Lạng Sơn: Lãnh đạo huyện Cao Lộc “né” báo chí trước nhiều sai phạm về đất đai, khoáng sản

Tiếng dân - Ngày đăng : 19:12, 05/06/2019

(TN&MT) – Gần đây tại huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn để xảy ra nhiều sai phạm về đất đai, khoáng sản. Tuy nhiên khi PV Báo TN&MT liên hệ và đặt lịch làm việc với lãnh đạo UBND huyện để làm rõ những vấn đề liên quan thì các vị này khất lần, sau đó từ chối cung cấp thông tin cho báo chí.

“Điểm mặt” hàng loạt các sai phạm về đất đai, khoáng sản

Từ cuối năm 2018 đến nay trên địa bàn huyện Cao Lộc đã để xảy ra hàng loạt các sai phạm liên quan đến lĩnh vực đất đai, khoáng sản. Nhiều diện tích đất rừng đã bị san phẳng, ước tính hàng trăm nghìn khối đất đã “biến mất”. Báo TN&MT xin được điểm lại 4 vụ việc mà Báo đã phản ánh trong thời gian gần đây.

A1
Huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn đã để xảy ra nhiều sai phạm liên quan đến đất đai, khoáng sản.

 

A2

Tại thôn Nà Háo, xã Yên Trạch, hoạt động san ủi diễn ra từ năm 2017, 2 quả đồi gần 1ha bị san phẳng, ước tính cả trăm nghìn khối đất ở đây đã được vận chuyển đi nơi khác để phục vụ việc san lấp, tạo mặt bằng. Tại thôn Phai Luông, xã Hợp Thành, cách trung tâm huyện Cao Lộc chỉ hơn 2 cây số nhưng hoạt động san ủi cũng diễn ra rầm rộ, ngang nhiên, công khai như thách thức chính quyền. Nhiều diện tích đất rừng sản xuất bị san ủi một cách không thương tiếc. Hoạt động san ủi trái phép được thực hiện khoảng hơn 1 tháng nay. Tương tự, tại thôn Pá Phiêng, xã Hồng Phong, việc “xẻ thịt” đất rừng sản xuất trái phép cũng chỉ mới diễn ra chưa đầy 2 tháng. Hàng nghìn khối đất cũng đã được chở đi nơi khác để phục vụ việc san lấp mặt bằng.

A3
Hoạt động san ủi đất rừng sản xuất trái phép diễn ra ngang nhiên, công khai, ồ ạt như một “đại công trường” trước sự thờ ơ của các cấp chính quyền huyện Cao Lộc.

Đặc biệt, khu đất rừng sản xuất hơn 5,6 ha nằm ở phía sau Bệnh viện Đa khoa 700 giường tỉnh Lạng Sơn thuộc thôn Đại Sơn và Phai Luông, xã Hợp Thành cũng đã bị san ủi gần hết, sau đó “phù phép” thành đất ở rồi phân lô, bán nền cho hàng chục cá nhân để hưởng lợi bất chính. Riêng khu đất này, dư luận nghi ngờ việc chuyển mục đích sử dụng, chuyển quyền sử dụng đất thực hiện không đúng các quy định của pháp luật về đất đai và có sự tiếp tay của một số cán bộ có liên quan.

Tất cả các vụ việc mà Báo TN&MT đã phản ánh đều có những điểm giống nhau. Đó là: san ủi trái phép, ngang nhiên, công khai, ồ ạt như một “đại công trường”; chính quyền các địa phương này đều biết nhưng việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý không quyết liệt, kém hiệu quả, chỉ dừng ở mức xử phạt cho có, phạt để tồn tại để rồi các tổ chức, cá nhân mặc sức “xẻ thịt” nhiều héc ta đất rừng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cảnh quan môi trường, thất thoát tài nguyên, khoáng sản, ngân sách nhà nước bị thất thu; lãnh đạo các địa phương để xảy ra sai phạm cũng đều cho biết, những vấn đề ngoài thẩm quyền xử lý đã báo cáo huyện. Vậy UBND huyện Cao Lộc đang làm gì trong thời gian này? Hay biết nhưng đã làm ngơ?!

Liên quan đến các vụ kể trên, một số người dân ở thị trấn Cao Lộc, xã Hợp Thành, Yên Trạch (Cao Lộc) và TP.Lạng Sơn bày tỏ sự bức xúc. Ông H.M.T cho rằng, việc san ủi diễn ra ồ ạt, ngang nhiên và công khai như vậy, không thể nói là chính quyền không biết. San cả quả đồi chứ không phải bốc một nắm đất. Còn biết rồi để như thế thì lại càng không được. Nếu vậy sẽ là tiền lệ cho các tổ chức, cá nhân khác vi phạm. Bà N.T.H thì cho biết: “gần nhà tôi có một gia đình có nhu cầu về đất ở do con trai ra ỏ riêng nhưng khi đi xin chuyển mục đích từ đất vườn sang đất ở còn gặp nhiều khó khăn, chạy lên chạy xuống. Đằng này, đất rừng sản xuất thì lại chuyển được vài héc ta. Ở gì mà nhiều vậy?”

“Tôi thường xuyên theo dõi báo chí, gần đây có thấy nói đến việc san ủi đất rừng ồ ạt ở Cao Lộc. Theo tôi, huyện đã buông lòng quản lý, xử lý không nghiêm. Chỗ nào san ủi cũng thấy nói là phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đã chuyển sang đất ở. Dễ vậy không những quy hoạch bị phá vỡ mà chả mấy chốc đất đồi rừng ở Cao Lộc sẽ bị san ủi sạch trong khi từ cán bộ đến đến dân chả ai bị xử lý” - ông H.V.H – một cán bộ hưu trí ở Tp.Lạng Sơn nêu ý kiến.

Theo Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lạng Sơn Chu Văn Thạch, việc để xảy ra các sai phạm nêu trên, trách nhiệm trước hết là thuộc về chính quyền địa phương.
Vì sao “né” báo chí?

Nhằm làm rõ những vấn đề liên quan đến các sai phạm mà Báo TN&MT đã phản ánh, đem đến bạn đọc những thông tin khách quan, chính thống, giải đáp những hoài nghi của dư luận, ngày 13/5/2019 PV đã liên hệ với Văn phòng HĐND & UBND huyện Cao Lộc để làm việc với lãnh đạo UBND huyện.

A4
Hoạt động san ủi đất rừng sản xuất trái phép diễn ra ngang nhiên, công khai, ồ ạt như một “đại công trường” trước sự thờ ơ của các cấp chính quyền huyện Cao Lộc.

Ông Hứa Anh Tuấn - Chánh Văn phòng tiếp nhận và cho biết sẽ báo cáo lãnh đạo huyện. Tuy nhiên sau nhiều ngày chờ đợi, PV vẫn không nhận được câu trả lời từ những người có trách nhiệm ở đây. Sau đó, PV đã chủ động liên hệ với ông Nguyễn Duy Anh – Chủ tịch UBND huyện thì được vị này cho biết, đã giao Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Thị Hồng Thu (người phụ trách lĩnh vực) làm việc, cung cấp thông tin cho PV. Khi PV liên hệ với ông Hứa Anh Tuấn để biết lịch làm việc với bà Thu thì được ông Tuấn cho biết, bà Thu không làm việc và ủy quyền cho ông Tuấn làm việc, cung cấp thông tin cho PV...

A5
UBND huyện Cao Lộc im lặng, lãnh đạo UBND huyện “né” báo chí?

Với mục đích làm rõ những vấn đề liên quan đến các sai phạm này, trong đó có trách nhiệm của UBND huyện trong công tác quản lý đất đai, khoáng sản, ngày 28/5, PV tiếp tục liên hệ với ông Chủ tịch huyện để trao đổi thống nhất lịch làm việc. Tuy nhiên, vị Chủ tịch huyện nhắn tin “không có quy định nào nói thẩm quyền lãnh đạo UBND phải làm việc với báo chí. Chánh Văn phòng UBND huyện làm việc với PV là đúng theo chức năng của người phát ngôn”. Khi PV đề cập trách nhiệm của các tập thể, cá nhân khi để xảy các sai phạm, việc xử lý ra sao thì vị này cho biết “trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước là trước cấp trên, cấp dưới và nhân dân. Sao lãnh đạo ủy ban phải giải trình hay cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí?”.

 

Nghị định số 09/2017/NĐ-CP ngày 09/02/2017 của Chính phủ quy định chi tiết việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước thì: “Người thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của UBND cấp huyện và UBND cấp xã, gồm: Chủ tịch UBND cấp huyện và cấp xã; Trường hợp Chủ tịch UBND không thể thực hiện phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí thì ủy quyền cho cấp phó của mình thực hiện việc phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí; Họ tên, chức vụ, số điện thoại và địa chỉ e-mail của người phát ngôn phải được công bố bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí và phải được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan hành chính nhà nước”.

Với cách làm việc theo kiểu né tránh trách nhiệm như trên của lãnh đạo UBND huyện Cao Lộc, không rõ đến khi nào thì PV mới có thể tiếp nhận được thông tin chính thức để phản ánh tới độc giả một cách nhanh chóng, khách quan nhất? 

Báo điện tử TN&MT tiếp tục thông tin về vấn đề này.