Ngọc Lặc (Thanh Hóa): Làm ngơ cho doanh nghiệp “ăn cắp” khoáng sản?

Tiếng dân - Ngày đăng : 20:35, 02/08/2019

(TN&MT) – Chưa được UBND tỉnh cấp phép khai thác khoáng sản, thế nhưng Công ty TNHH khai thác đá Liên Việt vẫn ngang nhiên mang máy móc, phương tiện vào khai thác đá tại núi Bãi Mạ, làng Đồng Trôi, xã Lộc Thịnh, huyện Ngọc Lặc (Thanh Hóa). Việc khai thác đã diễn ra suốt một thời gian, chính quyền vẫn không kiểm tra xử lý cho tới khi có phản ánh của báo chí mới lập biên bản?

Khai thác đá trái phép, khi chưa có chủ trương

Theo phản ánh của người dân: Đã nhiều tháng nay, Công ty TNHH khai thác đá Liên Việt (Công ty Liên Việt) mang máy móc, phương tiện vào khai thác đá xẻ tại khu vực chân núi Bãi Mạ làng Đồng Trôi (nay thuộc thôn Lộc Phát), xã Lộc Thịnh. Đặc biệt, Công ty còn dùng công nghệ cắt dây để khai thác một lượng lớn đá xẻ, bán cho các xưởng chế biến đá trên địa bàn.
 

Việc khai thác đá trái phép diễn ra rầm rộ, nhưng chính quyền vẫn không hề hay biết.
Việc khai thác đá trái phép diễn ra rầm rộ, nhưng chính quyền vẫn không hề hay biết.

Theo ghi nhận của phóng viên: Tại chân núi Bãi Mạ, có 3 điểm khai thác, có 2 chiếc máy xúc cùng nhiều máy móc, phương tiện khác hỗ trợ cho việc khai thác đá xẻ bằng công nghệ cắt dây. Một lượng lớn đá xẻ đã được vận chuyển đi, để lại những vách dựng đứng. Nhìn qua, cứ nghĩ đây là khu vực đã được ngành chức năng cấp phép cho khai thác khoáng sản.

Thế nhưng, qua tìm hiểu chúng tôi được biết tại khu vực nói trên chỉ thuộc phạm vi mà Công ty Liên Việt chỉ đang xin cấp phép và chưa được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương.

Được biết, ngày 19/03/2019 Sở Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 1440/SKHĐT-KTĐN báo cáo UBND tỉnh kết quả thẩm định và đề nghị chưa chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng tại xã Lộc Thịnh, huyện Ngọc Lặc của Công ty TNHH khai thác đá Liên Việt do có ý kiến hiện trạng khu đất đề nghị thực hiện dự án được xác định là rừng tự nhiên.
 

Một lượng lướn đá xẻ đá được vận chuyển đi tiêu thụ, để lại những vách dựng đứng.
Một lượng lướn đá xẻ đá được vận chuyển đi tiêu thụ, để lại những vách dựng đứng.

Sau đó, ngày 25/03/2019 UBND tỉnh Thanh Hóa có Công văn số 3343/UBND-CN  giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và đầu tư, Sở TN&MT, UBND huyện Ngọc Lặc và các đơn vị có liên quan kiểm tra, xác định rõ loại rừng, hiện trạng rừng (đặc biệt làm rõ có rừng  tự nhiên, rừng phòng hộ hay không) tại khu vực mỏ đá nêu trên; căn cứ tiêu chí rừng tự nhiên theo quy định tại Điều 4, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp, có ý kiến đề xuất cụ thể (đồng ý hoặc không đồng ý) về đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường tại xã Lộc Thịnh, huyện Ngọc Lặc của Công ty TNHH khai thác đá Liên Việt.

Chính quyền không hề hay biết?

Việc khai thác đã diễn ra suốt một thời gian, một lượng lớn đá xẻ đã được vận chuyển đi tiêu thụ. Thế nhưng phía chính quyền xã Lộc Thịnh lại không hề hay biết. Trao đổi với PV, ông  Bùi Văn Huệ - Chủ tịch UBND xã Lộc Thịnh cho biết: Vị trí mà phóng viên phản ánh, thuộc phạm vi Công ty Liên Việt đang xin cấp phép, tỉnh cũng đã lên kiểm tra nhiều lần, nhưng hiện tại vẫn chưa có hồ sơ gì. Còn việc họ khai thác thì tôi chưa nắm được, do vị trí xa, nằm giáp với xã Yên Lâm (Yên Định)?
 

Núi Bãi Mạ tan hoang vì “đá tặc”
Núi Bãi Mạ tan hoang vì “đá tặc”

Sau khi có phản ánh của phóng viên, ngày 28/07/2019 UBND xã Lộc Thịnh mới cử cán bộ địa chính và Trưởng công an xuống kiểm tra hiện trạng khu vực khai thác. Theo biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản do UBND xã Lộc Thịnh lập: bà Lê Thị Việt, Chủ tịch hội đồng thành viên Công ty Liên Việt đã có hành vi vi phạm hành chính về lĩnh vực khai thác khoáng sản. Tại thời điểm kiểm tra phát hiện: Công ty Liên Việt đã tự ý đem máy móc và phương tiện tại khu vực chân núi Bãi Mạ, làng Đồng Trôi (nay thuộc thôn Lộc Phát), nơi công ty đang xin UBND tỉnh cấp phép để khai thác khoáng sản.

Tại hiện trường có một máy xúc đang hoạt động, một máy cắt dây đã dừng hoạt động, công ty đã khai thác với diện tích khoảng 150m2. Hành vi tự ý khai thác đá của Công ty Liên Việt trong khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép đã vi phạm vào khoản 1, điều 44 của Nghị định 33/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khoáng sản. Yêu cầu bà Lê Thị Việt chấm dứt mọi hoạt động khai thác đá trái phép tại khu vực núi nêu trên, di chuyển toàn bộ phương tiện, máy móc ra khỏi khu vực đã khai thác, thực hiện biện pháp an toàn lao động, cải tạo và phục hồi môi trường theo quy định.

Việc khai thác đá trái phép của Công ty Liên Việt diễn ra không chỉ ngày một ngày hai, công ty huy động máy móc, phương tiện khai thác rầm rộ và cũng nằm ngay trục đường chính từ xã Lộc Thịnh đi xã Yên Lâm (huyện Yên Định) vậy chính quyền xã Lộc Thịnh cho biết không nắm được, có phải  là sự thờ ơ trong công tác quản lý hay làm ngơ cho doanh nghiệp “ăn cắp” tài nguyên khoáng sản?

Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc./.