Khiếu nại vì đất thu hồi trước, thu hồi sau: Chính quyền địa phương nói gì?

Bạn đọc - Pháp luật - Ngày đăng : 15:34, 07/08/2019

(TN&MT) - UBND huyện Yên Phong (Bắc Ninh) vừa có phản hồi Báo Tài nguyên & Môi trường về việc người dân thôn Trần Xá (xã Yên Trung, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh) khiếu nại chính quyền địa phương giải quyết không thỏa đáng trong đền bù hỗ trợ đất đai phục vụ dự án. Theo đó, chính quyền địa phương này cho biết họ vẫn đang kiến nghị lên tỉnh để giải quyết hỗ trợ quỹ đất 10% cho những người dân còn lại.

Trước đó, người dân gửi đơn đến Báo Tài nguyên & Môi trường cho biết năm 2006, tỉnh bắt đầu thu hồi đất nông nghiệp ở Yên Phong để giao cho Tổng công ty Viglacera xây dựng KCN Yên Phong. Trong đó thôn Trần Xá với hơn 300 hộ cũng bị thu hồi hàng chục hecta. Nhưng  phải đến 2 năm sau, chủ đầu tư Viglacera mới có phương án bồi thường hỗ trợ cho dân.

Người dân cho rằng, chính vì Viglacera bồi thường theo nhiều đợt khiến chính sách bồi thường bị thay đổi. Theo quy định, những hộ bị thu hồi trên 30% đất nông nghiệp phải được giao đất dịch vụ 10%. Vậy nhưng nhiều gia đình nhận tiền bồi thường sau ngày 1/10/2009 (lúc Nghị định 69/2009/NĐ-CP có hiệu lực) đã không được áp dụng chính sách này.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hòa (Trưởng Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Yên Phong) cho biết, tỉnh đã có kết luận thanh tra giải quyết đơn của các hộ dân thôn Trần Xá. Theo đó, dự án được thực hiện và các hộ có đất được bồi thường hỗ trợ vào lúc giao thời khi Nghị định 84/2007/NĐ-CP hết hiệu lực và Nghị định 69/2009/NĐ-CP có hiệu lực. Trước đó, UBND tỉnh Bắc Ninh ra quyết định thu hồi tổng thể gồm đất nông nghiệp lẫn mương máng, ao hồ,... thì Nghị định 69/2009/NĐ-CP chưa ra đời và theo quy định, hộ nào bị thu hồi trên 30% đất ruộng thì được hỗ trợ 10% đất dịch vụ.

65872436 339805610285627 1393518726350897152 n
Khu dự án đất dân cư dịch vụ nhìn sang KCN Yên Phong

Sau đó, huyện triển khai thì lại chia làm nhiều đợt. Nhiều hộ dân được triển khai thu hồi đất sau thời điểm Nghị định 69/2009/NĐ-CP có hiệu lực nên không được hưởng quyền lợi này.

Ông Hòa đưa ra cho chúng tôi xem các quyết định thu hồi đất của huyện. Theo đó, việc thu hồi đất được thu hồi làm nhiều đợt và mỗi đợt đều có một quyết định thu hồi. Riêng những hộ dân tại thôn Trần Xá rơi vào trường hợp đang khiếu nại, thu hồi đợt 6.3 và ký vào năm 2010, sau thời điểm Nghị định 69/2009/NĐ-CP .

Theo ông Hòa, các khu vực khác, vào thời điểm nhà nước có quyết định thu hồi, đã đồng ý lấy tiền bồi thường ngay nên bây giờ lại được hưởng đất dịch vụ 10%, Tuy nhiên ở thôn Trần Xá thu hồi muộn nên người dân không thuộc diện hỗ trợ.

"Chúng tôi thực hiện chiếu theo đúng quy định pháp luật chứ không dám tự ý quyết định lấy đất ra chia cho dân." - Ông Trưởng Phòng TN&MT huyện nói.

Ông Hòa cho biết, mặc dù quy định là như vậy, nhưng trong báo cáo gửi lên tỉnh, huyện đã kiến nghị tỉnh xem xét vận dụng linh hoạt hỗ trợ cho người dân. Theo ông Hòa, thực chất quỹ đất dịch vụ 10% tại địa phương vẫn còn. Nếu tỉnh chấp thuận, huyện vẫn có thể xem xét để hỗ trợ cho dân. Tuy nhiên khi tỉnh chưa có ý kiến thì huyện phải thực hiện theo đúng chủ trương, quy định pháp luật.

Ông Hòa cho rằng, người dân cũng có cái lý của họ. Nếu Thanh tra Chính phủ vào cuộc hoặc Chính phủ có chủ trương về tỉnh để giải quyết giúp dân thì đó là điều quá tốt. "Chúng tôi cũng mong những chủ trương có lợi cho dân", ông Hòa nói.

Trả lời về việc thu 300 triệu, ông Hòa cho rằng hoạt động này đều phải có cơ quan pháp luật giám sát. Tại các dự án này, khi người dân phải đóng tiền giải phóng mặt bằng và tiền xây dựng cơ sở hạ tầng. Nhà nước không có nguồn tiền mà người dân phải tự đóng góp để xây dựng hạ tầng. Tuy nhiên, khi dân nhận đất, nhà nước phải trừ phần xây dựng hạ tầng của các hạng mục khác như trung tâm thương mại hay các mục mà họ không liên quan. Điều quan trọng là người dân không phải đóng tiền sử dụng đất.

Như đã đưa tin, sau khi kết thúc việc GPMB cho KCN Yên Phong, UBND xã Yên Trung lập dự án đất dân cư dịch vụ 10% để giao cho các hộ bị thu hồi tại dự án KCN Yên Phong. Tuy nhiên, địa phương đã áp dụng Nghị định 69/2009/NĐ-CP, nghĩa là: những diện tích bị thu hồi trước 1/10/2009 (đã nhận tiền đền bù) thì được đất 10%, nếu sau 1/10/2009 thì không được. Theo đó, xã chỉ duyệt giao 290 lô đất cho những trường hợp nhận bồi thường trước tháng 10/2009. Còn 165 lô nữa không giao cho các trường hợp nhận tiền sau tháng 10/2009.

Nhiều người dân thôn Trần Xá cho rằng, điều này trái quy định, quy hoạch đã được lập, được bàn, được duyệt. Người dân yêu cầu giải quyết cho dân xong thì mới tiếp tục triển khai. Nhưng xã không thực hiện, nhiều chỗ chưa bồi thường cho dân nhưng xã vẫn san lấp. Xã còn tự ý huy động vốn: yêu cầu thu khoảng 300 triệu/1 lô 100m2. Việc thu tiền này là theo Hướng dẫn 4 của Sở TN&MT về việc những người được đất thì phải chịu tiền hạ tầng. Nhưng xã thu không đúng vì việc xây dựng phương án không rõ ràng.

Sau khi người dân đơn thư lên xã và huyện Yên Phong, huyện trả lời theo đúng quan điểm của xã, và nói rằng phần 165 lô nói trên sẽ để bán đấu giá. Dân không đồng tình vì huyện vận dụng không đúng kết luận của thường vụ tỉnh ủy trước đó đã nói rằng xã chỉ được bán một số lô đất để đầu tư lại công trình.