Sở TN&MT Hòa Bình phản hồi vụ trại lợn của Công ty Japfa Việt Nam gây ô nhiễm
Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 18:55, 17/07/2019
Vừa qua, Báo TN&MT đã đăng tải bài viết: Kỳ Sơn - Hoà Bình: Dân tố trang trại lợn của Công ty Japfa Việt Nam gây ô nhiễm nhằm phản ánh ý kiến của người dân xã Hợp Thịnh và xã Phú Minh (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình) về trang trại lợn của Công ty Japfa Việt Nam (đóng ở địa bàn xóm Quốc, xã Phú Minh) gây ô nhiễm môi trường. Ghi nhận của PV vào chiều ngày 27/5/2019 thấy rằng, nguồn nước thải ở các hồ lắng xanh đặc, nổi váng và bốc mùi hôi thối. Cả một khu vực rộng lớn quanh khu chuồng trại lúc nào cũng phảng phất mùi phân lợn làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống, sức khỏe cũng như sản xuất của người dân.
Sau khi Báo TN&MT đăng tải thông tin, hơn một tháng sau, Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình) đã lập đoàn kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm nước thải đối với trại lợn của Công ty Japfa Việt Nam. Trao đổi với PV báo TN&MT, ông Nguyễn Khắc Long, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình) cho biết: “Hồ sơ về bảo vệ môi trường của trại lợn này đầy đủ nên quan trọng là ý thức chấp hành và trách nhiệm của doanh nghiệp. Vừa rồi chủ trại cũng có báo cáo với chi cục là đang khắc phục mà theo họ, vấn đề nằm ở men vi sinh có thể không đạt hiệu quả dẫn đến nước thải có vấn đề. Mặc dù thế Chi cục vẫn lập đoàn kiểm tra do đồng chí Nguyễn Thị Hoa, Chi cục phó làm trưởng đoàn xuống trại kiểm tra và lấy mẫu phân tích”.
Trao đổi cụ thể về kết quả buổi kiểm tra, bà Nguyễn Thị Hoa, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở TN&MT tỉnh Hòa Bình) cho biết: “Tại buổi kiểm tra, chúng tôi xác định ao lắng số 3 có hiện tượng rêu màu xanh như báo phản ánh. Tại ao lắng số hai, chúng tôi xác định nước màu đen do có bùn. Bùn này hình thành từ quá trình phân hủy bèo tây và các lá keo rụng xuống. Chúng tôi cũng đã yêu cầu đơn vị khắc phục ngay. Tại ao lắng số 3 là ao sục khí nên nhìn bằng mắt thường nước có màu đen. Tuy nhiên thực tế là nước có màu đỏ do người ta sục khí vào đó để xử lý ô nhiễm”.
Nói về những tác động môi trường của trại lợn đối với dân cư quanh khu vực, bà Nguyễn Thị Hoa chia sẻ: “Đoàn kiểm tra đã làm việc với đại diện chính quyền xã, trưởng thôn xóm Quốc và người dân quanh khu vực. Người dân nơi đây thừa nhận là thời gian qua năng suất cây trồng quanh khu vực có giảm nhưng không chỉ riêng xã Phú Minh. Người dân cũng phản ánh có hiện tượng lúa bị lốp mà có thể do nước thải của trại lợn. Tuy nhiên vấn đề là người dân đã gặt xong rồi nên rất khó xác định nguyên nhân chính xác và thiệt hại. Mặc dù thế, chúng tôi cũng yêu cầu chủ trại lợn phối hợp với chính quyền địa phương xác định rõ nguyên nhân gây lốp lúa. Nếu xác định nguyên nhân là do nước thải trại lợn thì chủ trại phải đền bù cho bà con. Chúng tôi cũng tiến hành lấy mẫu nước thải để kiểm tra. Khoảng nửa tháng nữa có kết quả, chúng tôi sẽ công bố cho nhân dân được biết”.
Trả lời về hướng xử lý ô nhiễm đối với trại lợn này, bà Hoa nói: “Hiện nay chủ trại họ xin thêm thời gian để hoàn thành thử nghiệm men vi sinh mới. Họ cam kết nếu dùng men vi sinh này thì nước thải thải ra môi trường sẽ đạt tiêu chuẩn cột A (Quy chuẩn Việt Nam – PV). Trước mắt chúng tôi đã lấy mẫu kiểm tra và đợi kết quả. Nếu kết quả vượt quy định so với Đề án bảo vệ môi trường đã được duyệt thì chúng tôi sẽ tiến hành xử phạt. Nếu kết quả trong ngưỡng quy định thì chúng tôi cũng công bố thông tin để bà con được rõ”.
Báo TN&MT sẽ tiếp tục thông tin...