Lục Nam – Bắc Giang: Ngang nhiên “mở đường” để khai thác đất mang  đi bán?

Tiếng dân - Ngày đăng : 23:21, 05/08/2019

(TN&MT) - Hàng chục chuyến xe chở đất nối đuôi nhau rầm rập mỗi ngày, ra vào lấy đất chở xuống cảng, đổ xuống thuyền, chở đi nơi khác tiêu thụ.  Ai bao che,...

 

(TN&MT) - Thời gian gần đây, người dân xã Trường Giang, huyện Lục Nam (Bắc Giang) rất bức xúc về tình trạng đất rừng, đất nông nghiệp bị biến tấu, nhằm khai thác đất sét. Cả vùng này bị đào bới nham nhở, khiến nhiều quả đồi chuyên trồng rừng sản xuất có nguy cơ bị san phẳng. Hàng chục chuyến xe chở đất nối đuôi nhau rầm rập mỗi ngày, ra vào lấy đất chở xuống cảng, đổ xuống thuyền, chở đi nơi khác tiêu thụ.  Ai bao che, giúp đỡ các đối tượng ở đây lợi dụng danh nghĩa “hạ cốt nền”, lách luật để khai thác khoáng sản?.
 

20190723 154815

 

Trao đổi với một số người dân đang sinh sống tại thôn Tòng Lệnh 3,  mọi người cho biết: “Khu vực này có rất nhiều đất sét (loại đất chuyên làm gạch). Đất nằm trong các quả đồi lớn. Nhưng kể từ ngày “mọc ra” cái cảng trung chuyển đất của Công ty TNHH Khai thác khoáng sản Cúc Dự hoạt động. Lập tức, ở chung quanh đó nhiều dự án “hạ cốt nền” được ra đời. Có xin phép hẳn hoi. Và rồi, được phê chuẩn. Vậy là hàng đoàn xe chở đất cứ chạy rầm rầm khai thác hết quả đồi này lại sang khai thác quả đồi khác. Đất cứ ùn ùn chở, đổ xuống thuyền và chở đi nơi khác tiêu thụ…”.
 

20190723 154929

 

Qua tìm hiểu thực tế, phóng viên được biết: Hiện tại, xung quanh khu vực xã Trường Giang là một vùng nông thôn, rừng núi heo hút. Phần lớn người dân ở đây làm nông nghiệp, đời sống khó khăn. Vậy là có một số đối tượng nhận là các công ty, doanh nghiệp… Những đối tượng này đến mua lại đất đồi của dân bằng một hình thức khéo léo. Rồi những vị này mang đủ các loại thủ tục, giấy tờ đến cho người dân ký. Và từ đây, họ có “cơ sở” để trình lên các cấp ngành chức năng xin làm các thủ tục, rồi hạ cốt nền, và từ đây đất sét được khai thác ồ ạt…

 

Trao đổi với phóng viên, anh Hoàng Xuân Trường, một người dân địa phương phản ánh: “Chưa bao giờ người dân địa phương thấy một cán bộ nào xuống đây kiểm tra thực tế cả. Họ xin cấp phép “hạ cốt nền” một vị trí, số lượng chỉ ít thôi. Nhưng khi cho máy xúc, ô tô vào làm thì vơ vét gấp đến 2 – 3 lần thực tế. “Cũng vì chỉ là đất thôi, nên có thể giá trị sản lượng không đáng, nên cơ quan chức năng có lẽ không kiểm tra, phó mặc cho các chủ đất khai thác tùy tiện chăng?” -  Anh Trường nói.
 

20190723 155433

 

“Mục sở thị” tại các điểm khai thác đất tại xã Trường Giang, phóng viên Báo TN&MT thấy có nhiều điểm “bất thường”  đó là sự xuất hiện của một con đường xuyên qua núi vào cảng. Có lẽ con đường “chiến lược” này đã góp phần khơi thông hàng loạt các quả đồi đất phía trong?. Để rồi ô tô, xe tải lớn chạy từ trong đồi ra con đường “chiến lược” đổ xuống cảng. Và từ đây, thuyền bè, xà lan… tấp lập ra vào “ăn hàng” chở đi khắp nơi bán khoáng sản “đất” dưới tấm bình phong là “hạ cốt nền”.
 

20190723 161724

 

Tiếp tục điều tra, phóng viên được người dân cho biết: Cảng trung chuyển đất này là của Công ty TNHH khai thác khoáng sản Cúc Dự, đã được Sở Giao thông vận tải tỉnh Bắc Giang cấp ngày 13/7/2017, với mục đích sử dụng: Tập kết trung chuyển hàng hóa thông thường.. thời gian hoạt động; 3 năm (36 tháng) kể từ ngày cấp.

 

Sau khi cảng này được cấp phép từ năm 2017 hiện nay trên địa bàn xã Trường Giang trở thành điểm nóng “hạ cốt nền”. Các dự án san gạt mặt bằng, hạ cốt nền trên đất trồng cây nông nghiệp, đất rừng sản xuất... liên tục ra đời. Tính từ đầu năm 2019 đến nay, gần như tháng nào cũng có 1 dự án san gạt mặt bằng, hạ cốt nền. Điểm trong danh sách mà một cán bộ cho phóng viên xem nhanh, điển hình như: Nhà ông Nguyễn Văn Phóng, được cấp ngày 01/1/2019. Nhà ông Nguyễn Văn Vĩ, được cấp ngày 13/3/2019. Nhà ông Nguyễn Văn Duyên được cấp ngày 4/6/2019. Nhà ông Đinh Văn Điều được cấp ngày 17/7/2019.... Đây là một trong những điều bất thường mà ai cũng có thể nhận thấy. Vậy tại sao, các hộ dân ở xã này lại ồ ạt xin san gạt đất?. Vậy đất đổ đi đâu?

 

Theo như trong giấy phép, hộ nhà ông Nguyễn Văn Duyên vận chuyển đất dư thừa trong quá trình san gạt mặt bằng, hạ cốt nền trong diện tích đất rừng sản xuất tại khu vực thôn Tòng Lệnh 3, xã Trường Giang, huyện Lục Nam cấp ngày 4/6/2019, Theo giấy cấp, số đất thừa này được vận chuyển đi san lấp mặt bằng để xây dựng trường mầm non Cương Sơn, huyện Lục Nam. Nhưng khi trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Cương Sơn cho biết: Dự án san lấp mặt bàng trường mầm non Cương Sơn không có một xe đất nào ở xã Trường Giang chở về cả. Đất đó chở đi đâu thì ông Sơn cũng không biết…
 

20190723 162312

 

Tiếp tục lần theo như trong giấy phép các hộ nhà ông Vĩ, ông Phóng, ông Điều thì đất được vận chuyển để san lấp mặt bằng khu công nghiệp Song Khê – Nôi Hoàng. Nhưng thực tế, khi được hỏi về việc đổ đất, thì các cán bộ có trách nhiệm của khu công nghiệp đều cho hay: Thời gian qua, đất san lấp ở trong khu công nghiệp được chở từ các mỏ đất ở huyện Yên Dũng về.

 

Trao đổi với phóng viên, Luật sư Hà Thị Thanh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) phân tích: Đây có thể là một hình thức “lách luật”, để cho doanh nghiệp khai thác khoáng sản tài nguyên đất một cách “hợp pháp”.  Như vậy, lợi ích chỉ thuộc về một số cá nhân. Việc Sở Giao thông vận tải tỉnh Bắc Giang cấp phép làm cảng trung chuyển hàng hóa cho Công ty TNHH khai thác khoáng sản Cúc Dự  có đúng pháp luật hay không?, có nằm trong quy hoạch của ngành Giao thông vận tải hay không?...
 

20190723 163635


 

Đã đến lúc, các cơ quan chức năng của tỉnh Bắc Giang cần vào cuộc, làm rõ những điểm khai  thác đất  “trá hình” đang diễn ra tại xã Trường Giang, huyện Lục Nam, tránh tình trạng tài nguyên khoáng sản bị “chảy máu”.