Thái Nguyên: Mưa lớn nhiều diện tích lúa chiêm đang chín bị chìm trong nước thải

Tiếng dân - Ngày đăng : 11:45, 02/06/2019

(TN&MT) - Tuần cuối tháng 5/2019, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, đặc biệt huyện Đại Từ có xảy ra mưa lớn, dông lốc gây trôi đất đá, ngập úng cục bộ. Lũ về sớm đã nhấn chìm hàng trăm ha lúa chiêm đang chín sắp được thu hoạch khiến người nông dân buồn lo.
1
Mưa lớn cuốn đất đá từ bãi thải mỏ than của công ty CP Yên Phước xuống cánh đồng vùi lấp hơn 3,5ha lúa đang chín của nông dân xã Na Mao, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

 

3
6 sào ruộng lúa chín chuẩn bị thu hoạch của gia đình ông Trần Văn Tích ở xóm Cây Thổ, xã Na Mao, huyện Đại Từ bị đổ rạp và vùi lấp bởi đất đá.

Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên vào các ngày từ 25/5 đến 1/6, diễn biến thời tiết bất thường, cả ngày lẫn đêm, mưa lớn kèm gió mạnh xảy ra ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, hậu quả thiên tai nặng nề nhất đã đổ trùm xuống đầu người nông dân huyện Đại Từ. Trận mưa lớn vào các đêm từ 28,29,30,31/5 đến rạng sáng 1/6 xảy ra trên địa bàn huyện Đại Từ đã khiến nhiều địa xóm, xã bị ngập úng và cô lập, nặng nhất là các xã Na Mao, Tân Linh, Phục Linh, Hà Thượng, Cù Vân và Phúc Lương. Riêng xã Na Mao của huyện Đại Từ nằm ở chân dãy núi Hồng đã xảy ra hiện tượng nước lũ trên triền núi ồ ạt trôi xuống cánh đồng cuốn theo đất đá bãi thải mỏ than của công ty Cổ phần Yên Phước(Công ty Yên Phước) vùi lấp ruộng lúa của người dân.
Đến xóm Cây Thổ, xóm Soi của xã Na Mao, nơi hơn 35.000m2
lúa chín đang đến độ thu hoạch của người dân bị đổ rạp và vùi lấp dưới lớp đất đá mà thấy xót xa. Nguyễn Thị Tiến (xóm Ao Soi, xã Na Mao) nghẹn ngào nói: Gia đình tôi có mẫu tư ruộng cả lúa và bờ bãi hoa màu đang đến độ chín sắp được gặt. Vậy mà chỉ sau một đêm mưa, toàn bộ diện tích lúa bị bùn và  đất đá từ bãi thải của Công ty Yên Phước tràn xuống vùi lấp hết. Chúng tôi không biết kêu ai, chỉ biết gọi cho chính quyền xã xuống kiểm tra và có cách gì giúp dân.

5
Người dân xóm Soi, xóm Cây Thổ, xã Na Mao, huyện Đại Từ khẩn trương thu dọn đất đá cứu lúa chín.

Cũng tương tự cảnh ngộ của bà Tiến ở xóm Soi, Hộ bà Lâm Thị Sính, Nguyễn Thị Nhàn, Trần Văn Tích cùng ở xóm Cây Thổ cũng có ruộng nương bị bùn, đất, đá từ trên núi trôi xuống vùi lấp lúa đang chín chưa kịp gặt. Ông Tích, bà Nhàn đã chia sẻ: Năm nay, trận mưa đầu mùa mà đã làm bà con đã bị thiệt hại lớn quá. Không biết vài trận mưa nữa thì sẽ còn thiệt hại đến đâu nữa. Từ tháng 9 năm ngoái đến nay, cứ hễ trời mưa to là bãi thải than lại bị sạt lở, kéo theo bùn, đất đá tràn xuống ruộng, khiến bà con vô cùng khổ sở. Bới bùn, kéo đất cứu lúa thật là mệt mỏi. Đề nghị các cấp chính quyền và công ty phải tìm giải pháp ngăn chặn đất đá thải từ mỏ than Yên Phước tràn xuống ruộng của dân.

2
Mưa lớn cuốn đất đá từ bãi thải mỏ than của công ty CP Yên Phước xuống cánh đồng vùi lấp hơn 3,5ha lúa đang chín của nông dân xã Na Mao, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.

Trước những ý kiến phản ánh của bà con nhân dân, ông Nguyễn Văn Hồng, Chủ tịch UBND xã Na Mao đã cho biết: Ngay khi nhận được phản ánh, chúng tôi đã cử một đoàn cán bộ xuống 2 xóm bị thiệt hại để kiểm tra và có phương án khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, nhận thấy việc mưa vẫn sẽ còn tiếp diễn nên để thuận lợi cho công tác thống kê thiệt hại, xã đã thống nhất sẽ lùi việc kiểm đếm sản lượng thiệt hại của bà con trong vài ngày tới sau khi chấm dứt đợt mưa kéo dài này. Đồng thời, yêu cầu phía công ty bồi thường những phần diện tích bị thiệt hại hoàn toàn cho bà con, còn những diện tích không bị ảnh hưởng sẽ khuyến khích bà con tranh thủ thu hoạch cho kịp thời vụ. Xã đã báo cáp cấp trên và đang chờ chỉ đạo tháo gõ khó khăn cho người dân. Đề nghị các cấp ngành chức năng sớm vào cuộc kiểm tra, đánh giá thật kỹ tính chất nguy hiểm của bãi thải. Bởi hiện nay, bãi thải như túi đất trêo lơ lửng trên lưng chừng núi có thể sạt trượt vùi lấp nhà cửa, ruộng vườn của người dân bất cứ lúc nào.
Làm việc với ban điều hành mỏ than của công ty Yên Phước, chúng tôi được ông Nguỵ Quang Thuyên, Quản lý mỏ than Minh Tiến của công ty Cổ phần Yên Phước cho biết: Năm ngoái Công ty xin chịu trách nhiệm bồi thường xứng đáng hơn 700 triệu cho người dân bị hư hại hoa màu. Năm nay lại xảy ra, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền địa phương cùng bà con kiểm đếm mức độ thiệt hại để có phương án hỗ trợ kịp thời. Đồng thời tìm phương án mở rộng bãi thải, tiếp tục hoàn thiện các hạng mục công trình kè đá chắn sạt trượt đất đá; chủ động phối hợp với địa phương di rời hai hộ dân ở ngay dưới chân núi để đề phòng thiên tai gây sạt lở bãi thải nguy hiểm đe doạ tính mạng tài sản của dân.
Ông Chu Tất Lợi, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã cho biết: Từ đầu năm 2019 đến nay, sở Công thương, sở Tài nguyên và Môi trường, huyện Đại từ đã kiểm tra an toàn mỏ trước mùa mưa bão, đã yêu cầu công ty Yên Phước hoàn thiện các hạng mục công trình bảo đảm an toàn bãi thải. Sự việc đất đá tràn xuống ruộng vùi lấp lúa của dân thì công ty phải có trách nhiệm hỗ trợ thiệt hại cho người dân theo quy định hiện hành. Chúng tôi sẽ thường xuyên giám sát hoạt động của đơn vị nếu có sự cố sẽ kịp thời báo cáo uỷ ban huyện, sẵn sàng phưng án cứu hộ, cứu nạn nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người dân.
Theo thống kê sơ bộ, toàn huyện Đại Từ (tỉnh Thái Nguyên) có trên 100ha lúa chuẩn bị thu hoạch đã bị ngập hoàn toàn trong nước; nhiều cầu ngầm, đập tràn không thể qua lại được do nước dâng cao; các công trình phúc lợi, tường rào trường học, công trình thủy lợi và taluy đồi núi có nguy cơ sạt lở cao... Đặc biệt, trận mưa vừa qua đã khiến cho Trường THCS Tân Linh và Trường Mầm non Tân Linh bị ngập nặng, một số xóm trên địa bàn xã bị cô lập. Trước tình hình đó, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Đại Từ và Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn huyện Đại Từ đã đến kiểm tra và chỉ đạo công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Đồng thời tuyên truyền đến bà con nhân dân trên địa bàn tăng cường công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả theo phương châm 4 tại chỗ. Chỉ đạo các xã phân công lực lượng dân quân canh gác 24/24 giờ tại các cầu, ngầm, tràn, không cho người và phương tiện đi lại, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân.