Đền bù GPMB dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Xô Viết Nghệ Tĩnh”: Có dấu hiệu khuất tất?

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 07/12/2014

(TN&MT) - Người dân cho rằng có dấu hiệu khuất tất trong quá trình đền bù GPMB Dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Xô Viết Nghệ Tĩnh”.
   
   
(TN&MT) - Trong quá trình thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Xô Viết Nghệ Tĩnh” đã xuất hiện một số dấu hiệu khuất tất nên người dân Khối 7, thị trấn Hưng Nguyên làm đơn kiến nghị gửi các cơ quan chức năng.
   
Dự án “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Xô Viết Nghệ Tĩnh” – Nơi người dân cho rằng có dấu hiệu khuất tất trong quá trình đền bù GPMB.
   
  Nhằm phát huy những giá trị truyền thống của một thời quật khởi trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 – 1931 của nhân dân hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, UBND tỉnh Nghệ An đã đồng ý chủ trương xây dựng khu tưởng niệm với tên gọi “Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Xô Viết Nghệ Tĩnh”.
   
  Theo đó, ngày 19/10/2009, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 5345/QĐ.UBND-CNXD về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình bảo tồn và phát huy giá trị di tích Xô Viết Nghệ Tĩnh, địa điểm là khu đất thuộc khối 7, thị trấn Hưng Nguyên, ngay cạnh Quốc lộ 46. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện đền bù GPMB đã xuất hiện một số khuất tất, bất công khiến cho người dân vô cùng bức xúc và gửi đơn kiến nghị kéo dài từ năm 2013 đến nay nhưng vẫn chưa được giải quyết.
   
  Đại diện cho người dân khối 7, thị trấn Hưng Nguyên (huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) gửi các cơ quan chức năng, trong đơn thư, người dân thể hiện sự bức xúc khi chỉ ra những khuất tất, những việc làm không đúng thực tế của Hội đồng GPMB huyện Hưng Nguyên cũng như UBND thị trấn Hưng Nguyên. “...Trong quá trình thực hiện dự án trên, người dân đã phát hiện ra một số cán bộ từ Ban cán sự khối đến Hội đồng GPMB đã lợi dụng vào các tờ mục kê 02 chuyển đổi năm 2005 để sửa lại nhận tiền đền bù. Đặc biệt, theo 3 quyết định của UBND huyện Hưng Nguyên đã ghi: Chi trả đền bù vật kiến trúc cho nhân dân khối 7 gần 60 triệu đồng do ông Nguyễn Bá Cừ - Nguyên khối trưởng khối 7 giai đoạn năm 2010 đến 2013 ký nhận. Nhưng sau khi dân hỏi thì ông Phó chủ tịch UBND thị trấn Hưng Nguyên – Dương Công Đồng đã bảo số tiền đó đã chuyển cho HTX Dịch vụ nông nghiệp nhận...” – Đơn người dân nêu rõ.
   
  Cũng theo đơn thu người dân, ông Nguyễn Văn Lượng – trú khối 10, thị trấn Hưng Nguyên nhận được đền bù với số tiền lến đến 379.745.000 đồng trên diện tích 2.677m2 đất nằm trong dự án. Tuy nhiên, người dân cho rằng, ông Lượng trước đây chỉ đổi đất ruộng cho một hộ gia đình khác tên Thứ với diện tích 2.031m2 (nghĩa là lớn hơn diện tích ông Lượng có thực lên đến 646m2). Hơn nữa, dù đã được đền bù nhưng hiện nay ông Lượng vẫn còn có diện tích đất ruộng đang canh tác lên đến 2.371m2 vùng ngoài dự án đền bù.
   
  Nói về việc ông Lượng nhận tiền đền bù với diện tích lớn hơn diện tích có thực của mình nhưng lại còn hàng nghìn mét vuông đất khác, ông Cao Quang Mận – Hội trưởng Hội Cựu chiến binh khối 7, đặt câu hỏi: “Trong quá trình kiểm tra đất đai theo Chỉ thị 08, chúng tôi phát hiện ra ông Lượng còn có diện tích đất canh tác nông nghiệp lên đến 2.371m2. Tuy nhiên, theo tài liệu chúng tôi có được thì vị này trước đây đổi đất với một cá nhân khác với diện tích 2.031m2. trong quá trình GPMB, ông Lượng lại được nhận đền bù với diện tích đất lên đến 2.677m2. Điều này thật quá vô lý?”.
   
  Cũng theo đơn thư, bà Trần Thị Bình dù chỉ có 320m2 đất theo “sổ đỏ” 64 nhưng người này lại nhận đền bù với diện tích lên đến 648m2. Tương tự là ông Nguyễn Đình Đối, dù diện tích đất 64 của mình chỉ có 500m2 nhưng ông này lại nhận được đền bù với diện tích lên đến 883m2; bà Nguyễn Thị Đào (chị gái ông Nguyễn Bá Cừ), là cán bộ hưu trí và chưa bao giờ nhận ruộng tại vùng đất dự án nhưng bà này lại được nhận đền bù hai thửa đất với diện tích lên đến 989m2 với số tiền lên đến 141.747.000 đồng.
   
  Hơn nữa, theo đơn thư, một số hộ dân khác trong hồ sơ thủ tục nhận đền bù có ký nhận với diện tích khác nhưng thực nhận tiền đền bù lại là diện tích khác nhỏ hơn so với sổ sách nhiều. Đó là trường hợp ông Phan Văn Cường, có 2 thửa đất với diện tích 1.197m2 nhưng chỉ nhận thực tế số tiền đền bù của diện tích 737m2; gia đình ông Lê Sỹ Vân có 2 thửa đất với diện tích 1.283m2 nhưng ông chỉ nhận thực tiền đền bù của diện tích 494m2...
   
  “Chúng tôi thấy việc đền bù GPMB dự án Bảo tồn và phát huy giá trị di tích Xô Viết Nghệ Tĩnh có nhiều dấu hiệu khuất tất. Những số liệu chúng tôi đề cập trong đơn thư khiếu nại đều có cơ sở, chúng tôi đã gửi đơn thư đi khắp nơi từ thị trấn đến huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An...thế nhưng sự việc cứ thế trôi vào im lặng. Chỉ mong sao mọi việc được làm sáng tỏ để người dân đáng được hưởng đền bù không bị thiệt, nhà nước không bị thất thoát tiền ngân sách” – ông Cao Quang Mận, kiến nghị.
   
  Trao đổi với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Đình Kính – Phụ trách ban tư vấn GPMB huyện Hưng Nguyên, cho biết: “Vấn đề đơn thư là do dân không hiểu hết vấn đề. Hiện chúng tôi đang giao cho UBND thị trấn Hưng Nguyên xác minh đơn thư người dân báo cáo trước ngày 10/12/2014”.
   
  Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục trở lại vụ việc này.
   
Bài & ảnh: Đình Tiệp – Lương Ý