Vụ án tại Chi nhánh Ngân hàng VDB Bắc Giang và VP Bank Bắc Giang: Vì sao VDB Bắc Giang "bỏ của chạy lấy người"?

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 00:00, 22/04/2014

(TN&MT) - Một ngân hàng đứng ra bảo lãnh cho một công ty đang bên bờ vực phá sản vay tiền tỷ của một ngân hàng khác, sau đó bèn phủi sạch mọi trách nhiệm.
(TN&MT) - Sau khi được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bắc Giang cho tại ngoại, đồng thời áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú, bị can Thân Văn Hưng (Giám đốc Cty Hưng Sơn) tiếp tục làm đơn khiếu nại gửi đi khắp nơi tố cáo cơ quan chức năng làm rõ hành vi vi phạm pháp luật của một số cán bộ ngân hàng và những người có liên quan. Thực tế, hồ sơ vụ việc và bản kết luận điều tra vụ án cũng cho thấy nhiều điểm bất thường trong quy trình 2 ngân hàng VPBank Bắc Giang và ngân hàng VDB Bắc Giang cho công ty Hưng Sơn vay 6,5 tỷ đồng để kinh doanh.
  
Ngân hàng quản lý lỏng lẻo hay người vay quá tài?.
  
 Trước đây, Cty Hưng Sơn cũng đã hai lần dùng chứng thư bảo lãnh của ngân hàng VDB Bắc Giang để vay vốn kinh doanh từ ngân hàng VP Bank Bắc Giang. Một lần vào tháng 6/2010, vay 2,5 tỉ, lần tiếp theo vào tháng 9/2010, vay 5,5 tỉ, tất cả đều được Cty Hưng Sơn trả cả gốc lẫn lãi đầy đủ. Có lẽ vì vậy việc thẩm định hồ sơ Cty Hưng Sơn để ngân hàng VDB Bắc Giang tiếp tục ban hành chứng thư bảo lãnh lần 3 (tháng 12/2010) cho công ty này vay tiền từ VP Bank Bắc Giang diễn ra rất nhanh chóng. Người được giao trực tiếp nhiệm vụ thẩm định hồ sơ đề nghị bảo lãnh Cty Hưng Sơn là Hoàng Anh Tuấn, bị can trong vụ án (nguyên phó trưởng phòng bảo lãnh, uỷ thác, hỗ trợ sau đầu tư thuộc chi nhánh ngân hàng phát triển Bắc Giang).
  
 Ngày 24/11/2010, Tuấn đã thẩm định hồ sơ và thẩm định trực tiếp tại Cty Hưng Sơn. Ngày 25/11/2010, tại Văn phòng Cty Hưng Sơn, HĐQT gồm 4 thành viên là: Nguyễn Trường Sơn, Thân Văn Hưng, Nguyễn Thị Hà, Nguyễn Mạnh Hùng đã có cuộc họp hội về việc vay vốn ngân hàng. Các thành viên trong HĐQT đã thống nhất: đồng ý vay VP Bank Bắc Giang 6,5 tỷ đồng để phục vụ mục đích bổ sung vốn của công ty theo phương án kinh doanh. Ủy quyền toàn bộ cho Thân Văn Hưng, Giám đốc công ty ký kết các hợp đồng và giấy tờ khác liên quan đến vấn đề vay vốn tại VP Bank Bắc Giang. Tài sản đảm bảo khoản vay nói trên là Chứng thư bảo lãnh của ngân hàng phát triển Việt Nam, chi nhánh Bắc Ninh - Bắc Giang (nay là VDB Bắc Giang).
  
  
Trụ sở chi nhánh ngân hàng VDB Bắc Giang
  
 Như vậy có thể thấy, trước khi ngân hàng VDB Bắc Giang ban hành chứng thư bảo lãnh thì HĐQT Cty Hưng Sơn đã nhóm họp và tin chắc sẽ được ngân hàng đồng ý bảo lãnh nên mới uỷ quyền cho Thân Văn Hưng đứng ra ký kết các hợp đồng liên quan tới việc vay vốn bằng sự bảo lãnh của VDB Bắc Giang.  Trong khi tại thời điểm đó, Cty này đã mất khả năng cân đối về tài chính, tài sản để thanh toán các khoản nợ vay đến hạn (hơn 14 tỉ đồng) của các tổ chức tín dụng và vay ngoài xã hội là không có. Điều gì đã tạo nên sự tin tưởng chắc chắn như vậy?.
  
 Ngày 26/11/2010, Hoàng Anh Tuấn có báo cáo thẩm định về Cty Hưng Sơn trình cấp trên là bà Nguyễn Thị Tâm (trưởng phòng bảo lãnh, uỷ thác, hỗ trợ sau đầu tư) duyệt, sau đó bà Tâm đề xuất lên cho ông Trần Văn Xoan - Phó Giám đốc và ông Ngô Đức Hà - Giám đốc ngân hàng VDB Bắc Giang phê duyệt, chấp thuận bảo lãnh cho Cty Hưng Sơn vay 6,5 tỉ của ngân hàng VP Bank Bắc Giang bằng thông báo số 1080/NHPTKV.BNI.BG.
  
 Ngày 8/12/2010, ngân hàng VP Bank Bắc Giang đã ký hợp đồng tín dụng số: LD1034200086 (và ngày 9/12/2010 ký phụ lục hợp đồng bổ sung số: LD1034200086/PLBS ) với Cty Hưng Sơn để công ty này kinh doanh hàng tiêu dùng (nước mắm Nam Ngư) theo phương án kinh doanh đã được ngân hàng VDB Bắc Giang thẩm định, bảo lãnh bằng chứng thư bảo lãnh số 10/2010/NHPT.227-BL.PA. Chứng thư này (được giao cho ngân hàng VP Bank Bắc Giang quản lý) chính là tài sản đảm bảo khoản vay để nếu Cty Hưng Sơn không thể trả được nợ cho ngân hàng VP Bank Bắc Giang thì ngân hàng VDB Bắc Giang có trách nhiệm trả món vay này hộ Cty Hưng Sơn.
  
  
Trụ sở chi nhánh ngân hàng VP Bank Bắc Giang
  
 Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Xuân Thái, Giám đốc VPBank Bắc Giang cũng khẳng định : Chúng tôi cho Cty Hưng Sơn vay vốn vì có thư bảo lãnh của ngân hàng VDB Bắc Giang. Hợp đồng tín dụng và phụ lục hợp đồng được ký giữa VPBank Bắc Giang và Cty Hưng Sơn phù hợp với các nội dung trong thông báo chấp thuận bảo lãnh của VDB Bắc Giang. Nếu không có sự bảo lãnh của ngân hàng VDB Bắc giang thì không bao giờ chúng tôi cho Cty Hưng Sơn vay vốn tại thời điểm đó.
  
 Vậy làm thế nào để một doanh nghiệp đã mất khả năng cân đối tài chính lại có thể qua mặt cả hai ngân hàng một cách dễ dàng như vậy?. Có phải do quy trình thẩm định, kiểm tra hồ sơ khách hàng của hai ngân hàng này có vấn đề?. Hay tại khách hàng quá giỏi trong việc "múa rìu qua mắt thợ" (là những chuyên viên được đào tạo bài bản của cả hai ngân hàng) với những con số thống kê không có thật để vay được hàng tỉ đồng dễ như thế?.
  
 Sau này, chính ngân hàng VDB Bắc Giang đã “thừa nhận” trong thông báo ngày 8/3/2011 rằng: khi kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn và mục đích sử dụng vốn vay, VDB Bắc Giang phát hiện hàng hóa hình thành từ vốn vay không phù hợp với cơ cấu hàng hóa trong phương án sản xuất kinh doanh mà VDB Bắc Giang bảo lãnh. Do đó, phương án vay vốn mà ngân hàng VP Bank giải ngân không thuộc phạm vi bảo lãnh của chứng thư bảo lãnh mà VDB Bắc Giang đã phát hành.
  
Ban giám đốc ngân hàng VDB Bắc Giang liệu có vô can?
  
 Sau khi ngân hàng VP Bank giải ngân vốn vay cho Cty Hưng Sơn, ngân hàng VDB Bắc Giang đã cử nhân viên Hoàng Anh Tuấn đi kiểm tra, giám sát việc tài sản hình thành từ vốn vay tại Cty Hưng Sơn. Tại lần kiểm tra thứ 4 (ngày 7/3/2011), Hoàng Anh Tuấn mới phát hiện số lượng, chủng loại hàng hóa mà Cty Hưng Sơn mua của Công ty CP Masan không đúng với phương án kinh doanh đã được phê duyệt, chấp thuận bảo lãnh. Ngay lập tức, ngày 8/3/2011, ngân hàng VDB Bắc Giang ban hành văn bản số 189/NHPTKV.BN.BG.BL gửi ngân hàng VP Bank Bắc Giang thông báo "huỷ bỏ chứng thư bảo lãnh đối với món vay 6,5 tỉ đồng của Cty Hưng Sơn".
  
 Bức xúc trước hành vi "đem con bỏ chợ" của ngân hàng VDB Bắc Giang, ông Hoàng Xuân Thái, Giám đốc VP Bank Bắc Giang cho biết: "Khi anh đã phát hành chứng thư bảo lãnh cho một cá nhân hay tổ chức nào đấy thì anh phải có trách nhiệm với nó. Nếu cá nhân hay tổ chức được anh bảo lãnh bị mất khả năng trả nợ thì anh phải trả thay. Sau đó anh đòi nợ họ lại là câu chuyện khác, không liên quan tới bên cho vay dưới sự bảo lãnh của anh".
  
  
Nhà xưởng Công ty Cổ phần Hưng Sơn khi chưa bị dừng hoạt động
  
 Liên tiếp các ngày sau đó, ngân hàng VP Bank Bắc Giang đã ban hành các công văn yêu cầu ngân hàng VDB Bắc Giang thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh đối với khoản vay 6,5 tỉ của Cty Hưng Sơn. Lí do là bởi ngân hàng VP Bank Bắc Giang đã thực hiện đúng các điều khoản cam kết trong hợp đồng tín dụng ký với Cty Hưng Sơn dựa trên phương án kinh doanh đã được VDB Bắc Giang phê duyệt thì không có lí do gì ngân hàng VDB Bắc Giang lại tự ý đẩy trách nhiệm trả nợ sang Cty Hưng Sơn như vậy.
  
 Thế nhưng một lần nữa, ngân hàng VDB Bắc Giang lại tiếp tục gửi Văn bản số 537/NHPTKV.BN.BG.BL, ngày 17/5/2011 cho ngân hàng VP Bank Bắc Giang về việc từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh cho Cty Hưng Sơn (thời điểm này Cty Hưng Sơn không còn khả năng trả nợ ngân hàng). Cực chẳng đã, ngày 25/4/2011 ngân hàng VPBank Bắc Giang đã đề nghị cơ quan công an khởi tố, truy cứu trách nhiệm của ông Thân Văn Hưng - Giám đốc và ông Nguyễn Trường Sơn - Chủ tịch HĐQT của Cty Hưng Sơn. Đồng thời khởi kiện ngân hàng VDB Bắc Giang ra tòa để phân định đúng sai.
  
 Về phía Cty Hưng Sơn, vì là công ty cổ phần, mọi hoạt động đều được thông qua HĐQT và phải có sự nhất trí của các thành viên HĐQT mới được triển khai. Như vậy có thể thấy không phải một mình Thân Văn Hưng vẽ ra được phương án kinh doanh, “qua mặt” cả 2 ngân hàng, đồng thời là người chi tiêu toàn bộ số tiền vốn vay ngân hàng vào mục đích khác mà chỉ là người ký giấy tờ, hồ sơ với đúng vị trí của mình là người đại diện theo pháp luật của công ty. Thêm vào đó, các thành viên HĐQT không thể vô can khi đồng ý (bằng văn bản) ủy quyền cho Thân Văn Hưng ký kết các hợp đồng và hồ sơ vay vốn ngân hàng.
  
 Chính vì vậy nên ngày 13/10/2011, Thân Văn Hưng đã gửi đơn tố cáo lên VKSND tỉnh Bắc Giang, tố cáo hai thành viên của HĐQT là Nguyễn Trường Sơn và Nguyễn Mạnh Hùng đã có nhiều sai phạm gây thiệt hại cho công ty Hưng Sơn 39 tỷ đồng, dẫn tới việc công ty không có tiền trả ngân hàng. Đơn này đã được VKSND tỉnh Bắc Giang chuyển đến Cơ quan CSĐT CA Tỉnh Bắc Giang để giải quyết bằng giấy báo tin số 82/VKS – P1, ngày 18/10/2011.
  
 Thế nhưng, cơ quan CSĐT CA tỉnh Bắc Giang đã không trả lời đơn thư tố cáo của Thân Văn Hưng mà ra Quyết định khởi tố vị Giám đốc này vào ngày 19/12/2011, còn ông Nguyễn Trường Sơn- Chủ tịch HĐQT mặc dù VPBank có đề nghị xem xét khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự song cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Bắc Giang vẫn chưa xem xét.
  
 Một ngân hàng đứng ra bảo lãnh cho một công ty đang bên bờ vực phá sản vay tiền tỷ của một ngân hàng khác, sau khi thấy công ty này không có khả năng thanh toán nợ cho bên cho vay bèn đơn phương "từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh", phủi tay khỏi mọi trách nhiệm. Ngân hàng Nhà nước nghĩ sao trước hoạt động lỏng lẻo tới kỳ lạ của các ngân hàng này?.
  
 Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin sự việc.
  
  
 Bài & ảnh: Mạnh Hưng