Cảnh sát PCCC Hà Nội kiến nghị dừng cấp điện nước chung cư vi phạm PCCC

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 21:15, 27/04/2018

(TN&MT) - Công trình chưa được nghiệm thu chất lượng công trình và PCCC thì không giải quyết thủ tục hành chính về hộ khẩu, ngừng cấp điện, nước đối với các...
(TN&MT) - Công trình chưa được nghiệm thu chất lượng công trình và PCCC thì không giải quyết thủ tục hành chính về hộ khẩu, ngừng cấp điện, nước đối với các công trình vi phạm về an toàn cháy nổ.

Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội vừa có thông tin trả lời Báo Tài nguyên & Môi trường về việc xử lý đối với các công trình vi phạm an toàn cháy nổ thời gian qua và các biện pháp sắp tới.

Trước đó, BáoTài nguyên & Môi trườngđã có một số nội dung đề nghị cơ quan này cung cấp: Thông tin về tình trạng an toàn cháy nổ tại các tòa nhà chung cư tại Hà Nội. Những năm qua, các cơ quan chức năng đã xử lý như thế nào với các chung cư không đảm bảo an toàn cháy nổ? Nguyên nhân vi phạm diễn ra suốt thời gian dài mà vẫn chưa thể ngăn chặn triệt để? Việc xử lý của lực lượng chức năng đối với chủ đầu tư có đủ nghiêm và hiệu quả?

Cảnh sát PCCC Hà Nộicho biết, hiện nay trên địa bàn thành phố vẫn còn 29 chung cư cao tầng vi phạm chưa được nghiệm thu về PCCC. Trong đó, 14 công trình có khả năng khắc phục: Chủ đầu tư đang khẩn trương tổ chức thực hiện để được nghiệm thu theo quy định (Chủ đầu tư cam kết hoàn thành trước 30/4/2018). Riêng công trình tòa nhà HH1 (đường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm) do Công ty cổ phần đầu tư địa ốc Alasca làm chủ đầu tư chưa được thẩm duyệt về PCCC, hiện tại đã dừng thi công, đang thực hiện các thủ tục xin phép cơ quan có thẩm quyền.

15 công trình còn lại khó có khả năng khắc phục: Cảnh sát PCCC đã báo cáo UBND Thành phố yêu cầu chủ đầu tư hoàn thiện hồ sơ, luận chứng báo cáo Bộ Công an, Bộ Xây dựng thẩm duyệt, thẩm định các giải pháp áp dụng thay thế. Hiện tại đối với 4 công trình, chủ đầu tư nhận thấy nhiều giải pháp khó thực hiện đã chấp nhận phương án thay đổi quy mô, công năng sử dụng của một số bộ phận, hạng mục, công trình để đáp ứng theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành và đang tích cực triển khai. 1 công trình (tòa nhà Capital Garden tại Trường Chinh, Đống Đa) đã được chủ đầu tư đã lập hồ sơ, luận chứng và được Cục Cảnh sát PCCC và CNCH (Bộ Công an) cấp văn bản thẩm duyệt luận chứng, hiện đang khắc phục. 10 công trình cũng đang được chủ đầu tư xây dựng luận chứng để nộp C66 - Bộ Công an trước 30/4, cam kết thi công xong trước 30/6.
Yeshouse Thoat hiem nhu the nao khi chay chung cu Avatar
Hình minh họa

Theo Cảnh sát PCCC Hà Nội, công tác điều tra cơ bản được quan tâm triển khai 4 lần/năm và kiểm tra đột xuất theo quy định. Cá biệt một số công trình còn vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng, đã kiểm tra với tần suất 15 ngày/lần. Theo thống kê, năm 2017 và quý I/2018, Cảnh sát PC&CC Hà Nội đã kiểm tra và phối hợp với sở ban ngành kiểm tra 5.565 lượt cơ sở; ban hành 504 công văn kiến nghị về công tác PCCC; lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC 244 lượt cơ sở với tổng số tiền hơn 3,7 tỷ đồng, tạm đình chỉ 78 lượt, đình chỉ 61 lượt hạng mục nhà, công trình.

Giải thích nguyên nhân sai phạm về an toàn cháy nổ vẫn tiếp diễn tại các chung cư cao tâng, Cảnh sát PCCC Hà Nội cho rằng, một số chủ đầu tư chưa nắm được các quy định về PCCC trong lĩnh vực đầu tư xây dựng nên  không thực hiện công tác thẩm duyệt, nghiệm thu về PCCC.Việc đầu tư cho công tác đảm bảo an toàn PCCC chưa được các chủ đầu tư quan tâm hoặc đầu tư thích đáng. Trang bị, lắp đặt hệ thống, phương tiện, thiết bị PCCC không đảm bảo chất lượng dẫn đến sau một thời gian ngắn đã bị hư hỏng.

Ngoài ra, mặc dù công trình chưa được nghiệm thu về PCCC nhưng do nhu cầu an sinh ổn định cuộc sống của người dân và nhu cầu kinh doanh lấy lợi nhuận mà chủ đầu tư và các cá nhân hộ gia đình đã mua nhà tại các chung cư cao tầng, luôn muốn sớm đưa công trình vào vận hành khai thác, vào ở để ổn định cuộc sống mà không quan tâm đến việc công trình đã được nghiệm thu về PCCC hay chưa?

Cơ quan phòng chống cháy nổ cứu nạn của Hà Nội cho hay, hiện nay, chế tài xử lý và điều kiện đảm bảo cho việc xử lý còn hạn chế, khó khăn không đủ sức răn đe các chủ đầu tư. Vì lợi nhuận, nhiều chủ đầu tư sẵn sàng nộp tiền phạt và vẫn vi phạm đưa công trình khai thác kinh doanh, và các hộ dân vào ở dù chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC công trình.
pccc chung cu 3
Tủ cứu hỏa ở chung cư CT5 (Văn Khê, Hà Đông)

Cảnh sát PCCC Hà Nội cũng cho biết, cơ quan nay đã và sẽ kiến nghị một số giải pháp để giải quyết triệt để tình trạng vi phạm PCCC. Theo đó, công trình chưa được xác nhận nghiệm thu PCCC và chất lượng công trình xây dựng thì không giải quyết thủ tục hành chính về nhân, hộ khẩu cho các cư dân đến sinh sống. Sở Kế hoạch và Đầu tư khi quyết định phê duyệt dự án, Giấy chứng nhận phải ghi rõ nội dung: “Các dự án công trình phải đảm bảo điều kiện an toàn về PCCC theo Luật PCCC quy định.” Tổng công ty điện lực và các đơn vị cấp nước Thành phố ngừng cấp điện, cấp nước đối với các công trình vi phạm.

Cảnh sát PCCC Hà Nội cũng đang triển khai nhiều phương án đảm bảo an toàn cháy nổ hoàn thành trước ngày 30/4 gồm: thực tập phương án chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ; huấn luyện nghiệp vụ cho lực lượng PCCC cơ sở; khắc phục việc cản trở giao thông, nguồn nước phục vụ chữa cháy; duy trì thông thoáng trên lối thoát nạn, bảo dưỡng phương tiện PCCC…,

Đối với việc bố trí nguồn nước phục vụ chữa cháy, lắp đặt cửa chống cháy buồng thang và các phòng kỹ thuật, trang bị phương tiện PCCC, bố trí lại mặt bằng, công năng sử dụng…, yêu cầu chủ đầu tư khắc phục và cam kết thời hạn hoàn thành. Việc thay đổi quy mô, công năng sử dụng của công trình, trang bị bổ sung phương tiện PCCC phải được thẩm duyệt về PCCC trước khi thực hiện.

Cũng theo cơ quan Cảnh sát PCCC, phải đẩy mạnh phổ biến kiến thức, pháp luật về PCCC, trách nhiệm chủ đầu tư, ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành, chủ hộ gia đình và cư dân đang sinh sống trong các tòa nhà chung cư cao tầng. Tổng kiểm tra an toàn PCCC, cứu nạn cứu hộ, kiên quyết xử lý vi phạm hành chính kể cả tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, báo cáo gửi đơn vị chủ quản, chính quyền địa phương giám sát kiểm tra việc thực hiện.

Để công tác PCCC tại các tòa nhà chung cư cao tầng đạt hiệu quả thì phải nâng cao vai trò, trách nhiệm, hoạt động của lực lượng PCCC tại cơ sở. Chủ đầu tư, Ban quản trị, đơn vị quản lý phải thành lập, bố trí kinh phí, ban hành quy định về chế độ chính sách và duy trì hoạt động lực lượng PCCC cơ sở đảm bảo số lượng, chất lượng. Tổ chức ứng trực, thường trực sẵn sàng xử lý cháy, nổ ngay từ khi mới phát sinh, 

Một trong những giải pháp Cảnh sát PCCC đưa ra là: Phát tờ rơi khuyến cáo, cảnh báo về PCCC thông qua các hội nghị nhà chung cư, hệ thống loa truyền thanh, hệ thống màn hình quảng cáo trong thang máy, bảng tin nội bộ .... Chỉ rõ tính năng tác dụng của hệ thống, phương tiện PCCC và các hệ thống kỹ thuật khác có liên quan, kỹ năng thoát nạn và xử lý tình huống khi có cháy, nổ xảy ra; Nêu các hành vi nghiêm cấm như: dùng đồ vật như gạch, đá, bình chữa cháy,... để chèn cửa buồng thang; làm mất tác dụng của phương tiện, thiết bị PCCC ...

Sở Xây dựng Hà Nội vừa có Công văn số 3003/SXD-QLN về thống kê số lượng nhà chung cư mini trên địa bàn thành phố. 

   Theo báo cáo của Sở Xây dựng, trong những năm gần đây, trên địa bàn TP. xuất hiện loại hình nhà ở nhiều căn hộ (thường được gọi là “chung cư mini”) tập trung nhiều tại các quận, huyện đang đô thị hóa như: Thanh Xuân, Hoàng Mai, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm... 

   Các nhà này được xây dựng với diện tích nhỏ, quy mô từ 5 đến 10 tầng, nằm xen kẽ trong các khu dân cư, do tư nhân, doanh nghiệp tự đầu tư với lý do ban đầu là nhà ở sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng cho thuê hoặc bán căn hộ dẫn đến mật độ cư dân đông, các điều kiện về phòng cháy chữa cháy không đảm bảo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ.
    
   Chính vì vậy, để thực hiện tốt Văn bản số 868-CV/TU ngày 23/03/2018 của Thành ủy Hà Nội về việc tăng cường công tác phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn và Văn bản số 1267/CV-UBND ngày 27/03/2018 của UBND TP về việc tăng cường hiệu lực công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư cao tầng trên địa bàn TP. Hà Nội.

   Đồng thời, để tăng cường công tác quản lý, sử dụng nhà chung cư, tăng cường trật tự kỷ cương, góp phần xây dựng nếp sống văn minh đô thị, Sở Xây dựng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tổ chức thống kê chính xác số lượng loại hình nhà ở nhiều căn hộ (thường được gọi là “chung cư mini”) trên địa bàn quản lý trong đó có bao nhiêu trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở để sở tổng hợp báo cáo thành phố.