Phú Yên: Tan hoang núi Cây Trâm, Gò Vông
Tiếng dân - Ngày đăng : 19:02, 24/07/2019
PV Báo TN&MT nhận được đơn phản ánh của bà Nguyễn Thị Thửng, chủ doanh nghiệp Công ty CP Đầu tư XDCT và DVTM Tư Thửng ở phường Phú Lâm, TP. Tuy Hòa, về việc ông Trần Bửu Ngọc (tên thường gọi là Tí) ngang nhiên khai thác đất, đá chẻ trái phép tại mỏ đất mà công ty bà Thửng đang làm hồ sơ xin cấp Giấy phép khai thác tại núi Cây Trâm, thôn Phú Khê 1, xã Hòa Xuân Đông, huyện Đông Hòa. Trước đó, UBND tỉnh Phú Yên có Quyết định số 1148, ngày 06/6/2018 phê duyệt trữ lượng và tài nguyên khoáng sản đất san lấp cho Công ty CP Đầu tư XDCT và DVTM Tư Thửng với diện tích 3,5ha.
Bà Nguyễn Thị Thửng - Chủ doanh nghiệp Công ty CP Đầu tư XDCT và DVTM Tư Thửng bức xúc: Trong thời gian chờ đợi hoàn chỉnh hồ sơ cấp Giấy phép khai thác mỏ đất, thì ông Tí ngang nhiên sang khu vực Công ty đang xin cấp mỏ để khai thác đất, đá chẻ trái phép. Để tiện cho việc lấy đất sau khi có giấy phép, Công ty tôi làm con đường vào mỏ, thấy vậy xe chở đất của ông Tí và các xe doanh nghiệp khác, cứ thế chở đất qua con đường chúng tôi làm. Tôi phải dùng xe của công ty mình chặn lại không cho đi và báo chính quyền địa phương, nhưng họ không giải quyết, xử lý dứt điểm việc ông Tí lấy đất, đá chẻ.
Qua phản ánh của bà Thửng, PV về địa phương tìm hiểu sự việc. Từ đường QL.1 rẻ vào đường Nghĩa trang Gò Vông vòng qua hết khu vực núi Cây Trâm, PV khá bất ngờ về số lượng mỏ, khối lượng đất, đá chẻ bị người dân địa phương và doanh nghiệp khai thác lấy đi. Cả khu vực núi Cây Trâm, Gò Vông không có chỗ nào không bị khai thác nham nhở, tan hoang. Sự tàn phá, hủy hoại cảnh quan thiên nhiên làm mất đi vẻ đẹp nguyên thủy ngọn núi Cây Trâm, Gò Vông, biến nơi đây là công trường vĩ mô khai thác đất, đá chẻ đã vượt quá tầm kiểm soát của chính quyền và cơ quan chức năng huyện Đông Hòa.
Làm việc với UBND xã Hòa Xuân Đông, PV được biết, ngoài vụ việc ông Trần Bửu Ngọc khai thác đất, đá chẻ trái phép, thì hiện khu vực núi Cây Trâm, Gò Vông đang có thêm ba doanh nghiệp nữa là Công try CP Sản xuất nguyên vật liệu xây dựng và khai thác khoáng sản Phú Yên, Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Tuấn Tú, Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ vận tải Thạch Hợp được UBND tỉnh Phú Yên thống nhất chủ trương tận dụng đất, đá dôi dư trong quá trình cải tạo đất để trồng rừng sản xuất của các hộ dân, phục vụ các công trình: Khu vui chơi giải trí thể dục, thể thao Ngũ Thạch; Đường nội thị Hòa Hiệp Trung - Hòa Hiệp Nam, đoạn từ Ql.29 đến khu phố Phú Thọ 3, Hòa Hiệp Trung; Nâng cấp, mở rộng đường từ phường Phú Thạnh, TP. Tuy Hòa đến QL.29, thị trấn Hòa Hiệp Trung; Tuyến đường Phước Tân Bãi Ngà, đoạn qua nhà máy lọc dầu Vũng Rô. Thời gian đến ngày 31/12/2019 không được gia hạn.
Ông Huỳnh Minh Thường - Chủ tịch UBND xã Hòa Xuân Đông cho biết: Đối với vụ việc ông Trần Bửu Ngọc khai thác đất, đá trái phép, UBND xã xử phạt vi phạm hành chính 2 lần 04 triệu đồng, Công an huyện Đông Hòa xử phạt 15 triệu đồng, Phòng cảnh sát môi trường Công an tỉnh Phú Yên xử phạt 45 triệu động. Riêng bà Thửng chặn xe làm ảnh hưởng đến việc xe ra vào của các doanh nghiệp khác, người dân đi lại canh tác nông nghiệp, đưa đám tang và bà Thửng yêu cầu các doanh nghiệp muốn chở đất qua đoạn đường phải nộp 100.000 đồng/xe/lượt, UBND xã không chấp nhận và đề nghị bà đưa phương tiện dừng đỗ trái phép ra khỏi khu vực trên.
Khi PV Báo TN&MT có mặt tại hiện trường nơi mỏ đất núi Cây Trâm, tận mắt ghi nhận sự tàn phá của con người đối với thiên nhiên là không tưởng. Nhiều chiếc xe đào ngang nhiên bủa núi lấy đất, người dân dựng lều bạt ngồi chẻ đá. Nhưng đến khi cán bộ Phòng TN&MT huyện Đông Hòa đi kiểm tra sau thời gian PV có mặt tại hiện trường, thì không còn thấy bóng dáng phương tiện, đất tặc, đá tặc, mà chỉ thấy hiện trường có dấu đất mới khai thác.
PV làm việc với Phòng TN&MT huyện Đông Hòa, lãnh đạo cùng cán bộ chuyên viên chia sẻ thêm: Trước cấp bách nhu cầu xây dựng các công trình của huyện, thì Sở TN&MT tham mưu UBND tỉnh cho phép các doanh nghiệp tận thu đất, đá của các hộ dân cải tạo đất trồng rừng tại núi Cây Trâm. Nhưng để quản lý giám sát các doanh nghiệp chở đất để phục vụ đúng điểm các công trình hay không, thì UBND huyện chỉ đạo thành lập tổ công tác, kiểm tra công tác cải tạo và tận thu khoáng sản dôi dư, sử dụng có đúng theo phương án phê duyệt. Riêng vụ việc ông Bửu, theo phản ánh của bà Thửng, Phòng đi kiểm tra thường xuyên, nhưng chúng tôi đến nơi là họ chạy mất, người dân cũng bỏ đồ nghề chẻ đá chạy trốn. Yêu cầu họ chấm dứt không chẻ đá, chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo nghề khác họ không đi học và gây sức ép đời sống khó khăn với chính quyền. Dùng biện pháp cắt điện thì họ lại dùng máy nổ để chẻ đá.
Sở TN&MT tỉnh Phú Yên cũng đã có biên bản xác nhận phản ánh của bà Thửng về việc khai thác đất, đá chẻ tại núi Cây Trâm là có thật. Tuy nhiên, đến nay riêng cá nhân ông Trần Bửu Ngọc khai thác đất, đá chẻ trái phép vẫn chưa bị xử lý đến nơi đến chốn, xử phạt hành chính vẫn tái diễn, người dân vẫn vô tư ngồi chẻ đá và bỏ trốn khi có tin báo kiểm tra. Cùng với các doanh nghiệp được tận thu đất, đá dôi dư từ việc cải tạo đất đã làm cho khu vực núi Cây Trâm, Gò Vông như đại công trường khai thác khoáng sản hỗn độn, gây mất an ninh trật tư địa phương và nhiều hệ lụy phát sinh vượt quá tầm kiểm soát.