Vụ dân đóng cọc tre chống “cát tặc” ở Thừa Thiên Huế: Xử phạt doanh nghiệp 1,6 tỷ đồng và tước giấy phép
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 14:07, 25/05/2019
Liên quan đến việc “Dân đóng cọc tre trên sông ngăn chặn cát tặc ở Thừa Thiên Huế” mà Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường đang phản ánh, thông tin với PV, ông Nguyễn Đình Bách - Phó Chánh văn phòng UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, tỉnh vừa ban hành quyết định số 1247/QĐ-UBND ngày 24/5/2019 xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Tuấn Hải.
Theo đó, Công ty Tuấn Hải bị xử phạt về khai thác hành vi khai thác khoáng sản (cát, sỏi lòng sông) vượt quá phạm vi ranh giới độ sâu được phép khai thác độ sâu từ 5m trở lên tại mỏ khoáng sản khu vực Khe Băng thuộc phường Hương Vân (thị xã Hương Trà) và xã Phong Sơn (huyện Phong Điền) theo quy định tại Điều 36, khoản 6, điểm C của Nghị định số 33/2017/NĐ-CP ngày 3/4/2017 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản. Tổng số tiền Công ty Tuấn Hải bị phạt là 1,6 tỷ đồng.
Ngoài phạt tiền, Công ty Tuấn Hải còn chịu hình phạt bổ sung bằng hình thức tước quyền sử dụng giấy phép khai thác khoáng sản của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cấp cho công ty này.
Mặt khác, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế còn buộc Công ty Tuấn Hải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả san lấp, cải tạo, phục hồi môi trường theo phương án cải tạo phục hồi môi trường đã được Sở TN&MT tỉnh phê duyệt.
Tìm hiểu thêm thì Công ty Tuấn Hải phải ký quỹ phục hồi môi trường cho Nhà nước với tổng số tiền 578.493.000 đồng cho mỏ được cấp phép. Tuy nhiên, số tiền còn lại mà doanh nghiệp này phải đóng trong năm 2019 là trên 47 triệu đồng.
Theo ông Hồ Đắc Trường - Phó Giám đốc Sở TN&MT Thừa Thiên Huế, nếu số tiền ký quỹ không đủ để khắc phục môi trường, sau khi đóng mỏ thì Sở sẽ có biện pháp buộc Công ty Tuấn Hải phải có trách nhiệm khắc phục theo quy định pháp luật.
“Sau khi UBND tỉnh ra quyết định xử phạt Công ty Tuấn Hải, trong thời gian tới Sở sẽ tiếp tục đấu tranh với với công ty này về những điểm khai thác bên ngoài khu vực mỏ được cấp phép...”- ông Trường cho hay.
Hiện theo ghi nhận của PV, “trận địa” cọc tre được người dân đóng trên sông Bồ vẫn còn, trong khi đó cơ quan chức năng vẫn chưa có phương án cảnh báo cho tàu thuyền khi đi qua nơi này.
Liên quan đến sự việc, ông Nguyễn Xuân Ty - Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà cho hay: “Sai phạm của doanh nghiệp đã rõ ràng. Chúng tôi cũng thừa nhận trách nhiệm của địa phương trong việc quản lý nhà nước về tài nguyên. Có hay không có doanh nghiệp tồn tại trên địa bàn cũng không sao. Thị xã sẽ cố gắng tổ chức họp dân, mong họ bình tĩnh và vận động tháo dỡ những cọc tre đã đóng xuống sông Bồ vì dù sao hành động như vậy là sai pháp luật...”.
Như đã phản ánh, hơn nữa tháng nay người dân ở tổ dân phố Lại Bằng (phường Hương Vân, thị xã Hương Trà) đã đóng cọc tre rào kín như “trận địa” trên sông Bồ để ngăn chặn tàu thuyền khai thác cát, sỏi bừa bãi và trái phép rầm rộ.
Ghi nhận của PV, một dãy cọc tre khoảng 50 cọc được người dân đóng từ bờ ra giữa sông Bồ đoạn qua tổ dân phố Lại Bằng 2. Dãy cọc này được chôn theo hướng hình vòng cung, nhô lên khỏi mặt nước chừng hơn 0,5 mét và được gia cố bên dưới bởi đá sạn. Phía bên kia sông, rất nhiều cọc tre cũng đã được người dân thôn Sơn Bồ (xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) tập kết để chuẩn bị đóng xuống sông. Tàu thuyền di chuyển lên về đều phải “khổ cực” để luồn lách qua dãy cọc tre...
Người dân địa phương cho hay, việc đóng cọc tre xuất phát từ nạn khai thác cát sạn trái phép cứ tiếp diễn vào ban đêm và đỉnh điểm là việc lồng cá của dân bị phá hoại gần đây. Khoảng 200 người dân tổ dân phố Lại Bằng 2 đã họp lại, thống nhất đóng góp mỗi hộ 100.000 đồng mua tre, đá hộc và thuê phương tiện để đóng cọc xuống sông.
“Vùng sông nước bao đời nay bà con gắn bó mà nay cứ ngỡ như của ai. Đêm đêm, người ta cứ hết lần này đến lượt khác đưa tàu đến hút cát. Bất đắc dĩ, người dân mới đóng cọc, lắp kè đá ngầm rào sông. Biết không xin chính quyền là trái quy định nhưng mục đích sau cùng của bà con là nhằm bảo vệ tài sản, tính mạng, bảo vệ bờ đê khỏi bị sạt lở...”- bà Trần Thị L. (67 tuổi) thổ lộ.
“Mục sở thị” tuyến đường sông Bồ từ tổ dân phố Lại Bằng 2 đi lên phía mỏ cát Công ty Tuấn Hải, PV thấy rất nhiều đoạn bờ đã bị sạt lở nghiêm trọng, gây uy hiếp môi sinh. Cọc tre sẽ chặn những thuyền chở cát sạn sau khi khai thác ở mỏ cát được cấp phép của Công ty Tuấn Hải và những thuyền khai thác trái phép khu vực gần đó.
Theo người dân, họ không tin doanh nghiệp Tuấn Hải tuân thủ quy định nên đã thử dùng sào tre rất dài để đo xuống lòng sông tại khu vực mỏ thì thấy rằng độ sâu nơi đây đã vượt mức cho phép nhiều lần.
Được biết trước đó vào cuối năm 2018, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng đã xử phạt 3 doanh nghiệp khai thác cát trên sông Hương quá độ sâu, với số tiền 2,4 tỷ đồng. Với việc xử phạt như đã vừa nêu trên thì chắc chắn thời gian tới lòng tin của người dân đối với các doanh nghiệp dự định xin khai thác cát, sỏi tại Thừa Thiên Huế có lẽ sẽ không còn...