Vụ cô giáo bị container chắn lối: Vì sao tranh chấp kéo dài?

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 08:59, 18/05/2018

(TN&MT) - Trưởng thôn cũng như người dân đứng đơn cho rằng khu đất gần hành lang giao thông bị lấn chiếm trái phép. Tuy nhiên lãnh đạo xã lại nói rằng, người bị...
(TN&MT) - Trưởng thôn cũng như người dân đứng đơn cho rằng khu đất gần hành lang giao thông bị lấn chiếm trái phép. Tuy nhiên lãnh đạo xã lại nói rằng, người bị cho là chiếm đất có đầy đủ giấy tờ để xem xét cấp sổ.

Sau khi Báo Tài nguyên & Môi trường đăng tải về vụ bà Trịnh Thị Ngọc Loan (giáo viên, ở xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội) kêu cứu bị người ta mang container chắn lối vào nhà, chính quyền địa phương đã phải cử lực lượng cưỡng chế, di dời. Tuy nhiên sau đó, theo phản ánh, gia đình bà Loan vẫn tiếp tục gặp phiền toái vì bị khóa cửa ngoài hoặc ai đó mang vật dụng cản lối ra vào.

Theo đơn của gia đình bà Loan, lâu nay, ông Lê Tiến Thành (người làng khác) đến chiếm cứ khoảng đất đã giải tòa làm hành lang giao thông trước nhà bà Loan xây dựng nhà chắn luôn cả lối ra vào nhà của bà Loan. Cửa ra vào nhà bà Loan từng bị rào kín mà theo bà Loan, việc này cũng là do ông Thành làm và sau đó, Chủ tịch UBND xã Kim Chung đã từng ra quyết định cưỡng chế dỡ bỏ. 

Làm việc với PV báo Tài nguyên & Môi trường, ông Nguyễn Chiến Thắng (Chủ tịch UBND xã Kim Chung lại cho rằng sự thật không như bà Loan trình bày. Theo ông Thắng, khu đất phía trước mà ông Thành đang sử dụng không nằm trong hành lang giải tỏa an toàn giao thông.
kim chung 2
Vì cuộc tranh chấp đất đai mà vợ chồng cô giáo Loan bị chiếc container bịt lối ra vào nhà

Ông Chủ tịch xã quả quyết đây là phần đất mà ông Thành được chủ cũ sang nhượng lại. Lãnh đạo này còn cho hay có đầy đủ giấy tờ thể hiện việc chuyển nhượng này. Ông Thành cũng đã được lãnh đạo tiền nhiệm của xã xác nhận phần đất nói trên. Không những vậy, đất này còn được ông Thành cho một phụ nữ thuê từ năm 1993 và có giấy tờ hợp đồng.

Theo đó, ông chủ tịch xã Kim Chung cho rằng, người đàn ông này có đủ giấy tờ để được xem xét cấp chứng nhận quyền sử dụng đất. PV hỏi, nếu ông Thành đủ cơ sở sử dụng đất thì tại sao xã lại từng cưỡng chế tháo dỡ công trình ở đây. Ông Thắng cho rằng, vì đây là đất đang tranh chấp, chưa có phân định cuối cùng, việc xây dựng không phép nên phải tháo dỡ.

Khi xã đến giải quyết, ông Thành cũng không nhận chiếc container chắn cửa bà Loan là của mình. Nên xã phải cử lực lượng tháo dời chứ không có cơ sở xử lý ông Thành.

Tuy nhiên, trao đổi lại với PV, vợ chồng cô giáo Loan bày tỏ nghi ngờ tình pháp lý của các giấy tờ văn bản nói trên. Theo vợ chồng này, từ năm 1993, không thấy ông Thành đến sử dụng đất ở đây. Thậm chí bà Loan còn đưa ra giấy xác nhận có chữ ký của chủ cũ khu đất này nói rằng không chuyển nhượng đất cho ông Thành. Trong khi đó, trong hồ sơ giấy tờ ở xã, ông Thành cũng được người này xác nhận đã chuyển nhượng đất năm 1993. Xã còn đưa ra giấy tờ chuyển nhượng rõ ràng.

Trong khi đó trao đổi với chúng tôi, ông Ngự (trưởng thôn Nhuế, nơi xảy ra vụ việc) cho biết, người dân ở đây vô cùng bức xúc với ông Lê Tiến Thành. Ông Thành không phải là người dân ở đây nhưng tự dưng kéo đến chiếm cứ đất đai gây khó khăn cho gia đình bà Loan nhiều năm nay. 

Đại diện của thôn cũng nhấn mạnh sự thiếu trách nhiệm của chính quyền xã. Theo ông Ngự, sai phạm diễn ra nhiều năm nhưng xã không giải quyết dứt điểm. "Họ cưỡng chế mà như dọn đồ giúp ông Thành", trưởng thôn nói. Ông Ngự cho biết, bà con trong thôn sẽ kiến nghị chính quyền địa phương phải giải quyết dứt điểm, trả lại sự yên ổn cho thôn.

Trả lời PV, bà Lê Thị Vân Huyền (Phó Chủ tịch UBND xã Kim Chung) cũng cho rằng ông Thành đã vi phạm chiếm đất ở đây. Cơ quan ban ngành địa phương đã dùng nhiều biện pháp vận động, hòa giải, xử phạt, cưỡng chế nhưng người đàn ông này vẫn cứ tái phạm. Hiện chưa có biện pháp hiệu quả. Ngoài ra, UBND xã muốn xử lý cũng phải phối hợp với cơ quan, phòng chuyên môn của huyện.

Vợ chồng bà Loan cũng nêu thắc mắc, vì sao có giấy xác nhận của xã từ năm 1999 mà đến nay ông Thành vẫn chưa làm được chứng nhận quyền sử dụng đất. "Liệu những giấy tờ này có đúng luật pháp?" - Bà Loan nói.

Ông Giảng (chồng bà Loan) cho rằng, không hiểu lý do gì mà ông Thành có đầy đủ giấy tờ văn bản như thế. Trong khi đó, từ năm 1993 và suốt thời gian dài, gia đình ông đã đổ đất san nền sử dụng phần đất phía trước chứ không thấy ai ý kiến gì. Mãi những năm gần đây mới thấy ông Thành đến tranh chấp.

Đây là khu vực trên trục đường Bắc Thăng Long - Nội Bài. Từ năm 1993 dự án đường chạy qua và giải tỏa hành lang giao thông. Gia đình phía trước nhà bà Loan đã được đền bù và di dời đi chỗ khác. Tuy nhiên một khoảng đất trống phía trước hiện nay đã gây nên cuộc tranh chấp kéo dài nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin...