Khai man nhiều diện tích trồng mới cây cao su để nhận tiền hỗ trợ của nhà nước?

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 24/09/2014

(TN&MT) - Trong 3 năm xã Cát Vân trồng được 239,48 ha với tổng số tiền được hỗ trợ là 2,178 tỷ đồng; xã Tân Bình trồng được 89,2 ha....
(TN&MT) - Thời gian qua, Báo Tài nguyên & Môi trường liên tục nhận được đơn thư của người dân huyện Như Xuân (Thanh Hóa) phản ánh việc chính quyền một số xã đã “thông đồng” với người khai man nhiều diện tích trồng mới cây cao su để nhận tiền hỗ trợ của tỉnh với diện tích lên đến hàng trăm héc ta.
  
 Ngày 21/01/2011, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 269/QĐ-UBND về việc ban hành cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển cây cao su giai đoạn 2011-2015. Theo đó, đối tượng được thụ hưởng gồm các hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất có diện tích trồng mới từ 0,5 ha trở lên được hỗ trợ 9 triệu đồng/ha được chia thành 2 lần: Lần 1 sau khi trồng xong, giống đảm bảo chất lượng, đúng cơ cấu, kỹ thuật, tỷ lệ sống từ 90% trở lên được hỗ trợ 7 triệu đồng. Lần 2: cuối năm thứ 2 được hưởng 2 triệu đồng công chăm sóc còn lại. Bên cạnh đó, ngoài kinh phí của tỉnh hỗ của tỉnh thì từ năm 2013, UBND huyện Như Xuân hỗ trợ thêm mỗi héc- ta trồng mới là 500.000 đồng.
  
 Thực hiện Quyết định trên, UBND huyện Như Xuân đã phổ biến rộng rãi đến nhân dân trong huyện để trồng mới diện tích cây cao su. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiều hộ gia đình sau khi đã nhận cây giống và tiền hỗ trợ đã không thực hiện trồng mới hoặc thiếu chăm sóc để trâu, bò tàn phá.
  
  
Vườn cao su tại xã Cát Vân còi cọc vì không được chăm sóc
  
 Điển hình như hộ ông Lò Văn Tuyên, thôn Vân Bình (xã Cát Vân) đăng ký trồng năm 2011 là 2,02 ha, năm 2012 là 2,48ha, năm 2013 là 0,86 ha, với tổng diện tích là 5,36 ha. Nhưng thực tế vườn cao su của gia đình ông hiện chỉ còn 1,6 ha, thiếu 3,76 ha. Trong khi cây giống và tiền hỗ trợ ông đã nhận đủ. Hộ gia đình ông Lê Văn Cành, thôn Vân Bình ( xã Cát Vân) đăng ký trồng mới các năm 2011, 2012, 2013 là 5,525 ha và đã được Ban Chỉ đạo xã nghiệm thu cả 5,525 ha, trong khi thực tế vườn cao su của gia đình ông 2,25 ha, thiếu hơn 3ha
  
 Hay trường hợp hộ ông Phùng Văn Trường, thôn Tân Thành ( xã Tân Bình) có diện tích trồng 1 ha, nhưng thực tế khi nhận giống và tiền hỗ trợ xong ông không trồng cao su mà trồng cây khác, hộ ông Lê Hồng Phong tại thôn Mai Thắng ( xã Tân Bình) đăng ký trồng 2 ha, nhưng nay đã chết hết…
  
 Theo tìm hiểu của chúng tôi, trong 3 năm ( 2011, 2012 và 2013) xã Cát Vân trồng được 239,48 ha với tổng số tiền được hỗ trợ là 2,178 tỷ đồng. xã tân Bình trồng được 89,2 với tổng số tiền được hỗ trợ là 802,8 triệu đồng.
  
 Trước thực trạng trên, ngày 22/4/2014, UBND huyện Như Xuân đã thành lập Đoàn kiểm tra tại các xã Cát Vân, Tân Bình, Thanh Xuân. Qua kiểm tra cho thấy nhiều hộ gia đình ở các xã Cát Vân và Tân Bình sau khi nhận giống và tiền hỗ trợ xong đã không trồng mà đem cho hoặc bán đi, thiếu hụt nhiều diện tích như Ban Chỉ đạo các xã đã nghiệm thu.
  
 Tại Biên bản kiểm tra tại xã Cát Vân, diện tích trồng năm 2011 sau khi nghiệm thu thanh toán thì tỷ lệ cây chết khoảng 15% ( tương đương với 15 ha), năm 2012 chết khoảng 16% ( tương đương với 16 ha) và năm 2013 chết khoảng 5 ha. Như vậy, trong 3 năm xã Cát Vân thiếu khoảng 36 ha ( tương đương với số tiền Nhà nước hỗ trợ là 324 triệu đồng). Còn tại xã Tân Bình, qua kiểm tra sơ bộ qua 3 năm thực hiện dự án đã thiếu hụt 8,26 ha. Xã Thanh Xuân thiếu khoảng 7,8 ha.
  
 Lý giải về việc thiếu diện tích ông Nguyễn Duy Thiệu, Chủ tịch UBND xã Cát Vân cho rằng: Sở dĩ thiếu diện tích là vì cây giống năm trước chết thì năm sau người dân lại lấy cây giống đó trồng bù cho năm trước nên mới thiếu. Còn xã không có tiêu cực hay khai man gì để nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước???.
  
 Thực tế cho thấy, có mặt trên những vườn cao su của người dân huyện Như Xuân, chúng tôi tận mắt chứng kiến nhiều diện tích cây cao su mặc dù đã được trồng từ những năm 2011, nhưng cây cao su rất chậm lớn, còi cọc, nhiều diện tích cỏ lau, cỏ lác mọc um tùm còn vươn cao hơn cả cây cao su. Trong khi qua kiểm tra sơ bộ của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện chỉ với một số gia đình, nhưng đã phát hiện hàng chục héc-ta khai man. Vậy nếu kiểm tra thì con số sẽ lên bao nhiêu?.
  
 Theo Báo cáo của Phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn một số xã thiếu diện tích là do thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng công tác quản lý của Ban chỉ đạo từ thôn đến xã, thiếu giám sát, thiếu kiểm tra trong nghiệm thu và chi trả hỗ trợ từ từ chính sách. Báo cáo cũng đề nghị Đảng ủy kiểm điểm làm rõ trách nhiệm của từng thành viên Ban chỉ đạo có diện tích thiếu; thu hồi lại kinh phí đã chi trả. Yêu cầu Ban chỉ đạo xã Cát Vân lập danh sách cụ thể những hộ trồng mới các năm 2012 và 2013 để UBND huyện ra Quyết định thu hồi kinh phí chậm nhất vào ngày 30/6/2014. Nhưng theo ông Phạm Văn Tuấn, Quyền Trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Như Xuân thì đến nay xã vẫn chưa thực hiện.
  
 Thiết nghĩ, việc Nhà nước có chính sách hỗ trợ bà con các dân tộc thiểu số huyện Như Xuân theo chương trình 30a để nhằm phát triển kinh tế- xã hội là rất cần thiết. Nhưng một số cá nhân đã lợi dụng vào chính sách của Nhà nước hòng trục lợi cá nhân. Rất mong UBND tỉnh Thanh Hóa điều tra làm rõ những khuất trên, xử lý nghiêm minh những tập thể, cá nhân lợi dụng chính sách của Đảng và Nhà nước hòng trục lợi riêng để đồng vốn hỗ trợ của Nhà nước đến được tay người dân.
  
Bài & ảnh: Nguyễn Dũng- Thanh Tâm