Phản hồi bài “Nghệ An: Cần thu hồi các mỏ khoáng sản “treo””: Mỏ để hoang, kiến nghị thu hồi là hoàn toàn chính xác, khách quan

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 19:51, 01/07/2019

(TN&MT) – Vừa qua, Báo TN&MT nhận được văn bản số 54/CV-ĐQ, ngày 19/6/2019 của Công ty CP Đá quý và Vàng Hà Nội đề nghị đăng cải chính đối với nội dung bài viết được Báo TN&MT đăng tải ngày 27/02/2019. Sau khi nghiên cứu nội dung văn bản trên và qua những tư liệu chúng tôi đã thu thập được thì yêu cầu của Công ty CP Đá quý và Vàng Hà Nội là không có cơ sở. Kiến nghị xem xét thu hồi “mỏ treo” mà Báo TN&MT đã đăng tải trong bài viết trước đó là hoàn toàn có cơ sở, chính xác và đúng sự thật.

Mỏ hoang, lãng phí lớn

Mỏ ruby – saphir Đồi Tỷ - Khe Mét, xã Châu Bình (huyện Quỳ Châu) được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác theo Quyết định số 1812/GP-BTNMT, ngày  27/9/2010, đợn vị được cấp giấy phép là Công ty CP Đá quý và Vàng Hà Nội. Diện tích đơn vị trên được cấp phép khai thác đá ruby – saphir tại xã Châu Bình là 4,72ha. Thời hạn cấp phép 5 năm 7 tháng kể từ ngày ký Giấy phép, trong đó thời gian xây dựng cơ bản mỏ là 01 năm.

Cổng vào khu mỏ luôn được đóng kín
Cổng vào khu mỏ luôn được đóng kín


Ngày 27/02/2019, Báo TN&MT có bài “Nghệ An: Cần thu hồi các mỏ khoáng sản “treo”” phản ánh về tình trạng mỏ ruby – saphir Đồi Tỷ - Khe Mét, xã Châu Bình hiện nay vẫn là bãi đất hoang, cỏ cây mọc um tùm, những hầm hố, ao nước sâu hoắm do quá trình khai thác thổ phỉ từ những năm 90 của thế kỷ trước để lại rất nguy hiểm cho người dân và gia súc vào khu vực nói trên. Công ty được cấp phép khai thác đã không hề có hoạt động khai thác tại thực địa từ khi được cấp phép cho đến khi giấy phép hết hạn và đến nay vẫn chỉ là khu đất hoang, không hề có bất kỳ dấu hiệu nào của hoạt động khai thác khoáng sản.

​ Cổng vào khu mỏ luôn được đóng kín ​
Cổng vào khu mỏ luôn được đóng kín


Sau khi báo đăng tải, ngày 19/6/2019, Công ty CP Đá quý và Vàng Hà Nội đã có Văn bản đề nghị đăng cải chính đối với nội dung bài viết được Báo TN&MT đăng tải ngày 27/02/2019. Theo đó, nội dung văn bản này cho rằng báo phản ánh không đúng sự thật, trích dẫn không chính xác…

Về nội dung văn bản trên của Công ty CP Đá quý và Vàng Hà Nội, chúng tôi phản hồi lại như sau:

Việc Công ty CP Đá quý và Vàng Hà Nội phản hồi Báo TN&MT và khẳng định rằng, đơn vị trực thuộc Công ty này là Xí nghiệp Đá quý và Khoáng sản Nghệ An có Ban Giám đốc, các phòng ban, phân xưởng sản xuất và bảo vệ hoạt động bình thường hàng ngày để phản bác nội dung phản ánh của Báo TN&MT là đơn vị này chỉ thuê người bảo vệ và mỏ để hoang là không chính xác. Bởi vì, theo ghi nhận của phóng viên vào thời điểm viết bài (tháng 2 năm 2019) cũng như mới nhất là vào ngày 24 tháng 6 năm 2019. Theo đó, theo ghi nhận của phóng viên vào lúc 14 giờ 24 tháng 6 năm 2019 thì cửa lớn đi vào khu vực mỏ bị khóa kín, cửa nhỏ cũng đóng lại nhưng không khóa; phía trong khuôn viên có vài dãy nhà được cho là phòng làm việc của Xí nghiệp này nhưng thời điểm Phóng viên có mặt cũng không hề có một bóng người, chỉ có vài con gà đang tìm thức ăn trong khuôn viên bãi cỏ trống. Trong khuôn viên được cho là phần diện tích cấp mỏ cho đơn vị này là những ao lớn sâu hoắm, ven bờ cỏ cây mọc um tùm; xung quanh là rừng keo xanh bạt ngàn của người dân bản địa.

Phòng bảo vệ hoang lạnh
Phòng bảo vệ hoang lạnh, không có người trông coi


Cũng tại văn bản mà Công ty CP Đá quý và Vàng Hà Nội gửi Báo TN&MT có nhấn mạnh rằng, Xí nghiệp Đá quý và Khoáng sản Nghệ An (trước đây là Công ty Đá quý và Vàng Nghệ An sáp nhập vào Công ty Đá quý và Vàng Hà Nội (nay là Công ty Cổ phần Đá quý và Vàng Hà Nội), năm 2003 theo Quyết định 44/QĐ-BCN của Bộ Công nghiệp)) là đơn vị trực thuộc Công ty CP Đá quý và Vàng Hà Nội, có Ban Giám đốc, các phòng ban, phân xưởng sản xuất và tổ bảo vệ hoạt động bình thường, hàng ngày. Hàng năm Công ty phải chi cho hoạt động của Xí nghiệp số tiền gần 800 triệu đồng, bao gồm các khoản lương, thưởng, lễ tết, Bảo hiểm các loại… theo chế độ, hành chính phí và các chi phí khác…
 

Khu nhà văn phòng làm việc nằm lấp ló sau những lùm cây, không một bóng người
Khu nhà văn phòng làm việc nằm lấp ló sau những lùm cây, không một bóng người


Như vậy, có thể khẳng định rằng, việc một Công ty – Xí nghiệp được lập ra để tiến hành khai thác mỏ Ruby – Saphir tại khu vực Đồi Tỷ - Khe Mét, xã Châu Bình, huyện Quỳ Châu nhưng thực tế không diễn ra hoạt động sản xuất, khai thác, tạo ra sản phẩm và lợi nhuận cho Công ty. Hơn nữa, Công ty CP Đá quý và Vàng Hà Nội lại có cổ đông Nhà nước là Tổng Công ty Khoáng sản – VINACOMIN trực thuộc Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam sở hữu đến 48,31% cổ phần thì việc Xí nghiệp này hàng năm “ngốn” tới gần 800 triệu đồng các khoản lương, thưởng, lễ tết, Bảo hiểm các loại…đã kéo dài hàng chục năm trời thì dư luận có thể dễ dàng tính được sự lãng phí tiền bạc của Nhà nước là lớn như thế nào? Mặt khác, những “ban bệ” này trong ngần ấy thời gian công việc của họ là gì khi mà mỏ Ruby – Saphir tại khu vực Đồi Tỷ - Khe Mét không hề hoạt động hay chỉ “ngồi chơi xơi nước” để lĩnh tất cả các khoản lương, thưởng, bảo hiểm…như đơn vị đã liệt kê là mỗi năm gần 800 triệu đồng? Đó là chưa kể đến các nghĩa vụ khác mà đơn vị này phải bỏ ra khi tiến hành xin cấp mỏ khoáng sản nói trên như thuế tài nguyên, ký quỹ cải tạo phục hồi môi trường, tư vấn lập báo cáo đánh giá tác động môi trường và rất nhiều loại chi phí khác.

Dấu hiệu vi phạm Luật khoáng sản

Về nội dung Công ty CP Đá quý và Vàng Hà Nội cho rằng, có thể Phóng viên trích dẫn không đúng hoặc hiểu sai ý của ông Lô Thanh Sơn - Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳ Châu. Phía Công ty cho rằng, từ năm 2012 Công ty đã tiến hành xây dựng mới và cải tạo khu văn phòng làm việc của đơn vị và đến ngày 28 tháng 7 năm 2015 Công ty lại tiếp tục tiến hành xây dựng cơ bản mỏ và đã có thông báo thời gian xây dựng cơ bản mỏ gửi UBND xã Châu Bình, UBND huyện Quỳ Châu, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Quỳ Châu, UBND tỉnh Nghệ An, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Nghệ An và Bộ Tài nguyên và Môi trường theo đúng quy định. Đồng thời, từ tháng 9 năm 2015 Công ty đã tiến hành làm đường mở vỉa và tạo diện khai thác đầu tiên khai trường 1 của mỏ (phía Đồi Tỷ) và đến cuối tháng 11 năm 2015 thì hoàn thành nên ông Lô Thanh Sơn là Trưởng phòng Tài nguyên Môi trường huyện Quỳ Châu chắc chắn phải nắm được về vấn đề này?
 

Một hố lớn sâu hoắm, xung quanh là cây keo xanh bạt ngàn
Một hố lớn sâu hoắm, xung quanh là cây keo xanh bạt ngàn


Về nội dung trên, chúng tôi cho rằng: Theo quy định của pháp luật, xây dựng cơ bản mỏ là các công việc được xác định trong dự án đầu tư, thiết kế mỏ, gồm: Xây dựng các công trình (nhà cửa, kho tàng, bến bãi...) phục vụ khai thác; xây dựng đường vận chuyển để kết nối vị trí khai thác với hệ thống giao thông khu vực lân cận; tạo mặt bằng đầu tiên để khai thác khoáng sản. Chiếu theo nội dung trên thì trên thực tế Công ty CP Đá quý và Vàng Hà Nội mới chỉ xây dựng một số công trình là các phòng làm việc, còn những vấn đề khác vẫn chưa triển khai.

Theo Điều 58, Luật khoáng sản 2010 quy định về Thu hồi, chấm dứt hiệu lực Giấy phép khai thác khoáng sản với nhiều trường hợp. Trong đó, quy định sau 12 tháng, kể từ ngày giấy phép có hiệu lực (đối với mỏ nói trên là hết ngày 27/9/2011), tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản chưa xây dựng cơ bản mỏ, trừ trường hợp bất khả kháng và sau 12 tháng, kể từ ngày dự kiến bắt đầu khai thác, tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản chưa tiến hành khai thác, trừ trường hợp bất khả kháng. Như vậy, nếu chiếu theo quy định trên, đáng lẽ mỏ Đồi Tỷ - Khe Mét mà cơ quan chức năng đã cấp cho Công ty CP Đá quý và Vàng Hà Nội đáng lẽ đã phải bị cơ quan chức năng xem xét thu hồi…

Keo người dân bản địa bao phủ một màu xanh quanh khu vực Đồi Tỷ - Khe Mét
Keo người dân bản địa bao phủ một màu xanh quanh khu vực Đồi Tỷ - Khe Mét


Liên quan đến nội dung trên, chiều ngày 24/6/2019, trao đổi với phóng viên, ông Lô Thanh Sơn – Trưởng phòng TN&MT huyện Quỳ Châu một lần nữa khẳng định: Công ty CP Đá quý và Vàng Hà Nội chỉ gửi thông báo thời gian xây dựng cơ bản mỏ vào khoảng tháng 7, tháng 8 năm 2015 nhưng tuyệt nhiên không thấy đơn vị này tiến hành làm thực tế tại hiện trường. Mặt khác, đơn vị này cũng chưa hề tiến hành khai thác mỏ.

Ông Lê Văn Toan - Phó chủ tịch UBND xã Châu Bình cũng khẳng định: “Từ khi được cấp giấy phép khai thác cho đến nay chưa thấy họ vào khai thác. Hiện nay, công nhân cũng không có nữa mà còn 2 bảo vệ tại khu vực mỏ thôi”.

Như vậy là đã rõ, việc mỏ ruby – saphir Đồi Tỷ - Khe Mét, xã Châu Bình (huyện Quỳ Châu) được cấp giấy phép cho Công ty CP Đá quý và Vàng Hà Nội nhưng đơn vị này chủ yếu chỉ hoạt động “trên giấy”, thuộc diện “mỏ treo” là hoàn toàn chính xác; việc bài viết của Báo TN&MT kiến nghị cơ quan chức năng xem xét thu hồi mỏ hoặc không cấp mới cũng hoàn toàn chính xác, khách quan và có cơ sở./.