Nghệ An: TH True Milk tưới cỏ bằng nước phân tươi?

Tiếng dân - Ngày đăng : 07:05, 12/07/2019

(TN&MT) – Mỗi ngày có nhiều xe bồn xi tẹc chở theo nước phân tươi, nước thải từ các Trang trại bò sữa TH True Milk đến tưới trên các cánh đồng cỏ thuộc một số xã của huyện Nghĩa Đàn và thị xã Thái Hòa tỉnh Nghệ An. Việc làm trên khiến cho môi trường sống của người dân xung quanh bị ảnh hưởng, ô nhiễm, thực trạng trên kéo dài đã lâu nhưng không được giải quyết…khiến người dân bức xúc.

Hố phân, nước thải “mọc” giữa đồng cỏ

Sáng 11/7/2019, cả một khu vực dân cư xóm Làng Đấn, xã Nghĩa Lâm (huyện Nghĩa Đàn) “chìm” trong mùi hôi. Đó là lúc những chiếc xe tải lớn dòng Howo được “cải tiến” chở theo chiếc tẹc đầy nước phân nối đuôi nhau vào cánh đồng cỏ sát các hộ dân ở ngôi Làng Đấn để đổ xuống một chiếc hố được đào rộng khoảng vài trăm mét vuông để đựng phân và nước rửa chuồng bò.
 

Dàn xe chở phân tươi đang vào đổ phân tại hố ở Làng Đấn, xã Nghĩa Lâm (huyện Nghĩa Đàn)
Dàn xe chở phân tươi đang vào đổ phân tại hố ở Làng Đấn, xã Nghĩa Lâm (huyện Nghĩa Đàn)


Cứ khoảng 5 đến 10 phút lại có một chiếc xe vào đổ nước phân, nước thải ầm ầm xuống cái hố. Dù đã đứng từ xa để ghi hình nhưng chúng tôi vẫn có cảm giác ngộp thở bởi mùi hôi, tanh phát ra từ chiếc hố được đào khá sơ sài và chẳng hề được che đậy cũng như không có bạt lót đáy chống thấm. Chiếc hố cứ thế đầy dần, theo quan sát, phân bò kết tủa đen sì, vị trí xe tẹc mới đổ phân nước cũng có màu xanh đen, nổi bọt nhầy nhụa nổ tanh tách; xung quanh hố nước thải cỏ chết cháy vàng úa…mùi hôi tanh ngày càng nồng nặc khi ánh mặt trời chiếu rọi càng lúc càng gay gắt.
 

Hố đựng rộng hàng nghìn m2 đầy ắp phân bò
Hố đựng rộng hàng nghìn m2 đầy ắp phân bò

Một chiếc xe bồn xi tẹc chuyên dụng cỡ lớn khác thuận thục đưa vòi xuống hố, tiếng xe gầm lên liên hồi để hút chất thải từ hố lên xe. Chưa đầy 10 phút sau chiếc xi tẹc trên xe khoảng 30 – 40m3 đã đầy ắp, lái xe thuận thục từng thao tác điều khiển chiếc xe lao nhanh về phía cánh đồng cỏ sát đường mòn Hồ Chí Minh, gần giáp hàng rào của một số hộ dân ở Làng Đấn rồi bơm vòi tưới ào ào, mùi hôi thối bao trùm cả khu vực...
 

Hố đựng phân lộ thiên và không hề được lót đáy, xung quanh cỏ chết cháy
Hố đựng phân lộ thiên và không hề được lót đáy, xung quanh cỏ chết cháy

Theo phản ánh của người dân xã Nghĩa Lâm cho hay, cứ nơi nào có cánh đồng cỏ của Trang trại bò sữa TH là nơi đó có hố đựng phân được nhà đầu tư đào; phân tươi cứ thế được tưới sau mỗi chu kỳ cắt cỏ một vài ngày. Như để minh chứng cho điều này, người dân chỉ dẫn chúng tôi đến xóm Yên Khang cũng thuộc xã Nghĩa Lâm. Cách đường mòn Hồ Chí Minh khoảng vài trăm mét, đi theo con đường vào mỏ đá Khe Giàm khoảng vài trăm mét là có 3 cái hố có rãnh thông nhau, rộng khoảng vài nghìn mét vuông được đào đã lâu, một bên bờ hố được đắp lại khá sơ sài, màu đất còn mới; điều lạ là cả 3 hố đều lộ thiên và không hề có bạt lót đáy. Theo ghi nhận của PV, 2/3 hố đầy ắp phân và nước thải, hố còn lại có diện tích nhỏ hơn cũng toàn một màu nước đen ngòm, trên bờ có 1 máy bơm công suất lớn nhưng trong sáng 11/7 xung quanh khu vực này không thấy công nhân làm việc.
Theo người dân nơi đây cho biết, số kể trên chỉ là 4 trong số rất nhiều hố đựng phân tươi, nước thải mà TH đào ở các khu vực khác nhau để phục vụ mục đích tưới cho cánh đồng cỏ.

Nước phân tươi lênh láng bốc mùi hôi thôi bao trùm khu dân cư sau khi xe bồn xi tẹc đi qua
Nước phân tươi lênh láng bốc mùi hôi thôi bao trùm khu dân cư sau khi xe bồn xi tẹc đi qua

Trăn trở ở Đông Du

Xóm Đông Du 2 (xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa) với chỉ vẻn vẹn trên dưới 30 hộ dân, nằm lọt thỏm sau bạt ngàn cánh rừng cao su, cách đường mòn Hồ Chí Minh khoảng hơn 1km. Đứng trên đồi cỏ bạt ngàn một màu xanh mà Trang trại bò sữa TH đang canh tác nhìn xuống, những ngôi nhà nằm lấp ló sau những lùm cây, cách đó không xa là đập Khe Lau thuộc địa phận quản lý của xã Nghĩa Thuận (thị xã Thái Hòa).
Khu vực này có đặc điểm là đồi thoải, độ dốc vừa phải, khoảng 30 hộ dân của xóm Đông Du 2 và đập Khe Lau nằm ở phía cuối dòng chảy các cánh đồng cỏ của Trang trại bò sữa TH mỗi khi trời mưa.

Một trong 3 hố đựng phân tươi rộng hàng nghìn m2 tại xóm Yên Khang, xã Nghĩa Lâm
Một trong 3 hố đựng phân tươi rộng hàng nghìn m2 tại xóm Yên Khang, xã Nghĩa Lâm

 

Chiều 11/7, con đường đi lên quả đồi cách đập Khe Lau khoảng vài trăm mét là một cái hố lớn trên dưới 1 nghìn mét vuông cũng để lộ thiên, không che chắn và không có bạt lót đáy không khác gì 4 chiếc hố ở xã Nghĩa Lâm. Những chiếc xe tải lớn chở theo tẹc nước phân, nước tắm bò cứ thế kéo nhau lên đổ “hàng”. Trung bình khoảng 10 phút lại có 1 chiếc xe chở theo tẹc dung tích từ 20-30m3 vào hố “trả hàng”.
 

Xe đang đổ nước phân tại 1 trong 2 hố ở xóm Đông Du 2, xã Đông Hiếu (thị xã Thái Hòa)
Xe đang đổ nước phân tại 1 trong 2 hố ở xóm Đông Du 2, xã Đông Hiếu (thị xã Thái Hòa)

Chiếc hố đựng chất thải nhìn đặc quánh; ruồi, nhặng bay như ong, một mùi hôi thối bao trùm cả khu vực càng trở nên ngột ngạt trong nắng chiều gay gắt. Cũng như tại Làng Đấn, chiếc xe bồn xi tẹc chuyên dụng lừ đừ tiến đến hút nước phân rồi băng ra đồng cỏ ào ào phun phân một cách rất thuần thục…
 

Lượng phân được tập kết “khổng lồ”, đặc quánh, bốc mùi hôi thối
Lượng phân được tập kết “khổng lồ”, đặc quánh, bốc mùi hôi thối

Phía dưới, khoảng 30 hộ dân xóm Đông Du 2 cảm nhận được mùi hôi phát ra từ hoạt động được coi như thường ngày của công nhân cánh đồng cỏ này. Người đàn ông tên Khải khoảng 35 tuổi, đứng chỉ tay về phía đồng cỏ lắc đầu ngao ngán: “Khoảng năm 2013 gì đó Công ty TH bắt đầu lấy đất và canh tác ở đồi này. Cứ tình trung bình mỗi chu kỳ thu hoạch cỏ là 1,5 tháng thì mỗi năm họ phải tưới phân từ 6-8 lần (sau khi cắt xong cỏ vài ngày sẽ tưới nước phân – PV), mỗi lần tưới là mùi hôi thôi bao trùm; tưới ở cách xa vài trăm mét còn đỡ chứ mỗi khi họ tưới ở sát bờ rào nhà mình thì khổ vô cùng…”.
 

Sau đó xe bồn chuyên dụng hút lên đưa đi tưới khắp đồng cỏ
Sau đó xe bồn chuyên dụng hút lên đưa đi tưới khắp đồng cỏ - ảnh cắt từ Videoclip


Người dân xóm Đông Du 2 cũng cho rằng, việc TH thường xuyên tưới phân tươi, nước thải cho đồng cỏ của họ trong khi người dân nằm ở thấp phía dưới chân đồi thì việc ảnh hưởng là điều khó tránh khỏi. Trời mưa làm nước phân trôi theo nước mưa xuống xóm làng; ngoài ra, ruồi, muỗi xuất hiện ở khu vực dân cư là nhiều vô kể, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát và lây lan dịch bênh cho người dân. Đó là chưa kể đập Khe Lau nằm ngay phía dưới là “địa chỉ” hứng trọn toàn bộ nguồn nước thẩm thấu cũng như nước mưa tràn từ các đồng cỏ xuống. “Khoảng 30 hộ dân xóm chúng tôi uống nước giếng đào và giếng khoan, không biết có bị ảnh hưởng gì không? Chúng tôi cũng có nguyện vọng muốn di chuyển ra sống ở phía ngoài cách xa khu vực này để tránh ô nhiễm nhưng không biết có được đáp ứng không?”.
 

Phía dưới quả đồi là khoảng 30 hộ dân xóm Đông Du 2 và đập Khe Lau (ô vuông màu đỏ) – Nơi hứng chịu ảnh hưởng do ô nhiễm của việc tưới phân tươi trên đồng cỏ của TH
Phía dưới quả đồi là khoảng 30 hộ dân xóm Đông Du 2 và đập Khe Lau (ô vuông màu đỏ) – Nơi hứng chịu ảnh hưởng do ô nhiễm của việc tưới phân tươi trên đồng cỏ của TH


Trước sự “xuất hiện” của những hố đựng phân ở các cánh đồng cỏ và được dùng để tưới trực tiếp cho cỏ, bà Nguyễn Thị Thanh Vinh – Chủ tịch UBND xã Nghĩa Lâm lại tỏ ra khá ngạc nhiên, chưa nắm được thông tin. Sau đó, bà Vinh gọi điện thoại cho xóm trưởng xóm Làng Đấn nhưng vị xóm trưởng này cũng “chưa nắm được”. Khi được hỏi trên địa bàn xã Nghĩa Lâm có bao nhiêu hố được đào để đựng phân tươi của TH thì vị Chủ tịch xã trên cũng không biết. “Chúng tôi yêu cầu phía TH không được tưới nước phân ở các khu vực gần dân để tránh ảnh hưởng. Theo như các anh phản ánh tôi sẽ cho kiểm tra lại” – bà Nguyễn Thị Thanh Vinh, cho biết.

Còn ông Lê Viết Phú – Trưởng phòng TN&MT huyện Nghĩa Đàn, cho rằng, huyện đã có quyết định thành lập đoàn kiểm tra và sẽ bắt đầu làm việc thực tế với chủ đầu tư trong vòng ít ngày tới.

Báo Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin vấn đề này