Thanh Hóa: Cần đảm bảo quyền lợi cho người dân sống trong vùng lõi Vườn Quốc gia Bến En
Tiếng dân - Ngày đăng : 18:44, 30/07/2019
Trên thực tế hiện nay, có hơn 300 hộ dân (chủ yếu là dân tộc Thái) sinh sống trong vùng lõi, vùng đệm của VQG Bến En. Ông Lương Văn Hiêm (80 tuổi), trú thôn Thanh Bình, xã Tân Bình cho biết, từ khi sinh ra ông đã sống ở đây, dòng họ của ông cũng sống trên mảnh đất này nhiều đời. Đến năm 1992, Nhà nước quy hoạch VQG Bến En, trong đó có thôn của ông trở thành vùng lõi.
Ông Hiêm phản ánh, trước kia người dân trong khu vực sống nhờ rừng, nhưng bây giờ thì không còn nữa. Muốn trồng rừng keo, nhưng khi cây lớn cũng không được khai thác. “Nhà tôi có 7 miệng ăn chỉ có 2 sào ruộng tự khai hoang từ các vùng đầm lầy, năm được năm mất mùa vì phụ thuộc vào nước sông Mực lên xuống thất thường. Con cái lớn muốn ra ở riêng cũng không được dựng nhà, khổ lắm”, ông Hiêm nói.
Anh Lương Văn Thiệp (SN 1971), trú cùng thôn cho biết, rất nhiều hộ gia đình trong thôn Thanh Bình đều sống chung một nỗi khó khăn vất vả mưu sinh như vậy. “Khó khăn nhất là muốn tăng gia sản xuất cũng không có đất. Nuôi trâu, bò cũng không được thả vào rừng vì thuộc đất VQG. Muốn có vốn để sản xuất kinh doanh thì cũng không có gì để tín chấp vay ngân hàng. Thật sự khốn khó trăm bề. Cuộc sống trông chờ vào việc ai thuê gì làm nấy”, anh Thiệp chia sẻ.
Theo ông Lương Văn Hậu, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Thanh Bình, thôn nằm trong vùng đệm của VQG Bến En hiện nay có 97 hộ, với 432 nhân khẩu, đa số đều không có đất sản xuất và đất ở. Phần lớn các hộ dân đều đã sống ở đây rất nhiều năm, từ trước khi VQG thành lập. “Bảo vệ đất VQG là vô cùng quan trọng, nhưng ổn định đời sống của người dân cũng là vấn đề bức thiết”-ông Hậu trăn trở.
Cần sớm giao đất cho người dân
Ông Lê Hữu Đồng, Chủ tịch UBND xã Tân Bình cho biết, toàn xã có 3.860 ha, trong đó đất VQG là 1.899ha với 3 thôn là Mai Thắng, Thanh Bình, Đức Bình nằm trong vùng lõi VQG, số hộ dân thiếu đất sản xuất và đất ở là 159 hộ. Nhiều năm qua tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất cho các hộ trong sống trong vùng lõi VQG cũng đã dẫn đến những khó khăn cho chính quyền cấp xã trong quản lý hành chính.
“Dân thì mình quản lý, nhưng đất thì Ban quản lý rừng quản lý, mỗi khi người dân vi phạm, mình cũng không biết xử lý thế nào. Hơn nữa, tình trạng thiếu đất kéo dài khiến cuộc sống người dân không ổn định. Để kiếm sống, nhiều người phải đi xa, nhà cửa bỏ trống”, ông Đồng cho biết thêm.
Cùng chung hoàn cảnh với xã Tân Bình, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Xuân Quỳ, cho hay, trên địa bàn xã có thôn Xuân Thành (162 hộ) nằm trong vùng đệm của VQG Bến En. Vì không có đất sản xuất nên người dân ở thôn này chọn giải pháp đi xuất khẩu lao động sang các nước Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản. Hiện tại nhiều hộ có chút tiền nhưng cuộc sống vẫn rất bếp bênh vì đất ở của họ cơ bản không được cấp sổ đỏ.
Theo thông tin từ UBND huyện Như Xuân, căn cứ Quyết định số 418/QĐ-BTNMT ngày 17/3/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường dự án cắt đất VQG giao lại cho dân vùng lõi VQG. UBND huyện đã phối hợp với VQG Bến En tiến hành khảo sát cắm mốc thực địa và thống nhất phương án cắt đất đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt. Theo đó, tổng diện tích đề xuất bàn giao về cho dân là 368ha, với tổng số hộ đang ở và sản xuất là 307 hộ.
Điều mà người dân vùng lõi VQG Bến En mong muốn là UBND tỉnh Thanh Hóa quan tâm kiến nghị các bộ ngành có liên quan sớm có quyết định bàn giao đất cho địa phương quản lý để cấp đất cho người dân ổn định cuộc sống, cũng như thuận tiện cho việc quản lý đất đai trên địa bàn