Chính quyền huyện Kim Bảng (Hà Nam) có bàng quan trước sự việc?

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 10:37, 22/12/2017

(TN&MT) - Báo Tài nguyên và Môi trường vừa nhận được Công văn số 387/STTTT-TTBCXB, ngày 19/12/2017 của Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Nam, đính gửi kèm theo Công văn số 859/UBND-VP ngày 13/12/2017 của UBND huyện Kim Bảng, về việc cung cấp thông tin cho báo chí liên quan đến sân golf Trường An, nhằm phản hồi loạt bài viết “Kim Bảng - Hà Nam: Dân khốn khổ vì dự án sân gotf nghìn tỷ”. Đồng thời, đề nghị báo Tài nguyên và Môi trường liên hệ với ông Phạm Hồng Sơn, Chủ tịch UBND huyện Kim Bảng để biết thêm thông tin chi tiết.
Kim Bảng - Hà Nam: Dân khốn khổ vì dự án sân gotf nghìn tỷ 1
Bụi đất rơi đầy mặt đường một số đoạn quốc lộ 21A qua tổ dân phố số 5, thị trần Ba Sao

Công văn số 859/UBND-VP, ngày 13/12/2017 của UBND huyện Kim Bảng gửi Văn phòng UBND tỉnh Hà Nam, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Nam, thừa nhận: “Quá trình thi công xây dựng sân gofl tồn tại lớp đất phủ không sử dụng được gây ảnh hưởng đến môi trường. Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh Hà Nam có văn bản số 1407/UBND-NN&TNMT, ngày 02/6/2017 về việc đồng ý cho phép Công ty xây dựng Quang Dũng được thu hồi, tận dụng lớp đất phủ và thảm thực vật khoảng 700.000 đến 800.000 m3 để cung cấp cho các đơn vị có nhu cầu sử dụng, thời gian thực hiện trong 6 tháng. Thực tế, trong thời gian khai thác lượng xe chở đất làm rơi vãi ra đường gây bụi bẩn, ảnh hưởng việc đi lại của người dân, tiềm ẩn mất an toàn giao thông”.

Kim Bảng - Hà Nam: Dân khốn khổ vì dự án sân gotf nghìn tỷ 2
Nhiều đoạn suối chảy qua khu dân cư bị đất, đá bồi lắng

Cũng theo Công văn này thì “Trong thời gian từ tháng 9 đến nay việc vận chuyển gây ô nhiễm môi trường đã giảm thiểu đáng kể... Việc ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn tai nạn giao thông đã được chính quyền địa phương và các đơn vị thi công khắc phục từ tháng 9/2017 đến nay, đáp ứng cơ bản đề nghị của nhân dân”.

Cụ thể, Công văn số 859/UBND-VP nêu rõ: “Công an huyện Kim Bảng thường xuyên kiểm tra, xử lý các xe chở quá tải, quá khổ, xe không che phủ bạt làm rơi vãi vật liệu xuống đường trong quá trình vận chuyển, đồng thời cử 1 đội cảnh sát giao thông trực để kiểm tra nên trong thời gian từ tháng 9 đến nay việc vận chuyển gây ô nhiễm môi trường đã giảm thiểu đáng kể.

Kim Bảng - Hà Nam: Dân khốn khổ vì dự án sân gotf nghìn tỷ 3
Việc vận chuyển đất từ dự án sân golf còn gây ô nhiễm đoạn QL 21A qua trung tâm thị trấn Ba Sao

Đơn vị thi công dự án Sân golf làm việc với UBND thị trấn Ba Sao, cấp ủy chi bộ 5 và đại diện nhân dân vào ngày 15/6/2017 và ngày 05/8/2017 và họp với nhân dân tổ 5 tại nhà văn hóa tổ 5 vào ngày 24/7/2017. Nội dung các buổi làm việc đều thống nhất các đơn vị thi công phải quét dọn thường xuyên và xử lý bùn đất trên đường từ 70% trở lên để đảm bào vệ sinh môi trường, an toàn giao thông, an ninh trật tự trong quá trình vận chuyển.

UBND thị trấn Ba Sao bố trí lực lượng công an, công chức giao thông, cùng cấp ủy chi bộ 5 thường xuyên giám sát và báo cáo kịp thời việc thực hiện quét dọn, xử lý bùn đất của đơn vị thi công. Khi có vị trí tồn đọng nhiều bùn đất, gây mất an toàn giao thông, yêu cầu đơn vị thi công có biện pháp xử lý xong mới tiếp tục được vận chuyển. Đến nay công việc bóc lớp phủ bì và vận chuyển cơ bản không còn gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn giao thông.

Kim Bảng - Hà Nam: Dân khốn khổ vì dự án sân gotf nghìn tỷ 4
Xe hạng nặng chở đất từ dự án sân golf Kim Bảng

Do đó, việc ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn tai nạn giao thông đã được chính quyền địa phương và các đơn vị thi công khắc phục từ tháng 9/2017 đến nay, đáp ứng cơ bản đề nghị của nhân dân.

Trong đợt mưa úng đầu tháng 10/2017 vừa qua lượng nước dồn xuống các dòng suối lớn nên xảy ra tình trạng nước bùn dềnh vào nhà dân, tuy nhiên, đây là trận lũ lịch sử từ trước tới nay việc ngập lụt là tình trạng chung trên tất cả các địa bàn bị ảnh hường mưa lũ, không riêng thị trấn Ba Sao. Để phòng chống, hạn chế tình trạng trên khi xảy ra mưa lũ, ƯBND huyện đã chỉ đạo thị trấn Ba Sao triển khai ngay việc khơi thông dòng chảy các dòng suối trong năm 2018”.

Như vậy, với cách cung cấp thông tin cho báo chí cũng như báo cáo Văn phòng UBND tỉnh Hà Nam, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Hà Nam nêu trên thì liệu UBND huyện Kim Bảng có bàng quan trước sự việc, đã làm hết trách nhiệm, thể hiện vai trò của mình trước nhân dân?

Bởi thực tế, trong suốt thời gian dài thi công xây dựng dự án sân golf, mặc dù chính quyền thị trấn Ba Sao tổ chức tới 3 lần hội nghị làm việc, nhưng các đơn vị thi công, chủ đầu tư đã không thực hiện theo đúng như cam kết, vẫn gây ảnh hương về ô nhiễm môi trường, nhà cửa bị rung nứt, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông... khiến người dân địa phương bức xúc. Đặc biệt, trong đợt mưa lũ tháng 10/2017 vừa qua, theo đơn thư phản ánh của các hộ dân ở tổ dân phố số 5 gửi cơ quan báo chí, cơ quan chức năng thì: “Từ khi xây dựng sân golf, việc chặt phá hàng loạt các loại cây to ở ven đồi và tôn bồi đất trong các thung lũng đã làm lấp đi các dòng suối nhỏ. Vì vậy, khi mưa xuống, nước dồn về khu dân cư đã gây đổ tường bao, cuốn trôi nhiều vật nuôi và hoa màu. Nước dâng cao cũng kéo theo bùn đất tràn vào nhà, làm hỏng đồ dùng sinh hoạt và các loại máy móc phục vụ sản xuất, gây nguy hiểm tính mạng người dân”.

Kim Bảng - Hà Nam: Dân khốn khổ vì dự án sân gotf nghìn tỷ 5
Công văn số 859/UBND-VP, ngày 13/12/2017 của UBND huyện Kim Bảng
 

Hơn nữa, thời điểm tháng 10 và đầu tháng 11/2017, phóng viên báo Tài nguyên và Môi trường về ghi nhận thực tế thì nhiều ý kiến của người dân cũng như ý kiến của lãnh đạo chính quyền địa phương, đại diện một số đơn vị thi công, chủ đầu tư đều thừa nhận thực trạng. Tất cả những vấn đề này đã được báo Tài nguyên và Môi trường phản ánh trong loạt bài “Kim Bảng - Hà Nam: Dân khốn khổ vì dự án sân gotf nghìn tỷ”.

Còn thời điểm hiện nay, việc thi công xây dựng sân golf (công việc bóc lớp phủ bì và vận chuyển cơ bản không còn gây ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn giao thông... như Công văn số 859/UBND-VP, ngày 13/12/2017 của UBND huyện Kim Bảng nêu) đã hạn chế gây ảnh hưởng tới người dân, là do dự án đang giai đoạn cuối của việc hoàn thiện mặt bằng, các đơn vị thi công chủ yếu thực hiện vận chuyển đất, đá san lấp mặt bằng trong khuôn viên của dự án, chứ hoàn toàn không phải do đã được khắc phục.

Vấn đề tồn tại, hậu quả do những ảnh hưởng về ô nhiễm môi trường, nhà cửa bị rung nứt cũng như những tâm tư, nguyện vọng của người dân đề nghị “khai thông mở rộng lòng suối, làm các cơ sở hạ tầng để dẫn các dòng nước nhỏ chảy xuống suối; bê tông hóa, đặt cống, làm rãnh thoát nước trên đường vào nghĩa trang; đảm bảo an toàn môi trường trong khu dân cư” thì không biết đến bao giờ mới được khắc phục, thực hiện. Bởi các cấp chính quyền địa phương, đơn vị thi công, chủ đầu tư dự án sân golf hiện đang đùn đẩy trách nhiệm, còn bàng quan trước sự việc, chưa có ý kiến chính thức cũng như chưa có biện pháp cụ thể giải quyết.

Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin vụ việc./.