Vụ khai thác mỏ đá ở Phong Điền (Thừa Thiên Huế) gây nứt nhà, ô nhiễm: Loay hoay tìm phương án giải quyết cho dân
Tiếng dân - Ngày đăng : 08:24, 01/07/2019
Liên quan đến vụ việc “Khai thác mỏ đá vôi ở xã Phong Xuân, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế gây nhiều hậu quả” mà Báo Tài nguyên & Môi trường đã và đang thông tin, trao đổi với PV, ông Trịnh Đức Hùng - Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, cuối tháng 6 vừa rồi huyện đã phối hợp với lãnh đạo Công ty Đồng Lâm để đối thoại, chia sẻ với người dân về những ảnh hưởng của mỏ đá do nổ mìn khai thác...
Khai thác đá khiến dân lãnh đủ
Công ty Đồng Lâm (đóng tại huyện Phong Điền) thuê Công ty Tân Việt Bắc khai thác mỏ đá vôi Đồng Lâm (xã Phong Xuân) với diện tích được Bộ TN&MT phê duyệt là 90ha; thời hạn 30 năm. Trữ lượng khai thác trên 1 triệu tấn/năm.
Khoảng năm 2014, mỏ đá bắt đầu đưa vào khai thác và cũng từ đó, hàng trăm hộ dân sống ở 3 thôn Xuân Lộc, Xuân Điền Lộc và Cổ Xuân - Quãng Lộc (xã Phong Xuân) bị ảnh hưởng nghiêm trọng, luôn sống trong tình trạng sợ hãi...
Theo đó tại buổi đối thoại, có hơn 20 ý kiến của người dân liên quan đến việc khói bụi, sụt lún, mất nước đồng ruộng, nứt nẻ nhà cửa... do việc nổ mìn của nhà máy Xi măng Đồng Lâm gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sản xuất nông nghiệp của người dân. Hơn nữa, xe chuyên chở đất đá chạy với tốc độ cao, nguy cơ gây mất an toàn giao thông, gây bụi trên tuyến Tỉnh lộ 11B và Tỉnh lộ 9. Người dân trong phạm vi cách bờ đê mỏ 300m mong muốn được di dời, tái định cư nơi khác. Ngoài ra, người dân cũng mong muốn Công ty Đồng Lâm hỗ trợ vấn đề sức khỏe khi ảnh hưởng khói bụi; tiếp tục hỗ trợ để người dân yên tâm sản xuất nông nghiệp.
Thống kê cho thấy, đến năm 2015, UBND xã Phong Xuân cùng với Công ty Đồng Lâm đã kiểm tra và xác định có hơn 100 hố sụt lún, đường kính miệng hố rộng từ 2 đến 8,4m, sâu từ 0,3 đến 2m. Trong năm 2019, đã xuất hiện thêm 5 hố sụt lún tại cánh đồng lúa, khu vực có mồ mả và tại vườn nhà dân. Công ty Đồng Lâm thống nhất phương án san lấp hố sụt lún, tránh nguy hiểm cho người và gia súc; đồng thời lập dự toán hỗ trợ di dời 17 ngôi mộ với kinh phí trên 100 triệu đồng.
Việc khai thác mỏ đá vôi cũng đã làm rạn, nứt 127 công trình nhà ở, đình làng, nhà văn hóa thôn và nhà thờ họ nằm trong phạm vi 500m. Công ty Đồng Lâm đã hỗ trợ cho 118 hộ gia đình sửa chữa lại nhà với số tiền trên 1,2 tỷ đồng và 381 tấn xi măng cho 127 hộ. Năm 2018, tiếp tục khảo sát thêm 9 hộ gia đình, nhưng chưa chi trả tiền hỗ trợ. Ngoài ra, diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người bị ảnh hưởng do khói bụi, đá văng, sụt lún, mất nước tại thôn Xuân Lộc, Xuân Điền Lộc là trên 25ha.
Bà Nguyễn Thị Đông - thôn Xuân Lộc chia sẻ, gia đình bà canh tác 4 sào lúa nhưng bị ảnh hưởng do tình trạng mất nước. Thời gian qua, bà đã chuyển đổi 1 sào lúa qua trồng màu, tuy nhiên không hiệu quả do mất nước nặng. 3 sào đất còn lại, bà tiếp tục trồng lúa, nhưng thiếu nước. Bà mong muốn UBND huyện tìm giải pháp thiết thực để gia đình bà có thể tiếp tục canh tác trên mảnh đất này nhằm ổn định cuộc sống.
“Đến nay, ngoài 12 hộ dân sống dưới băng tải của Nhà máy xi măng Đồng Lâm bị ảnh hưởng tiếng ồn và khói bụi, huyện cũng đã có phương án di dời 72 hộ nằm cách phạm vi đê bao mỏ 300m để trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết”- ông Trịnh Đức Hùng cho hay.
Tìm phương án
Liên quan đến sự việc, ông Phạm Phước Hiền Hòa - Phó Tổng giám đốc Cty Đồng Lâm khẳng định, thời gian qua, công ty luôn ưu tiên, cố gắng hết sức những vấn đề có thể để đảm bảo quyền lợi bà con. Hiện nay, Công ty đang siết chặt quy trình kỹ thuật khai thác mỏ đá vôi để hạn chế đến mức thấp nhất sự ảnh hưởng.
“Công ty đã yêu cầu nhà thầu giảm lượng thuốc trong 1 lần nổ không được quá 2,5 tấn. Thông báo việc nổ mìn một cách rõ ràng để dân tránh những sự cố đáng tiếc. Chấn chỉnh và sẽ có biên pháp cứng rắn đối với khu vực ngoài mỏ như buộc xe chạy phải phun nước, che chắn cẩn thận trong quá trình vận hành, tránh tình trạng gây bụi, ô nhiễm môi trường. Khảo sát, kiểm tra lại lần 2 để tiếp tục sửa chữa nhà rạn nứt cho bà con trong năm 2019. Vấn đề hỗ trợ về thẻ bảo hiểm y tế để đảm bảo sức khỏe cho người dân, tôi hứa sẽ trình ra Ban giám đốc để bàn bạc, quyết định trong thời gian tới”- ông Hòa nói.
Cũng tại buổi đối thoại, ông Nguyễn Thanh Bình - Bí thư Huyện ủy Phong Điền khẳng định giải quyết những vấn đề bức xúc trong thời gian tới phải có sự chung sức của bà con nhân dân, gắn trách nhiệm cụ thể cho từng cán bộ phụ trách. Trong đó, phải làm theo lộ trình, xây dựng kế hoạch chi tiết. Vấn đề nào làm được thì làm sớm, nhất là vấn đề ô nhiễm về bụi. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về việc xây mới, cơi nới các công trình nhằm mục đích hưởng đền bù...
“Trước mắt, chỉ đạo UBND huyện và các ngành chức năng phối hợp với UBND xã Phong Xuân tập trung sớm hình thành 2 đề án. Trong đó, đề án di dời, tái định cư đối với những hộ bị ảnh hưởng bởi Nhà máy xi măng Đồng Lâm với tiêu chí hướng về người dân để trình UBND tỉnh. Đề án đối với phần diện tích sản xuất bị ảnh hưởng. Phải có luận chứng nghiên cứu khoa học và công nghệ nhằm xác định nguyên nhân, phân vùng các khu vực sụt lún đất, đánh giá nguy cơ đối với dân cư và các công trình kinh tế-hạ tầng cũng như các giải pháp giảm thiểu”- ông Bình nhấn mạnh.
Cũng theo ông Bình, sắp tới huyện sẽ tiếp tục làm việc với Công ty Đồng Lâm để đưa ra những giải pháp căn cơ nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân. Tuy nhiên, về phía người dân cần phải phản ánh những tâm tư, nguyện vọng với chính quyền địa phương, không thể tụ tập, nghe theo lời xúi giục, tạo ra điểm nóng cho địa phương, gây mất tình hình an ninh trật tự...
Báo Điện tử Tài nguyên & Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.