Bình Định: Bị thu hồi dự án mở rộng mặt bằng có thu hồi đá, Doanh nghiệp tư nhân Thiên Phú lên tiếng
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 14:44, 23/10/2018
DNTN Thiên Phú địa chỉ tại lô B45-B46 đường số 16, KCN Phú Tài, phường Trần Quang Diệu TP. Quy Nhơn. Năm 2008, DNTN Thiên Phú bắt đầu đi vào hoạt động với chuyên ngành sản xuất đá Granite tại KCN Phú Tài theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp ngày 15/7/2008 của Sở KH&ĐT Bình Định. Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Bình Định cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 35221000080 ngày 27/01/2010 dự án Nhà máy chế biến đá Granite - DNTN Thiên Phú với mục tiêu xây dựng Nhà máy chế biến đá xuất khẩu và tiêu thụ nội địa; quy mô: đá ốp lát công suất 100.000m3/năm, đá thủ công mỹ nghệ công suất 2.000m3/năm; diện tích đất sử dụng 9.377m2, tổng vốn đầu tư 24.064.868.203 đồng.
Địa điểm thực hiện dự án, phần đất cây xanh chuyển sang đất sản xuất tại KCN Phú Tài mở rộng về phía Đông núi Hòn Chà, phường Trần Quang Diệu, TP. Quy Nhơn được phê duyệt Quy hoạch mặt bằng tổng thể 1/500 tại Quyết định số 21 ngày 04/01/2010 của Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Bình Định.
Năm 2011, DNTN Thiên Phú xin mở rộng thêm 02ha về phía Tây-Bắc núi Hòn Chà, lô đất B45-B46 KCN Phú Tài. Ngày 05/12/2011, UBND tỉnh Bình Định ra văn bản số 4133 chấp thuận chủ trương cho DNTN Thiên Phú mở rộng mặt bằng Nhà máy chế biến đá tại KCN Phú Tài về phía Tây-Bắc với diện tích khoảng 02ha để đầu tư, lắp đặt thêm máy móc thiết bị, nâng cao năng lực sản xuất kinh doanh khu vực mở rộng nêu trên là đất đồi núi, hiện có khối đá lộ thiên. UBND tỉnh Bình Định phê duyệt Quyết định số 428 ngày 13/3/2012 v/v Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 công trình mở rộng Nhà máy chế biến đá Granite của DNTN Thiên Phú.
Ngày 23/4/2012, UBND tỉnh phê duyệt Quyết định kết quả thẩm định giá trị khối đá hiện có trên mặt bằng DNTN Thiên Phú. Số lượng và giá trị đá tận thu là 2.579.779.200 đồng, kinh phí nộp ngân sách (tính bằng 30% lợi nhuận sau thuế) là 773.934.000 đồng. DNTN Thiên Phú đã nộp đủ số tiền này. Ngày 27/01/2014, Sở TN&MT Bình Định cấp Giấy CNQSDĐ diện tích 20.000m2, mục đích sử dụng: đất cơ sở sản xuất, kinh doanh (xây dựng mở rộng Nhà máy chế biến đá Granite), thời gian sử dụng đến hết ngày 31/12/2048.
DNTN Thiên Phú tiến hành san lấp tận thu đá để lấy mặt bằng xây dựng nhà máy, lắp đặt dây chuyền chế biến đá Granite theo dự án đã đề ra và được cấp phép. Nhưng không ngờ tại thời điểm này, bà Đào Thị Thử - chủ doanh nghiệp bị mắc bệnh hiểm nghèo, phải điều trị suốt mấy năm liền nên việc san lấp mặt bằng bị đình trệ không thực hiện đúng như lộ trình đề ra.
Năm 2016, DNTN Thiên Phú tiếp tục triển khai dự án thì bất ngờ nhận được công văn của Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Nguyễn Thanh Tùng chỉ đạo cho UBND tỉnh Bình Định ra Quyết định tạm dừng hoạt động san lấp, tận thu của DNTN Thiên Phú để trồng cây xanh, UBND tỉnh Bình Định trực tiếp đền bù thiệt hại cho doanh nghiệp trước khi trồng cây xanh.
Tại văn bản số 4654 ngày 17/10/2016, UBND tỉnh Bình Định thông báo chấm dứt việc tận thu đá tại phía Đông núi Hòn Chà trên diện tích mở rộng nhà máy đối với DNTN Thiên Phú cùng Công ty TNHH Xuân Nguyên và Công ty CP Đá granite Phú Minh Trọng, thực hiện việc cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định. Ngày 16/8/2018, UBND tỉnh Bình Định tiếp tục ra Thông báo số 183 thu hồi dự án mở rộng mặt bằng có thu hồi đá của ba doanh nghiệp trên mà Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường có loạt bài phản ánh. Bài 1 “Bình Định: Thu hồi dự án mở rộng mặt bằng có thu hồi đá của các doanh nghiệp tại khu vực phía Đông núi Hòn Chà” đăng ngày 24/8/2018. Bài 2 “Bình Định: Phía Đông núi Hòn Chà vẫn bị các doanh nghiệp khai thác đá trái phép” đăng ngày 15/10/2018. Bài 3“Vì sao không giải quyết dứt điểm được việc các doanh nghiệp khai thác đá trái phép tại phía Đông núi Hòn Chà” đăng ngày 19/10/2018.
UBND tỉnh Bình Định thông báo thu hồi dự án, yêu cầu doanh nghiệp chấm dứt việc tận thu đá, nhưng hai năm trôi qua, DNTN Thiên Phú vẫn chưa nhận được Quyết định đền bù thiệt hại của UBND tỉnh Bình Định đã gây khó khăn, thiệt hại về kinh tế, tài chính cho doanh nghiệp.
Bà Đào Thị Thử - Chủ DNTN Thiên Phú chia sẻ: “Kể từ khi thông báo thu hồi dự án, doanh nghiệp chúng tôi lâm vào cảnh bế tắc, doanh nghiệp đổ vốn đầu tư xây dựng nhà máy hàng trăm tỷ đồng, kèm theo hàng trăm công nhân lâm cảnh khổ sở vì mất việc làm. Chúng tôi mong UBND tỉnh Bình Định sớm đền bù tài sản mà doanh nghiệp đã đầu tư vào nhà máy và những thiệt hại mà doanh nghiệp phải gánh chịu trong thời gian qua, sau đó doanh nghiệp sẽ chấp hành theo chỉ đạo của UBND tỉnh. Hai năm qua, chúng tôi phải gồng gánh nuôi hàng trăm công nhân, 05 chiếc xe đào, máy móc thiết bị của nhà máy hầu như đã lên rong. Doanh nghiệp phải dùng Giấy CNQSDĐ của 02ha phần mở rộng thế chấp ngân hàng để vay vốn đầu tư trang thiết bị, dây chuyền sản xuất đá Granite hiện đại, hàng tháng trả lãi ngân hàng khoản tiền lên đến 170 triệu đồng, chưa kể khoản phí nuôi công nhân suốt hai năm nay. Bởi vậy, doanh nghiệp kiệt quệ tài chính, đứng bên bờ phá sản. Chúng tôi chọn Bình Định đầu tư để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh mà như thế này thì doanh nghiệp nào dám về Bình Định đầu tư nữa. Chúng tôi đã gửi hai bức tâm thư lên Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nhưng vẫn chưa thấy hồi âm”.
Thiết nghĩ, những vấn đề mà DNTN Thiên Phú lên tiếng là yêu cầu quyền lợi chính đáng, cần thiết, cấp bách đề nghị UBND tỉnh Bình Định cần có câu trả lời thỏa đáng cho doanh nghiệp trong thời gian tới.