Thái Bình: Tiền Hải sẽ lập cảng để dẹp bỏ bến bãi không phép chân cầu Trà Lý
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 10:40, 29/03/2019
Trong cuộc họp mới đây, UBND huyện Tiền Hải (Thái Bình) đã đưa ra những thông tin phản hồi báo Tài nguyên & Môi trường về hàng chục bến bãi không phép dọc sông Trà Lý mà báo đã phản ánh.
Trước đó, báo Tài nguyên & Môi trường phản ánh về việc dọc sông dưới chân cầu Trà Lý hàng chục bến bãi tập kết vật liệu xây dựng không phép hoạt động suốt thời gian dài nhưng cơ quan chính quyền địa phương không có biện pháp xử lý.
Ông Vũ Huy Hoàng (Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải) cho biết, hiện nay có 26 bến bãi, chủ yếu là bãi tự phát, xã cho thuê. Ông Hoàng cũng xác nhận đa số vi phạm hành lang đê điều. Chi cục đê điều và phòng nông nghiệp đã phối hợp lập biên bản nhiều lần và đề nghị cac sở ban ngành xử lý.
Ông Hoàng phân tích, những năm qua kinh tế xã hội, công nghiệp ở huyện phát triển rất mạnh. Huyện còn đang mở rộng địa bàn kinh tế. Nhu cầu vật liệu xây dựng để phục vụ sản xuất rất lớn. Vậy nhưng toàn bộ vật liệu xây dựng lại chỉ trung chuyển qua sông Trà Lý. Một bến bãi ở sông không đủ công suất đáp ứng.
Huyện vẫn tập trung chỉ đạo giải quyết nhưng thực tế chỉ dừng lại ở việc lập biên bản báo cáo. Để giải quyết dứt điểm là việc làm khó khăn trong nhiều năm nay.
Theo ông Hoàng, lâu dài sẽ phải quy hoạch bến bãi xuống hạ lưu. Hiện đã có quy hoạch đường kéo dài từ sông đến KCN và công ty đóng tàu sẽ về đây thực hiện dự án. Huyện cũng đã yêu cầu phòng kinh tế hạ tầng lập hồ sơ để báo cáo đề xuất về việc quy hoạch bến bãi. Lập được quy hoạch cảng thì mới dẹp bỏ được các bến bãi không phép và lấn chiếm đề điều này.
"Điều này cũng tùy thuộc ở tỉnh và các sở ban ngành có giải pháp giúp huyện Tiền Hải thì mới giải quyết dứt điểm được" - PCT huyện Tiền Hải nói.
Phóng viên đặt câu hỏi về việc huyện đã có văn bản lên tỉnh về việc quy hoạch bến bãi hay không? Tại sao nói rằng nhu cầu trung chuyển vật liệu đáp ứng phát triển kinh tế nhưng không đầu tư quy hoạch bến bãi? Để hàng loạt bến bãi hoạt động lâu nay làm hỏng đường sá, ô nhiễm môi trường, lấn chiếm đất đai đê điều... nhưng huyện và tỉnh thu được gì?
Ông Vũ Huy Hoàng cho hay, ở huyện đã có quy hoạch các khu vực cụ thể. Quy hoạch đường vận chuyển vật liệu từ bờ sông về KCN thì huyện đã có báo cáo đề xuất. Tuy nhiên quy hoạch về bến bãi thì huyện sẽ rà soát lại văn bản.
Ông Hoàng khẳng định rằng chủ trưởng mở cảng Trà Lý, chắc chắn là trong các cuộc họp với sở ban ngành, huyện Tiền Hải cũng đã nhiều lần nói đến.
Lãnh đạo UBND huyện Tiền Hải ghi nhận thông tin báo Tài nguyên & Môi trường phản ánh và khẳng định sẽ tiếp tục có ý kiến, báo cáo đề xuất bằng văn bản lên trên về việc quy hoạch bến bãi, quy hoạch cảng để phù hợp với tình hình phát triển kinh tế tại địa phương.
Như đã đưa tin, dưới chân cầu Trà Lý, dọc 2 bên sông dài hàng cây số, những bến bãi tập kết vật liệu xây dựng nằm sát sát nối liền. Dãy núi cát khổng lồ phủ kín từ chân đê ra đến mép bờ sông chạy dài. Các bến bãi này đều chiếm gần hết phần đất hành lang đê điều dọc tuyến sông này.
Các bến bãi này chủ yếu tập kết hoặc trung chuyển: cát, đá, than, cao lanh,... Chủ các bến bãi chủ yếu là doanh nghiệp kinh doanh theo hộ gia đình. Nhưng cũng có bãi của một số doanh nghiệp lớn, chẳng hạn như MIKADO. Sai phạm diễn ra nhiều năm nay nhưng chính quyền địa phương và cơ quan chức năng chưa giải quyết được.
Quá trình PV liên hệ, các phòng ban tại Tiền Hải cũng không đưa ra câu trả lời thông nhất. Thậm chí lãnh đạo Phòng Kinh tế Hạ tầng còn nhất quyết không trả lời và nói rằng việc đó không liên quan đến mình. Tuy nhiên tại cuộc họp vừa qua, lãnh đạo huyện Tiền Hải khẳng định Phòng Kinh tế & Hạ tầng phải rà soát lại và báo cáo để có đề xuất lên tỉnh lập quy hoạch bến bãi.