Hà Nội: Tái chế phế liệu - Tàn phá môi trường
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 18/11/2014
(TN&MT) - Việc này khiến người dân sống tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội luôn phải sống trong bầu không khí ô nhiễm nghiêm trọng.
(TN&MT) - Từ khi khu xưởng chuyên tái chế phế liệu, kim loại tại khu vực Bến Dốc, xã Hữu Hòa, huyện Thanh Trì đi vào hoạt động thì người dân sống tại phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội luôn phải sống trong bầu không khí ô nhiễm nghiêm trọng. Đã có nhiều kiến nghị nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết…
Ô nhiễm nghiêm trọng từ chất thải nguy hại
Khu xưởng tái chế này nằm dọc tuyến sông Nhuệ tại khu vực Bến Dốc, thuộc địa phận của thôn Hữu Lê và nằm gần đường đi lại của xã Hữu Hòa và các khu chung cư sông Nhuệ, tập thể Bê Tông của phường Kiến Hưng, quận Hà Đông.
Theo anh Hà sống tại chung cư sông Nhuệ, phường Kiến Hưng: Hằng ngày, bắt đầu từ chập tối, khu tái chế các loại: Sắt thép, bao bì, chai nhựa, gỗ... này đẩy mạnh sản xuất thì lượng khí thải độc hại theo chiều gió thổi sang các khu dân cư Sông Nhuệ, khu tập thể Bê tông, các tổ dân phố... thuộc phường Kiến Hưng. Cùng với đó là tiếng động mạnh phát ra từ các lò nung phế liệu, khói đen bốc lên bao trùm cả không gian rộng lớn... tất cả đã tạo ra sự ô nhiễm làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Khói thải từ các cơ sở tái chế gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Qua tìm hiểu được biết, khu xưởng này của các chủ cơ sở gồm: Ông Nguyễn Khắc Hồng chuyên sơ chế phế liệu, tái chế cán đúc thép; Công ty TNHH Phương Linh sản xuất bao bì nguyện liệu từ bìa cát tông, bột sắn; Công ty cổ phần TCT Việt Nam gia công cửa nhựa lõi thép… các đơn vị này hành nghề tái chế song không có một biện pháp bảo vệ môi trường nào được áp dụng.
Bà Đê, người dân sống ở tập thể Bê Tông phường Kiến Hưng, quận Hà Đông nơi nằm đối diện với khu xưởng tái chế cho biết: Các xưởng sản xuất của những hộ này thay nhau hoạt động gần như là 24/24 giờ trong ngày, gia đình tôi và các hộ dân trong khu tập thể Bê tông luôn phải hứng chịu tiếng ồn, bụi than, mùi khét phát ra từ khu xưởng tái chế bên kia sông Nhuệ. Bởi vậy người dân sống chung quanh đây luôn phải trong tình trạng phải đóng kín cửa để đỡ bị ảnh hưởng, song vẫn không hạn chế được là bao.
Vì sao chính quyền vẫn chưa giải quyết dứt điểm?
Để trả lời cho câu hỏi tại sao tình trạng ô nhiễm xảy ra đã gần chục năm mà cho tới thời điểm này các cơ quan chức năng vẫn chưa xử lý dứt điểm? Chúng tôi tới gặp ông Tưởng Văn Chúc – Chủ tịch UBND xã Hữu Hòa cho biết: Trước sự phản ánh của người dân, thời gian qua đã có lực lượng liên ngành của thành phố, sở TN&MT cùng với UBND huyện và UBND xã nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt hành chính một số xưởng gây ô nhiễm và yêu cầu các hộ ký cam kết bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, phương án để xử lý dứt điểm thì chính quyền xã vẫn còn lúng túng bởi hiện nay, khu cụm công nghiệp làng nghề của xã vẫn dừng lại ở mức quy hoạch, chưa thể di dời các hộ vào đây. Còn nếu mạnh tay thu hồi đất sản xuất thì lại vướng vào hợp đồng dài hạn mà các chủ cơ sở đã ký với Hợp tác xã Hữu Hòa trước kia.
Tiếp tục trao đổi vấn đề này với ông Trần Văn Chung trưởng Phòng TN&MT huyện Thanh Trì được biết: Khi dân kiến nghị cùng sự chỉ đạo của UBND thành phố, UBND huyện và các ban ngành của thành phố đã vào cuộc tiến hành kiểm tra, xử lý vi phạm và phạt hành chính đối với một số hộ sản xuất, thể hiện qua báo cáo số 1972/UBND-TNMT gửi UBND thành phố, trong đó hộ sản xuất của ông Nguyễn Khắc Hồng phải ngừng sản xuất do gây ô nhiễm nặng, bên cạnh đó các hộ còn lại phải làm bản cam kết BVMT, trường hợp còn tiếp tục gây ô nhiễm sẽ buộc phải ngừng sản xuất giống như hộ ông Hồng. Tuy vậy ông Chung cũng thừa nhận việc các chủ cơ sở còn lại vẫn hoạt động và xả khói gây ô nhiễm môi trường trong thời gian đầu tư xử lý nước thải, khói thải là không thể tránh khỏi.
Việc đưa các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư là vấn đề cần thời gian nhưng trước mắt các cơ quan chức năng cần quyết liệt trong việc buộc các chủ xưởng làm đề án và cam kết BVMT. Khi còn sản xuất mà chưa có các biệ pháp hữu hiệu để BVMT thì sự ô nhiễm sẽ ngày càng gia tăng.
Bài và ảnh: Huy An