Phá rừng ở Tam Đảo: Sau nhiều năm, Vĩnh Phúc mới vào thanh tra

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 13:22, 05/01/2018

(TN&MT) - Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc vừa công bố quyết định thanh tra về việc phá rừng thông để trồng su su tại huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
(TN&MT) - Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc vừa công bố quyết định thanh tra về việc phá rừng thông để trồng su su tại huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. 

Đây là động thái của nhà chức trách tại tỉnh Vĩnh Phúc sau khi Văn phòng Chính phủ có Văn bản gửi UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu UBND tỉnh Vĩnh Phúc kiểm tra, làm rõ vụ việc này. UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã có Văn bản giao Thanh tra tỉnh Vĩnh Phúc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, cơ quan chức năng liên quan tổ chức thanh tra, xác định rõ thực tế vấn đề phá rừng. 

Thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao, Chánh Thanh tra tỉnh đã ban hành Quyết định thành lập đoàn thanh tra do ông Nguyễn Hữu Sơn - Phó Chánh Thanh tra tỉnh làm trưởng đoàn để tiến hành thanh tra lãm rõ.

Thanh tra tỉnh cũng đã có cuộc công bố quyết định thanh tra tới các cơ quan ban ngành: Đoàn thanh tra với thành phần có đại diện của các đơn vị gồm Thanh tra tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND huyện Tam Đảo, UBND thị trấn Tam Đảo,....

Ông Nguyễn Hữu Sơn (Phó Chánh Thanh tra tỉnh, Trưởng đoàn thanh tra) đã công bố Quyết định thanh tra việc vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai, phá rừng Thông trồng Su su trên địa bàn thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
1
Rừng thông bị phá để trồng su su.
Ông Ngô Hữu Mai (Chủ tịch UBND thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo) yêu cầu các các tổ chức, cá nhân, đơn vị có liên quan của UBND thị trấn Tam Đảo nghiêm túc thực hiện, chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, tài liệu có liên quan và phối hợp làm việc với Đoàn thanh tra để Đoàn thanh tra hoàn thành nhiệm vụ.

Đoàn thanh tra cho biết sẽ khẩn trương kiểm tra, xác minh làm rõ vụ việc, đảm bảo chính xác, khách quan, nếu có sai phạm thì phải xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan và báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trước đó, Báo Tài nguyên & Môi trường đã có loạt bài phản ánh về việc, người dân kêu cứu vì rừng thông 327 tại thị trấn Tam Đảo bị tàn phá, trong đó có sự tiếp tay của lãnh đạo thị trấn. Sự việc diễn ra đã nhiều năm, người dân nhiều lần phản ánh lên trên nhưng chính quyền huyện Tam Đảo vẫn không không xử lý.

Theo phản ánh, 8ha rừng thông 327 ở Tam Đảo được trồng từ năm 1998. Tuy nhiên từ năm 2004 đến nay, nhiều hộ dân đã kéo vào chặt phá rừng thông 327 và lấn chiếm đất biến thành vườn trồng su su. Một số hộ dân xây cả nhà ở đây. Thậm chí có người chiếm đất xong còn bán cho người khác. 
 
Trong một văn bản trả lời người dân, ông Đỗ Văn Chúc (Chủ tịch UBND thị trấn Tam Đảo, nay là Phó Bí thư thị trấn) tuyên bố rằng: Hiện vẫn còn khoảng 5,1ha rừng, phần dùng làm đường khoảng 1ha, còn 1,9ha là bị các hộ phá để trồng su su (đã hết thời hiệu xử phạt hành chính). Lãnh đạo thị trấn còn cho rằng phần lớn rừng nằm trong địa giới hành chính xã Tam Quan.
 
Trong khi chính quyền địa phương chưa xác định được trách nhiệm của ai thì trả lời PV, ông Đỗ Thanh Hải (Giám Đốc Vườn Quốc gia Tam Đảo) lắc đầu, không biết rừng thông 327 của Tam Đảo ở đâu và thuộc quản lý của mình hay không. 

Trong một văn bản trả lời báo Tài Nguyên & Môi Trường, UBND huyện Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cho rằng phần lớn đất này của các hộ đều có nguồn gốc khai hoang do bố, mẹ hoặc người thân trong gia đình cho con cháu để canh tác, sản xuất. 
 
UBND huyện Tam Đảo khẳng định: "Khu vực 2ha rừng 327 trồng từ năm 1998 tại thị trấn Tam Đảo đã được quy hoạch là đất ở vào năm 1999 và ngoài quy hoạch đất lâm nghiệp 3 loại rừng".
 
Trong khi đó, trong một văn bản trả lời công dân do ông Đỗ Văn Chúc (Chủ tịch UBND thị trấn Tam Đảo, nay là Phó Bí thư thị trấn) thừa nhận 1,9ha là bị các hộ phá để trồng su su nhưng đã hết thời hiệu xử phạt hành chính. Lãnh đạo thị trấn còn cho rằng phần lớn rừng nằm trong địa giới hành chính xã Tam Quan.
 
Sự việc mập mờ kéo dài hơn 10 năm khiến người dân nơi đây phải gửi đơn khiếu nại nhiều lần. Vậy nhưng sau khi báo Tài nguyên & Môi trường phản ánh, các cơ quan ban ngành tại địa phương mới vào cuộc và phản hồi thông tin.