UBND phường Mỹ Đình 2 bất lực trước công trình xây dựng trái phép?
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 27/10/2014
(TN&MT) - Biên bản xử lý vi phạm thì cứ lập, trong khi chủ đầu tư trốn tránh không chịu ra mặt nhưng công trình xây dựng trái phép vẫn ngang nhiên xây dựng.
(TN&MT) - Báo Tài nguyên và Môi trường nhận được nhiều thông tin phản ánh về tình trạng xây dựng trái phép, không phép tràn lan trên địa bàn Phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Đặc biệt là tại lô đất CC3, thuộc dự án Khu đô thị mới Mỹ Đình 2.
Công trình xây dựng trái phép được quây tôn ngay gần trụ sở UBND phường Mỹ Đình 2 - ảnh: Mạnh Hưng
Lô đất CC3 (nằm tại giao cắt giữa đường Lê Đức Thọ và Trần Hữu Dực) thuộc khu đô thị Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm có diện tích 8563m2 do Tổng Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) quản lý vốn dĩ được quy hoạch để xây dựng các công trình công cộng nhưng lại được chuyển nhượng cho các công ty sử dụng vào mục đích kinh doanh khác nhau.
Hành vi này đã bị UBND thành phố Hà Nội kiến nghị thu hồi vào năm 2012 vì sử dụng đất sai mục đích, tiếp đó đến cuối tháng 3-2014, TP lại tiếp tục có văn bản kiến nghị thu hồi. Tuy nhiên đến nay, phần lớn lô đất vẫn bị các đơn vị nhận chuyển nhượng của HUD sử dụng, không trả mặt bằng theo yêu cầu của TP. Không những thế, có đơn vị còn tiếp tục triển khai xây dựng trái phép, coi thường sự quản lý của các cơ quan chức năng. Một trong số đó là Công ty CP Đầu tư phát triển hạ tầng và TMTH (Cty TMTH).
Được biết, sau một thời gian cho đối tác thuê lại mặt bằng kinh doanh thì đến đầu tháng 10/2014, Cty TMTH bắt đầu quây tôn, tập kết nguyên vật liệu để tiến hành xây dựng công trình kiên cố nhưng không có giấy phép xây dựng. Trước đó vào năm 2003, Công ty TMTH ký hợp đồng kinh tế với HUD để mua 2000m2 đất tại vị trí đang xây dựng với giá 6 tỉ đồng.
Phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Lâm, Chủ tịch UBND phường Mỹ Đình 2 về công trình này, ông Lâm cho hay “Tôi được biết khu đất đó là đất công nhưng không hiểu vì sao tổng HUD lại chuyển nhượng được cho đơn vị khác rồi các doanh nghiệp lại làm biến tướng đi. Chúng tôi đã cho lập Biên bản vi phạm hành chính và yêu cầu ngừng thi công xây dựng công trình vi phạm (chủ đầu tư không có mặt để ký vào Biên bản). Tôi cũng giao cho công an phường phối hợp thực hiện và giám sát vì bên thanh tra xây dựng phường chỉ có hai đồng chí."
Mặc dù đã bị lập biên bản yêu cầu ngừng xây dựng nhưng chủ đầu tư vẫn tiếp tục
tập kết nguyên vật liệu để hoàn thiện công trình - ảnh Mạnh Hưng
Khi được hỏi “ông có biết chủ đầu tư vẫn đang tiếp tục xây dựng công hay không?” thì ông Lâm hứa sẽ cho người kiểm tra lại. Đồng thời khẳng định việc xử lý tiếp theo như thế nào thuộc thẩm quyền của UBND quận Nam Từ Liêm. Đồng thời ông Lâm từ chối cung cấp các văn bản xử lý sai phạm của chủ đầu tư với lí do phải xin ý kiến của quận theo đúng quy trình.
Có mặt tại hiện trường vào ngày 26/10, chúng tôi thấy công trình vẫn đang được công khai xây dựng còn chủ đầu tư biến mất một cách khó hiểu, hỏi những người có mặt tại công trình thì họ không biết ban lãnh đạo công ty đang ở đâu. Dư luận có quyền đặt câu hỏi “phải chăng có thế lực nào chống lưng cho chủ đầu tư ngang nhiên xây dựng trái phép như vậy hay chính quyền cấp cơ sở vì một lí do nào đó nên đã bị vô hiệu hóa?”.
Thiết nghĩ, để chấm dứt tình trạng Biên bản xử lý vi phạm thì cứ lập, trong khi chủ đầu tư trốn tránh không ra mặt nhưng công trình xây dựng trái phép vẫn ngang nhiên xây dựng thì rất cần sự vào cuộc quyết liệt của UBND quận Nam Từ Liêm cũng như Thanh tra xây dựng quận Nam Từ Liêm nhằm buộc chủ đầu tư phải tuân thủ các quy định của pháp luật trong lĩnh vực xây dựng cơ bản.
Ngày 19/8/2014, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng ký Công văn số 6175 nhằm tăng cường kiểm tra, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng đô thị. Công văn nêu rõ: “Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo Chủ tịch UBND các phường, xã, thị trấn kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm trật tự xây dựng theo quy định, thông báo đến lực lượng chức năng để kiểm tra xử lý và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã nếu để xảy ra vi phạm trật tự xây dựng mà không kịp thời kiểm tra, báo cáo đến cấp có thẩm quyền kiểm tra, giải quyết. Địa phương nào để xảy ra vi phạm mà không xử lý kịp thời, hoặc để các vụ vi phạm nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận, lãnh đạo địa phương đó và cán bộ thanh tra xây dựng theo dõi địa phương đó phải chịu trách nhiệm. Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã và Giám đốc Sở Xây dựng phải xem xét đề xuất xử lý trách nhiệm của cán bộ phụ trách địa bàn, lĩnh vực theo quy định.” |
Bài & ảnh: Mạnh Hưng