hồ sơ dự thầu (HSDT) các dự án trên địa bàn huyện Pác Nặm của BQLCDA có nội dung trái với quy định của Luật Đấu thầu, dẫn đến việc các nhà thầu dù có đầy đủ năng lực cũng không thể tham gia đấu thầu do các quy định trong hồ sơ mời thầu được xây dựng theo tiêu chí trái luật, gây bất lợi cho rất nhiều nhà thầu tham gia dự thầu.
   
   
Ông Nguyễn Quốc Hội, Trưởng ban BQLCDA huyện Pác Nặm
   
  Sau nhiều lần liên lạc, chúng tôi đã gặp được ông Nguyễn Quốc Hội, Trưởng ban BQLCDA, người trực tiếp ký phát hành rất nhiều HSMT, HSYC. Khi được hỏi về việc có hay không chuyện khuất tất trong công tác mời thầu, chấm thầu tại các Dự án trên địa bàn, ông Hội cho biết “chúng tôi làm đúng theo các quy định của pháp luật, còn ai đó nói gì là việc của người ta, Thanh tra sở KH&ĐT tỉnh cũng chưa kết luận được một vụ việc nào sai phạm ở Pác Nặm.”
   
  Còn việc vì sao BQLCDA tự làm HSMT chứ không thuê công ty bên ngoài làm bởi không có kinh phí. Cụ thể là ở đây tổ chuyên gia được lập ra có 5 người, có đầy đủ các bằng cấp, chứng chỉ, trình độ và hoàn toàn do cán bộ trong BQL đảm nhiệm. Khi lập HSMT (với các dự án phải đấu thầu), Hồ sơ yêu cầu - HSYC (với các dự án phải chỉ định thầu) chúng tôi giao cho một cán bộ chuyên trách trong tổ chuyên gia lập rồi tôi ký trực tiếp (điều ngạc nhiên là ông Hội không phải người trong tổ chuyên gia) hoặc tổ trưởng tổ chuyên gia Cà Văn Thưởng (hiện đang là phó trưởng BQLCDA).
   
  Tại huyện Pác Nặm, do các dự án nhỏ nên cơ bản là chỉ định thầu, năm 2014 khởi công được hơn 10 công trình với tổng số nguồn vốn được giải ngân là khoảng 75 tỷ (vậy mà ông Hội kêu là nhỏ) chủ yếu dành cho trả nợ. Tại địa bàn chỉ có một số Công ty là thường xuyên trúng thầu và được chỉ định thầu vì họ đáp ứng đầy đủ các “điều kiện” theo yêu cầu của pháp luật như Công ty Anh Vấn, Quang Anh, Huyền Trang, Định Đô… - ông Hội cho biết thêm.
   
  Nhóm phóng viên đề nghị ông Hội cung cấp một số bằng cấp, chứng chỉ của các cán bộ trong tổ chuyên gia hiện tại và một số dự án đã hoàn thành như Đường liên thôn Nặm Sai – Cốc Nọt xã Công Bằng; đường Khuổi Lè xã Giáo Hiệu; đường Khuôi Bốc – Kéo Pyáo… nhưng ông Hội không cung cấp được và hẹn phóng viên 10 ngày sau quay lại sẽ cho xem hồ sơ của một số dự án đã hoàn thành tại huyện Pác Nặm.
   
  Đúng ngày hẹn, nhóm phóng viên lên Pác Nặm thì ông Hội tiếp tục ca bài cũ với lí do “bận họp” trên tỉnh nên không gặp và từ chối luôn việc cung cấp các hồ sơ theo yêu cầu đồng thời đẩy trách nhiệm sang UBND huyện Pác Nặm. Khi chúng tôi sang UBND huyện thì từ ông chủ tịch, phó chủ tịch cho tới các trưởng phòng ban liên quan đều đi vắng, chỉ còn lại một đồng chí phó trưởng phòng tài chính kế hoạch. Theo yêu cầu, một chuyên viên của phòng này đã đi tìm các hồ sơ dự án liên quan tới các đấu thầu, mời thầu đã được phòng thẩm định nhưng… không hề thấy bất kỳ bộ hồ sơ nào bởi trong kho có quá nhiều tài liệu khác nhau(?). 
   
  Cũng chính vì không có lãnh đạo nào có mặt tại trụ sở nên chúng tôi không thể lập biên bản về sự việc. Câu hỏi đặt ra là việc tất cả các cán bộ có “chức sắc” liên quan tới công tác đầu thầu đồng loạt đi vắng khi phóng viên đã có hẹn từ trước đó và các hồ sơ đột nhiên “không tìm thấy” có phải là sự ngẫu nhiên hay cố ý?.
   
   
Trụ sở UBND xã Cao Tân, một trong những công trình có nhiều sai phạm nhưng vẫn được nghiệm thu.
   
Biết trước các doanh nghiệp trúng thầu?
   
  Về nguyên tắc, khi vận dụng các văn bản pháp luật để lập HSMT xây lắp, chủ đầu tư phải nghiêm túc thực hiện theo nội dung đã quy định tại Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng cùng một số thông tư hướng dẫn của Bộ KH&ĐT để bảo đảm công bằng, minh bạch trong đấu thầu, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, khuyến khích nhiều nhà thầu tham dự… từ đó dễ dàng cho việc thương thảo chọn ra nhà thầu ưu tú nhất để ký kết hợp đồng thi công xây dựng. 
   
  Ngoài ra, khi quy định nội dung của HSMT cho 1 công trình cụ thể phải bảo đảm đúng quy định và phù hợp với quy mô của gói thầu và điều kiện, hoàn cảnh cụ thể của ban ngành, địa phương… tuyệt đối không được tự ý đưa ra những nội dung trái quy định, không phù hợp dẫn đến việc các nhà thầu khó khăn hay không thể thực hiện việc tham gia dự thầu. Đối với các HSMT lập như vậy sẽ phải hủy kết quả đấu thầu theo Luật Đấu thầu.
   
  Thực tế, việc “đẽo giày cho vừa chân” trong công tác đấu thầu của BQLCDA Pác Nặm với trách nhiệm chính thuộc về ông Trưởng Ban Nguyễn Quốc Hội đã diễn ra trong nhiều năm qua khi chỉ có vài  doanh nghiệp “quen thuộc” trúng thầu các gói thầu thi công. Thậm chí, có những doanh nghiệp mới thành lập, chưa đủ điều kiện đấu thầu hay còn thiếu, yếu năng lực vẫn được chỉ định thầu(?!). Ngạc nhiên nữa là, trước mỗi một cuộc đấu thầu thì dư luận đã xôn xao “đoán biết trước và đúng” tên doanh nghiệp trúng thầu. 
   
  Theo tìm hiểu của phóng viên, nhiều công trình xây dựng hạ tầng ở Pác Nặm đã không tương xứng với số vốn Nhà nước bỏ ra đầu tư, vừa hại cho nhà nước vừa thiệt cho người dân nghèo. Trong loạt bài tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ ra những “sai phạm” rất nghiêm trọng đã và đang gây ảnh hưởng rất tiêu cực đến hiệu quả vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Nhà nước ở huyện nghèo này tại một số dự án. Đặc biệt là các dự án, chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a, 135 của Chính phủ dành riêng cho các huyện miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Bắc Kạn.
   
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
   
Mạnh Hưng
   
Bài 2: Nguồn vốn 30a, 135 của Chính phủ được sử dụng như thế nào?