Xe tải 'rải' bùn đất ở Thái Bình: 'Không xác định được của doanh nghiệp nào'

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 22:41, 28/11/2018

(TN&MT) - Thanh tra giao thông tỉnh Thái Bình cho biết, xe quá tải ở đây chủ yếu chở đất từ các bến bãi. Nhiều xe quá tải quá khổ không đăng ký, đăng kiểm, phù...
(TN&MT) - Thanh tra giao thông tỉnh Thái Bình cho biết, xe quá tải ở đây chủ yếu chở đất từ các bến bãi. Nhiều xe quá tải quá khổ không đăng ký, đăng kiểm, phù hiệu nên khó xác định doanh nghiệp vi phạm để xử lý triệt để.

Báo Tài nguyên & Môi trường đã có cuộc làm việc với ông Trịnh Xuân Hảo (Chánh Thanh tra giao thông - Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Bình) về nạn xe quá khổ quá tải chở bùn đất tung hoành trên quốc lộ 39B và huyện Tiền Hải.

Trước đó, chúng tôi phản ánh tình trạng xe tải phục vụ các nhà máy có dấu hiệu được cơi nới thành thùng cao ngất ngưởng chở những khối bùn đất ngồn ngộn chạy rầm rập trên đường thị trấn Tiền Hải. Việc này đã khiến nhiều đoạn đường hư hỏng, bùn đất rơi vãi gây bụi bặm, bẩn thỉu khiến người đi đường bức xúc.
 

Ông Trịnh Xuân Hảo xác nhận "hiện tượng xe quá khổ quá tải là có". Theo ông Hảo, ở Thái Bình, không có mỏ đất, mỏ đá như ở các tỉnh khác. Không có tình trạng khai thác đất đá rầm rộ trong địa phương. Xe tải hoạt động chủ yếu vận chuyển nguyên vật liệu từ một số bến bãi tập kết.

Các xe vận chuyển đất chủ yếu về khu công nghiệp để phục vụ các nhà máy. Xe vận tải đất không hoạt động động hằng ngày mà chỉ hoạt động theo đợt. 

Vị đại diện thanh tra giao thông cũng nhận trách nhiệm chính trong việc kiểm tra, xử lý đối với xe quá khổ quá tải. Theo ông Hảo, thanh tra giao thông vẫn thường xuyên với hợp với chính quyền địa phương, cảnh sát giao thông trong hoạt động tuần tra kiểm soát.

Nhưng ông Chánh thanh tra cho biết, cứ khi các lực lượng bố trí trạm cân để kiểm tra tải trọng thì đoàn xe tải lại nghỉ, không vận chuyển nữa. "Vận chuyển đất không phải là việc cháy nhà chết người, nên họ có thể trì hoãn", ông Hảo nói. Vì vậy các lực lượng mất công phối hợp nhưng lại không xử lý được.
 
46400349 2126049357647981 2040217458257690624 n

Trước đây, trong quy chế phối hợp, thanh tra giao thông cùng cảnh sát giao thông kiểm tra xử lý. Nhưng theo quy định mới, cảnh sát giao thông tuần tra trên đường, còn thanh tra giao thông xử lý tại các bến bãi.

Tại bến bãi lại có cái khó, một trong các nguyên tắc xử lý là xe phải tham gia giao thông. Nhưng khi thanh tra giao thông đến, các xe lại đứng yên trong bãi không di chuyển nữa. Nếu vào kiểm tra xử lý, rất dễ bị doanh nghiệp kiện vì sai nguyên tắc, thậm chí bị cho là vi phạm pháp luật.

Ông Hảo dẫn chứng vụ việc thanh tra giao thông xử lý xe tải của Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Phương Anh cách đây không lâu. Vụ việc đang bị Công an xem xét khởi tố. Đây là vụ việc mà thanh tra giao thông vào kiểm tra ở phần đường mà UBND tỉnh Thái Bình giao cho Công ty Phương Anh thực hiện dự án nên bị doanh nghiệp tố là vi phạm pháp luật.

Ông Hảo cũng cho rằng, tình trạng xe quá khổ qua tải mới rộ lên trong một vài tháng vừa rồi vì thanh tra giao thông đang tập trung xử lý xe dù bến cóc. Cũng theo ông Hảo, thanh tra giao thông tỉnh có 20 người. Mỗi địa bàn chỉ có 2-3 người, thời gian túc trực xử lý không thể liên tục.

Việc tuần tra xử lý cực kỳ khó khăn. Đã có đợt Sở GTVT đề nghị cấm xe tải qua đoạn đường này nhưng sau đó bị phản đối.

Trước đến nay thanh tra đã xử lý rất nhiều. Chủ yếu xử lý lái xe về việc xe cơi nới thành thung và để vật liệu rơi vãi. Tuy nhiên việc quá khổ quá tải không chấm dứt. Thanh tra giao thông cũng đã có các văn bản báo cáo đề nghị phối hợp với các cơ quan để có biện pháp triệt để.

"Thực sự việc xe quá tải quá khổ cũng khiến chúng tôi trăn trở, dù sao đây cũng là trách nhiệm chính của mình." - Ông Hảo nói. Ông này thừa nhận việc phối hợp thực sự chưa thường xuyên liên tục, chưa hiệu quả. Thanh tra đã có báo cáo đề xuất để tới đây đặt trạm cân lâu dài. Trước mắt, có thể phải đưa trạm cân đặt cố định kiểm tra liên tục từ giờ đến tết.

Phóng viên đặt câu hỏi về việc xử lý từ gốc, rút giấy phép doanh nghiệp vận tải vi phạm tải trọng. Ông Hảo cho rằng hiện nay xác định doanh nghiệp rất khó khăn vì xử lý xe nhưng không biết xe thuộc doanh nghiệp nào. Nhiều loại xe cũ không biết chủ ở đâu. Thậm chí xe mang tên doanh nghiệp nhưng lại không phải là của doanh nghiệp đó. Vì vậy thanh tra giao thông muốn có biện pháp với doanh nghiệp vận tải vi phạm mà không thực hiện được.

Cũng theo ông Hảo, xe ngoại tỉnh chạy vào thì kiểm tra xử lý rất dễ nhưng nhiều xe chạy trong địa phương lại rất khó. Hiện có một phần lớn là xe cũ, xe nhỏ, không có đăng ký đăng kiểm. Thậm chí có những lái xe rất manh động, sẵn sàng lao xe vào lực lượng tuần tra kiểm soát. Cách đó mấy hôm vừa ghi nhận lái xe tải cố tình lao vào làm một số cán bộ tuần tra ngã ra đường.

Như đã đưa tin, trên tuyến đường nối từ Thị trấn Tiền Hải xuống Khu du lịch Đồng Châu (huyện Tiền Hải, Thái Bình) qua xã Đông Lâm thời gian qua xe quá tải chạy vô tư trên đường.

Theo quan sát, nhiều xe chạy trên đường không gắn biển kiểm soát, không gắn lô gô hay nhãn hiệu doanh nghiệp vận tải nào, không tem đăng kiểm. Mặc dù vậy, tuyệt nhiên không thấy lực lượng cảnh sát giao thông và thanh tra giao thông có mặt trên tuyến đường này để kiểm tra xử lý. Những chiếc xe tải vẫn hằng ngày băng băng trên đường "rải" đất cát mà không vấp phải trở ngại nào.

Xe chở đất chủ yếu chạy phục vụ cho khu công nghiệp Tiền Hải, nơi tập trung các nhà máy sản xuất gốm sứ, gạch như: Nhà máy gạch men Viglacera, Công ty gốm sứ Long Hầu, Công ty sứ Hảo Cảnh,... và nhiều nhà máy khác.