Hà Nội: Nỗi lo “hà bá”... nuốt chửng đê sông Bùi
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 19/06/2014
(TN&MT) – Từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân sống tại ven đê sông Bùi luôn phải sống trong cảnh lo sợ mất đất, mất nhà mỗi khi lũ rừng Ngang tràn về.
(TN&MT) – Từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân sống tại ven đê sông Bùi luôn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ mất đất, mất nhà mỗi khi lũ rừng Ngang tràn về. Thế nhưng cho đến nay, việc cải tạo, gia cố bờ đê khu vực tả sông Bùi tại xã Hòa Chính (Chương Mỹ) vẫn còn bỏ ngỏ.
Sông Bùi hay còn gọi là Sông Tích có dòng chảy đổ ra Sông Đáy. Sông có chiều dài 91 km và diện tích lưu vực là 1.249 km². Sông Bùi chảy qua địa phận của Hà Nội và Hoà Bình. Trên địa bàn Hà Nội, đây là tuyến sông phải chịu áp lực lớn mỗi khi mùa mưa lũ đến. Trong quá khứ, những trận lũ từ rừng Ngang đổ về đã cuốn trôi nhiều đất đai, hoa màu của người dân, khiến các công trình xây dựng bị hư hỏng, thậm chí bị xóa sổ. Đáng ngại hơn nữa, kể từ sau cơn bão số 5, số 6 năm 2013 tình trạng sạt lở diễn ra càng nhanh chóng và rõ rệt.
Ngay tại khu vực thôn Lưu Xá, xã Hòa Chính (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) tình trạng sạt lở đã ăn sâu vào gần sát những công trình ven sông. Mặc dù đoạn đê chỉ dài hơn 1km nhưng có tới hàng chục vết nứt, hàm ếch ăn sâu vào thân đê, những công trình nằm chênh vênh sát mép nước, thậm chí có những vết nứt cắt đôi cả căn nhà.
Những điểm sạt trượt sát vào nhà dân tại xã Hòa Chính
Nói về vấn đề sạt lở đất ở địa phương, ông Nguyễn Văn Nhất – Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Chính cho biết: Trên địa bàn xã có 4 km đê sông Đáy và 01 km đê sông Bùi đi qua. 2 năm trở lại đây, tại đoạn đê sông Bùi xảy ra hiện tượng sạt lở nghiêm trọng, thậm chí sát vào nhà dân gây tâm lý hoang mang cho người dân sống trong khu vực.
Xót xa nhìn đoạn đê bị “hà bá” gặm nham nhở, ông Trần Tuấn Chờ - người dân xã Hòa Chính cho biết: “Bãi đất ngày xưa rộng gấp đôi, gấp ba bây giờ. Cứ mỗi năm nước lại xối vào “ăn’ mất gần một mét đất, càng về sau càng bị ăn vào nhiều hơn”.
Được biết, đoạn đê sông Bùi trên địa bàn xã Hòa Chính nằm trọn trong thôn Lưu Xá. Khu vực ven sông có tổng cộng 73 hộ dân, 01 đình, 01 chùa và 01 nhà thờ với tổng số gần 200 nhân khẩu. Tuy nhiên, kể từ khi hiện tượng sạt lở dữ dội, đã có tới hơn 25 hộ di cư khỏi nhà, các hộ ở lại đa phần là thanh niên được giao nhiệm vụ giữ nhà.
Hiện tượng sạt lở ở thôn Lưu Xá đã diễn ra từ năm 2006 với cường độ nhỏ. Tuy nhiên, từ khoảng thángg 9/2011, khi phía xã Phúc Lâm (Mỹ Đức) cho kè đoạn đê phía đối diện thì hiện tượng sạt lở diễn ra nhanh hơn trước rất nhiều. Hiện tượng sạt trượt đất còn do đê không có chân, cũng có thể do hiện tượng mạch sủi thẩm thấu qua thân đê. Điều này ẩn chứa hiểm họa tới tính mạng và tài sản của người dân sống ven sông bất cứ khi nào – ông Nguyễn Văn Nhất, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Chính cho biết.
Vật liệu xây dựng và tàn tích của những căn nhà sụt được người dân tận dụng để kè đê
Đoạn đê được nhân dân tự đổ đá kè đê nhưng vẫn không ngăn được sạt lở
Qua tìm hiểu được biết, các hộ dân ở ven sông đã từng chung tiền mua vật liệu để kè phần rìa đê và đổ đá chân đê. Tuy nhiên do kinh phí có hạn, việc gia cố tự phát do người dân tiến hành cũng không thể cầm cự trước mỗi đợt con nước về. Không ngày nào cư dân nơi đây không mong ngóng Nhà nước quan tâm hỗ trợ gia cố, bảo trì lại thân đê, để người dân có thể an tâm sinh sống và làm ăn. Không biết tới khi nào ước nguyện “Được ngủ trong căn nhà của mình không phải nơm nớp lo sợ bị Hà Bá cướp đi tính mạng và tài sản” của hàng trăm người dân nơi đây mới trở thành sự thực?
Dương Minh