Quỳnh Phụ - Thái Bình: Gia đình nông dân 'tố' xã làm mất ao, thiếu ruộng

Tiếng dân - Ngày đăng : 18:51, 20/06/2019

(TN&MT) - Đất của mình bị mang tên người khác, đất ao sử dụng từ xưa lại biến thành của xã trong khi đất ruộng được giao vẫn thiếu. Nhiều năm qua gia đình nông dân này mang đơn đi khiếu nại các cấp chính quyền.

Báo Tài nguyên & Môi trường nhận được đơn của ông Nguyễn Phú Cường (xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình) phản ánh về việc chính quyền địa phương thực hiện chính sách đất đai không đúng dẫn đến thiệt thòi cho gia đình ông. Ông đã khiếu nại nhiều năm nay nhưng chính quyền vẫn không giải quyết thấu đáo.

Ông Cường cho biết, gia đình ông có mảnh đất cha ông và sử dụng từ trước những năm 1970 đến nay. Cạnh đất ở là đất ao. Từ năm 1993, theo Nghị định 64 và Quyết định của tỉnh Thái Bình, đất ao được tính vào đất canh tác cơ bản giao cho gia đình ông Cường. Từ năm 2005, do đất không canh tác được, gia đình ông đã cải tạo đất ao để trồng rau màu, trồng chuối,...

64531795 2397977803806515 6936376503777099776 n
Ông Cường cho rằng phần đất ao vẫn được gia đình sử dụng từ năm 1970 đến nay

Nhưng từ năm 2011, ông bị xã ngăn không cho sử dụng phần đất này nữa. Ông nhiều lần làm đơn không được giải quyết. Theo ông Cường, xã lấy phần đất ao của gia đình ông để làm đất thủy lợi là không đúng với thực tế và quy định.

Cũng theo ông Cường, vì những việc làm thiếu thống nhất của cán bộ địa chính xã trong quá trình thu thập thông tin xây dựng bản đồ Vlap năm 2014 mà cho đến nay, gia đình ông vẫn không làm được sổ đỏ. Nhiều lần ông khiếu nại thì chính quyền không có hướng dẫn nào. Trong biên bản kiểm tra hiện trạng đất vào thời gian trước, cán bộ địa chính ghi chủ đất là Nguyễn Văn Phụ (vợ là Phạm Thị Đào). Theo đó, chỉ có vợ ông ký tên xác nhận đo đạc. Ông Cường cho rằng việc làm này là trái pháp luật.

Theo báo cáo của chính quyền địa phương, thửa đất ao đó thuộc đất thủy lợi. Nhưng theo ông Cường, điều này là không đúng vì ở đây không có công trình thủy lợi liền kề. Công trình cừ tiêu nằm ở phía bên kia đường. Trước năm 1970, nhà nước đã cho đào cừ tiêu nước bên phía đó và đào ao cá Bác Hồ. Nay khu áo cá Bác Hồ và cừ tiêu nước đã bán cho dân xây nhà.

Ông Cường cũng cho rằng, khi lập bản đồ Vlap, xã đã tự ý tách thửa đất số 370 của gia đình ông và tạo thành thửa 383 khiến khu đất ao này nằm vào thửa 383. Trong khi đó, tại khu đất ao vẫn còn dấu tích công trình xây dựng từ những năm 1980.

Theo ông Cường, việc xã cho rằng đất ao của ông đã được quy đổi thành đất nông nghiệp và giao đủ đất là hoàn toàn không đúng. Trên giấy tờ sổ sách, gia đình ông được giao 3.400m2 đất nông nghiệp để canh tác. Nhưng trên thực tế hiện nay, gia đình ông cũng chỉ được canh tác không quá 3.000m2 đất. Không có cơ sở nào để nói rằng ao đã được chuyển thảnh đất thủy lợi và quy đổi ra đất ruộng cho ông.

64462198 2382717158417657 9208417003679776768 n
Ông Cường cho hay, đất ruộng nhà ông vẫn bị thiếu rất nhiều

Liên quan đến những khiếu nại về đất đai của ông Nguyễn Phú Cường, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã từng có nhiều văn bản gửi UBND tỉnh Thái Bình đề nghị chỉ đạo, xem xét giải quyết.

Làm việc với PV báo Tài nguyên & Môi trường, ông Nguyễn Đức Thuyết (Chủ tịch UBND xã An Đồng) cho biết, theo bản đồ đo đạc qua các thời kỳ, đất nhà ông Cường chỉ có 168m2. Tuy nhiên ông Cường cho rằng diện tích của mình phải tính cả phần đất ao. Chính vì việc không thống nhất này mà xã và huyện chưa có cơ sở để cấp sổ đỏ cho gia đình ông Cường.

Bà Nguyễn Thị Thắm (cán bộ địa chính xã An Đồng) giải thích, sở dĩ đất của ông Cường mang tên Nguyễn Văn Phụ là do sự nhầm lẫn của gia đình. Ông Cường thường được người địa phương gọi tên là ông Phụ. Đến khi cán bộ địa chính đi đo đạc đất đai ghi vào là Nguyễn Văn Phụ, bà vợ của ông Cường lại không nhận ra điều này mà vẫn ký tên vào. Theo bà Thắm, việc đính chính điều này không khó. Ông Cường chỉ cần làm thủ tục thay đổi lại là xong. Tuy nhiên vấn đề mấu chốt là ông Cường vẫn chưa đồng ý với diện tích đất đai như công bố.

Cán bộ địa chính cho rằng, phần đất ao trước đây đúng là nhà nước giao cho gia đình ông Cường. Nhưng năm 1998, gia đình lại không nhận đất ao này nữa mà quy đổi ra đất ruộng. Vì thế đất ao nhập vào cừ tiêu thủy lợi. Theo đó, ông Cường nhận đủ số diện tích đất ngoài đồng. Dù không có văn bản thể hiện điều này nhưng khi nhận đủ đất ruộng thì đương nhiên đất ao không còn của ông Cường.

Cũng theo cán bộ địa chính, phần đất ao đó đã thuộc về xã quản lý và đã được quy hoạch thành khu đất ở dân cư phân lô bán nền. Cả khu vực này đều đã bán cho người dân xây dựng nhà cửa, riêng lô đất có phần đất ao này vẫn chưa bán được vì còn vướng tranh chấp của gia đình ông Cường.

Mặc dù cán bộ địa chính giải thích như vậy, nhưng theo ông Cường, gia đình ông chưa nhận đủ đất ruộng, hơn nữa cũng không có cơ sở để cho rằng ông đã nhận quy đổi. Theo đó nghiễm nhiên đất ao vẫn đang thuộc phần gia đình ông sử dụng.

Đối với việc gia đình ông Cường đang bị thiếu đất ruộng, bà Thắm địa chính giải thích rằng, khi đo bản đồ VLAP, chính quyền đo theo mốc giới hiện trạng của các gia đình. Qua đó xác định đúng là đất ruộng của ông Cường đang bị thiếu. Tuy nhiên hiện nay xã An Đồng chưa giao đất theo VLAP. Tới đây, khi giao đất ruộng cho gia đình ông Cường, sẽ bổ sung sau.