Yều cầu tháo dỡ các xưởng sản xuất gây ô nhiễm môi trường tại xã Mai Lâm, huyện Đông Anh

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 21:46, 11/11/2018

(TN&MT) – Đó là nội dung mà UBND huyện Đông Anh thông báo tới Báo TN&MT liên quan tới việc kiểm tra, rà soát và xử lý thông tin các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường tại thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm.

Vừa qua, báo TN&MT đã đăng tải hai bài viết: Xã Mai Lâm, huyện Đông Anh: Bao giờ di dời những nhà xưởng gây ô nhiễm? và bài Ô nhiễm ở xã Mai Lâm, huyện Đông Anh - Hà Nội: Lộ thêm nhiều sai phạm. Hai bài viết phản ánh thông tin hàng chục nhà xưởng sản xuất gỗ ép, sơn tĩnh điện … nằm trên địa bàn thôn Lộc Hà (xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) đang ngày đêm xả thải trực tiếp ra môi trường, làm ảnh hưởng tới cuộc sống người dân quanh khu vực.
 

o nhiem mai lam
Nhà xưởng xây dựng trái phép, gây ô nhiễm ở thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm

Không dừng lại ở đó, các nhà xưởng này còn vi phạm nghiêm trọng luật Đất đai cũng như xả thải đầu độc kênh Hà Bắc – kênh nội đồng của nhân dân. Theo tìm hiểu của PV, khu vực dựng các nhà xưởng nói trên là đất thủy lợi của kênh Hà Bắc, được UBND xã cho những cá nhân thuê lại để dựng xưởng trái phép. Mặc dù mấy năm trở lại đây, xã Mai Lâm đã chấm dứt hợp đồng cho thuê đất với các nhà xưởng này nhưng không hiểu sao, các xưởng vẫn hoạt động rầm rộ mà không chịu di dời đi nơi khác.

Sau khi thông tin được đăng tải, mới đây, UBND huyện Đông Anh đã có công văn số 1630/UBND-TNMT gửi Báo TN&MT thông tin kết quả kiểm tra, rà soát và xử lý các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường tại thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm. Theo UBND huyện Đông Anh, vào tháng 8/2018, Phòng TN&MT, Đội Công an kinh tế huyện và UBND xã Mai Lâm đã tổ chức kiểm tra đối với các cơ sở sản xuất tại kênh mương Hà Bắc thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm về việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, đất đai.

Kết quả như sau: Tại khu vực này có 5 cơ sở sản xuất gỗ ván ép, 1 cơ sở sơn tĩnh điện hoạt động. Các cơ sở này hoạt động không có các hồ sơ về bảo vệ môi trường được xác nhận theo quy định; quá trình hoạt động chưa xử lý khí thải, chất thải triệt để, vi phạm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và đất đai. UBND huyện đã xử phạt hành chính đối với các cơ sở này với số tiền 270 triệu đồng, đồng thời đình chỉ hoạt động 9 tháng và yêu cầu công ty khắc phục tồn tại trong thời gian 45 ngày.
 

cong van xa mai lam
Công văn huyện Đông Anh phản hồi tới báo TN&MT

UBND huyện cũng thông tin, theo báo cáo số 155/BC-UBND ngày 25/10/2018 của UBND xã Mai Lâm: UBND xã đã thiết lập hồ sơ vi phạm đối với các cơ sở và yêu cầu tháo dỡ các công trình vi phạm. Riêng đối với cơ sở sơn tĩnh điện của ông Ngô Quang Huy đã chấp hành quyết định xử phạt của UBND huyện. UBND xã đã tiến hành kiểm tra và đình chỉ hoạt động sản xuất gây ô nhiễm môi trường với hộ ông này và yêu cầu ông Huy tìm địa điểm mới để di chuyển nhà xưởng sản xuất.

Để xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm tại khu vực này, UBND huyện đã giao các phòng, ban, đơn vị của huyện phối hợp chặt chẽ với UBND xã Mai Lâm xử lý kiên quyết vi phạm tại khu vực kênh Hà Bắc theo các nội dung tại Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 05/06/2018 của chủ tịch UBND huyện Đông Anh về siết chặt kỉ luật, kỷ cương, tăng cường công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng và bảo vệ môi trường.

Việc xử lý thông tin báo chí phản ánh của huyện Đông Anh đã thể hiện tinh thần tiếp thu. Tuy nhiên, trong thông báo gửi Báo TN&MT, huyện Đông Anh vẫn chưa nêu rõ thời gian cụ thể để cưỡng chế di dời các nhà xưởng ô nhiễm nói trên. Rõ ràng, huyện đã yêu cầu đình chỉ 9 tháng đối với các cơ sở gây ô nhiễm nói trên từ tháng 8/2018 cũng như cho họ 45 ngày để khắc phục tồn tại. Tuy nhiên ghi nhận của PV báo TN&MT vào cuối tháng 10/2018, các cơ sở này vẫn hoạt động sản xuất bình thường.

Vả lại, UBND xã Mai Lâm hiện cũng chỉ báo cáo huyện Đông Anh là đã yêu cầu tháo dỡ đối với những nhà xưởng vi phạm. Tuy nhiên, việc tháo dỡ này bao giờ thực hiện, thực hiện bao giờ xong thì cả xã Mai Lâm lẫn huyện Đông Anh chưa thông tin cụ thể.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc