TP Điện Biên: Bê bối hai dự án đất “vàng”

Tiếng dân - Ngày đăng : 18:38, 30/07/2019

(TN&MT) – Hai Dự án Khu nhà ở Tân Thanh và Dự án Khu nhà ở phía Tây Nậm Rốm không biết  tỉnh Điện Biên và chủ đầu tư thực hiện theo phương thức nào? Chỉ biết rằng 5,2ha diện tích đất “vàng” nằm giữa TP. Điện Biên Phủ, tỉnh này giao cho doanh nghiệp nay “cơ bản” đã bán hết đất nền và Nhà nước chưa thu được tiền thuế đất. Hiện, 2 Dự án này kéo dài đã 6 năm và vẫn còn “bê bối”…

Hai Dự án Khu nhà ở phía Tây sông Nậm Rốm (phường Thanh Bình) và Khu nhà ở Tân Thanh (phường Him Lam), TP. Điện Biên Phủ (gọi tắt là Dự án Khu nhà ở Tân Thanh và Khu nhà ở Tây Nậm Rốm) được UBND tỉnh Điện Biên chấp thuận đầu tư tại Quyết định số 825/QĐ-UBND và Quyết định số 826/QĐ-UBND, ngày 17/10/2013 giao cho chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư xây dựng và Công nghệ Môi trường, tỉnh Điện Biên (gọi tắt là Cty công nghệ Môi trường Điện Biên), với diện tích đất 5,2ha để đầu tư hạ tầng xã hội và san đất bán nền.

Hiện Dự án Khu nhà ở phía Tây sông Nậm Rốm đã hoàn thành các hạng mục đầu tư xây dựng hạ tầng; gồm điện, đường và công trình cấp thoát nước, đường điện, đường giao thông nội bộ... Theo chủ trương của tỉnh này thì các hạng mục đó sẽ được tính toán để trừ vào tiền thuế đất của doanh nghiệp. 

Đường giao thông nội bộ và đất nề thuộc Dự án Khu nhà ở Tân Thanh
Đường giao thông nội bộ và đất nề thuộc Dự án Khu nhà ở Tân Thanh


Ông Tạ Anh Tuấn, Trưởng phòng tranh tụng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết: “Nếu đưa các công trình phụ trợ phục vụ cho Dự án vào để đối trừ, làm cơ sở để trừ tiền thuế đất cho doanh nghiệp thì phải xem xét. Vì đó là doanh nghiệp đầu tư cho Dự án của họ, nhờ có các điều kiện đó thì giá đất nhà ở của họ mới tăng cao. Doanh nghiệp muốn có đất để bán nền thì rõ ràng phải đầu tư cho tỉnh một con đường, ngôi trường hay bệnh viện… tóm lại đó là công trình phúc lợi phục vụ cộng đồng rộng rãi chứ không phải trong khuôn viên Dự án của doanh nghiệp. Nếu 5,2ha đất “vàng” của tỉnh Điện Biên mang bán đấu giá công khai cho người dân thì có lẽ số tiền thu về sẽ xây được rất nhiều ngôi trường, lớp học cho trẻ em nghèo vùng cao, thay vì giao cho doanh nghiệp để rồi xử lí mãi không xong. - Ông Tuấn nói.

Trước đó ngày 24/9/2018, UBND tỉnh đã ban hành Văn bản số 2659/UBND-TH về việc khẩn trương triển khai các công việc còn lại của Dự án Khu nhà ở tân Thanh và Khu nhà ở phía Tây sông Nậm Rốm, do Phó chủ tịch UBND tỉnh Lê Thành Đô ký; yêu cầu Công ty này làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND TP. Điện Biên phủ và các cơ quan, đơn vị có liên quan để tính toán khối lượng xây dựng và tổ chức nghiệm thu hoàn thành giai đoạn I, đối với Dự án Khu nhà ở Tân Thanh.

Đồng thời giao Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Điện Biên chủ trì tổ chức hoàn tất hồ sơ, thủ tục xác định giá đất cụ thể đối với 2 Dự án Khu nhà ở Tân Thanh và Khu nhà ở phía Tây sông Nậm Rốm để Chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai. Đồng thời, giải quyết dứt điểm vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng của 2 Dự án kể trên để báo cáo UBND tỉnh Điện Biên trước ngày 18/10/2018.

Tuy nhiên, sau gần 1 năm khi có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh Điện Biên, việc giải quyết những tồn tại, vướng mắc của 2 Dự án nêu trên dường như vẫn “dậm châm tại chỗ”.

Một góc chụp từ đất Dự án Nhà ở Tân Thanh
Một góc chụp từ đất Dự án Nhà ở Tân Thanh

 

Nguyên nhân dẫn đến những vướng mắc trên được địa phương này xác định là do Dự án được thực hiện qua nhiều năm, cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật có nhiều thay đổi, đặc biệt là việc chuyển tiếp của Luật Đầu tư 2005 sang Luật Đầu tư 2014; Luật Đất đai 2003 sang Luật Đất đai 2013; tính chủ động, phối hợp giữa các Sở, ngành, UBND TP. Điện Biên Phủ trong hỗ trợ, hướng dẫn chủ đầu tư, tổ chức triển khai, thực hiện, giám sát Dự án còn nhiều hạn chế.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thành Phong, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên cho biết: Chủ đầu tư phải tổ chức triển khai công tác điều chỉnh chủ trương đầu tư, tiếp theo là thực hiện điều chỉnh dự án, điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công. Hiện tại, Sở xây dựng chưa nhận được hồ sơ liên quan đến công tác điều chỉnh chủ trương đầu tư của Dự án.

Trước đó, tại Báo cáo số 1555/BC-SXD, ngày 07/12/2016 của Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên cũng đã chỉ ra hàng loạt những sai phạm của Chủ đầu tư dự án này. Theo đó, cả 2 Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở phía Tây sông Nậm Rốm và Khu nhà ở Tân Thanh chủ đầu tư đều không đủ điều kiện kinh doanh bất động sản vì vốn pháp định không đạt yêu cầu theo quy định của pháp luật (đạt 6/20 tỷ đồng). Bên cạnh đó, bản vẽ thi công cũng không được thẩm định và không có quyết định phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công, dự toán công trình.

Mặt khác, phía chủ đầu tư chưa có thủ tục lựa chọn nhà thầu xây lắp, đơn vị quản lý dự án, giám sát thi công xây dựng... Trong khi đó, chủ đầu tư không đủ năng lực để thực hiện dự án. Ngoài ra, Chủ đầu tư không có hồ sơ khảo sát công trình. Không có hồ sơ quản lý chất lượng công trình từ bước khảo sát xây dựng đến quá trình thi công xây dựng. Dự án Khu nhà ở phía Tây sông Nậm Rốm thiếu Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của UBND tỉnh giao đất cho để chủ đầu tư thực hiện Dự án.

Cũng tại báo cáo này, Sở Xây dựng tỉnh Điện Biên kết luận: Dự án Khu nhà ở phía Tây sông Nậm Rốm chưa đủ điều kiện là bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh.

Mới đây nhất, ngày 12/6/2019, ông Lê Thành Đô, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Điện Biên kết luận tại buổi làm việc về tình hình, kết quả triển khai thực hiện Dự án Khu nhà ở Tân Thanh và Dự án Khu nhà ở phía Tây sông Nậm Rốm lại một lần nữa chỉ ra những tồn tại, vướng mắc của 2 Dự án này. Các cuộc họp đối thoại, tháo gỡ, chỉ đạo… rồi một loạt hệ thống văn bản cụ thể hóa nội dung nhiệm vụ dày lên tương đối theo thời gian, nhưng 2 Dự án này vẫn còn đầy “bê bối”.

Công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư; công tác xác định giá đất; quy trình, thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án của Khu nhà ở Tân Thanh còn “bê bết”.

Tuy nhiên, trên thực tế, 40 lô đất nền đã được Chủ đầu tư bán cho các hộ dân dưới hình thức “Hợp đồng hợp tác đầu tư” nhưng Nhà nước chưa thể thu được tiền thuế đất của Dự án này vì những “lùm xùm” xoay quanh Dự án và những người góp tiền mua đất cũng lao đao vì không biết bao giờ mới được cấp “sổ đỏ”?

Trước đó, Báo Tài nguyên và Môi trường nhiều lần phản ánh những sai phạm của Chủ đầu tư cũng như những “lùm xùm” xoay quanh 2 Dự án. Thế nhưng đến nay tỉnh Điện Biên vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm vụ việc.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin....