Vụ loạt nhà hàng, quán hải sản xây không phép ở Đà Nẵng: Trách nhiệm thuộc về ai?
Tiếng dân - Ngày đăng : 15:26, 29/05/2019
Như Báo Điện tử Tài nguyên và Môi trường đã phản ánh, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng vừa phát hiện 55 nhà hàng, quán tạm vi phạm trật tự xây dựng; 4 khách sạn xây tăng phòng trái phép. Trong số 55 hàng quán vi phạm ấy có đến 17 cơ sở xây dựng không phép; 6 công trình hết hạn giấy phép và 17 công trình chuyển đổi công năng không đúng quy định.
Nhưng điều khó hiểu khiến dư luận đặc biệt quan tâm đó là hầu hết các cơ sở vi phạm trật tự xây dựng là những nhà hàng hải sản nổi tiếng nằm ven biển. Thậm chí, có những nhà hàng "cỡ bự" mang lại "thương hiệu" cho TP. Đà Nẵng như: Bé Mặn, Bà Thôi, Bà Cường, Hàu Sữa, Tre Việt, Sea Food...
Cùng với đó, các công trình khách sạn Golden Star, Queen Finger và Aria, tình trạng vi phạm chung đều là xây tăng từ 5 - 30 phòng. Theo cơ quan chức năng, đây vừa là vi phạm xây dựng vừa là “chiêu trò” của các chủ khách sạn, nhằm tránh phải thực hiện đánh giá tác động môi trường đối với các công trình khách sạn đăng ký xây dựng 50 phòng trở lên.
Sự việc ngay lập tức đã gây xôn xao dư luận TP. Đà Nẵng. Bởi lẽ, những công trình này tồn tại sừng sững bao năm qua, nhưng sao đến giờ mới bị phát hiện, xử lý. Phải nói thêm rằng, ngoài vi phạm về xây dựng, hầu hết các hàng quán nổi tiếng này đều không có hệ thống xử lý nước thải.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng, đơn vị này đã đề nghị các địa phương xử lý tháo dỡ các nhà hàng, quán tạm không có giấp phép xây dựng; không cho phép gia hạn đối với các công trình nhà hàng, quán tạm khi hết thời hạn sử dụng, buộc chủ sử dụng hoàn trả mặt bằng nguyên trạng.
Sở Xây dựng cũng đề nghị các quận đề xuất việc sử dụng các khu đất trống và các khu đất có công trình nhà hàng, quán tạm sau khi hết hạn sử dụng đưa vào làm bãi đỗ xe, khu vui chơi cho trẻ em…
Riêng với các nhà hàng quán tạm có giấy phép đang còn thời hạn, Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng yêu cầu các quận kiểm tra việc thực hiện theo đúng giấy phép, kiên quyết xử lý, buộc tháo dỡ đối với các trường hợp xây dựng sai phép; kiểm tra việc chấp hành bảo vệ môi trường. Đặc biệt lưu ý vấn đề thu gom và xử lý nước thải nhà hàng.
"Nếu không có bể xử lý, hoặc có bể nhưng nước thải đầu ra không đạt yêu cầu thì tạm dừng kinh doanh, bắt buộc chủ đầu tư xây dựng bể xử lý nước thải; việc cho phép tiếp tục kinh doanh sẽ được xem xét sau khi bể xử lý nước thải được nghiệm thu đạt yêu cầu”- ông Thái Ngọc Trung, Phó Giám đốc Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng thông tin.
Ở góc độ quản lý cấp quận, ông Hoàng Công Thanh - Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà cho biết, các trường hợp xây dựng nhà hàng này đã tồn tại từ lâu. Trước đó, chính quyền này còn đề xuất cho các hàng quán đảm bảo mỹ quan được tồn tại (có điều kiện về đảm bảo môi trường - PV), nhưng Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng kiên quyết bác bỏ.
Cũng theo vị Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà, vốn những nhà hàng này được xây dựng nên từ những lô đất trống nhếch nhác. Để đảm bảo mỹ quan và môi trường, các phường khuyến khích các hộ kinh doanh liên hệ với chủ sở hữu các lô đất để kinh doanh, vừa đảm bảo môi trường, vừa có nguồn thu cho phường. Trong đợt kiểm tra chuẩn bị APEC 2017, UBND TP. Đà Nẵng vẫn cho tồn tại, cải tạo, sửa chữa đảm bảo quy định về kiến trúc, mỹ quan, nhưng lại không kiểm tra các loại giấy phép xây dựng. Do đó, khi Sở Xây dựng TP.Đà Nẵng kiểm tra thì mới phát hiện các cơ sở này vi phạm như trên.
Nói về giải pháp, ông Hoàng Công Thanh cho rằng, sẽ giao cho các phường kiểm tra, xử lý dứt điểm trong quý 3/2019. Nếu không, quận sẽ xử lý bằng việc yêu cầu các chủ cơ sở tháo dỡ và nếu các hộ không tự giác sẽ bị cưỡng chế và kinh phí do các cơ sở phải trả.
Về trách nhiệm của UBND quận Sơn Trà khi để xảy ra sự việc này, ông Thanh "đỗ" cho các phường. Theo vị này, trách nhiệm quản lý trước hết thuộc về các phường. Còn về trách nhiệm trong xử lý ô nhiễm môi trường, tác động từ xả thải từ các cơ sở xây dựng không phép và biện pháp xử lý khắc phục, ông Thanh nói rằng đây là vấn đề vĩ mô, sẽ xin ý kiến Thường trực Quận ủy Sơn Trà rồi mới trả lời?!
Cùng ngày, theo Văn phòng UBND TP. Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP Huỳnh Đức Thơ đã có ý kiến chỉ đạo liên quan đến sự việc. Theo đó, ông Thơ giao Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện khẩn trương rà soát không cấp phép mới đối với công trình nhà hàng, quán tạm trên địa bàn thành phố; kiểm tra, thu hồi giấy phép đối với các công trình nhà hàng, quán tạm gây ô nhiễm nôi trường, mất an toàn giao thông, mỹ quan đô thị, xây dựng không đúng giấy phép được cấp; không cho phép gia hạn đối với các công trình nhà hàng, quán khi hết giấy phép hoạt động tạm.
Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cũng chỉ đạo cơ quan ban ngành nghiên cứu, đề xuất việc sử dụng các khu đất trống khi thu hồi giấy phép xây dựng tạm để làm bãi đỗ xe, công viên công cộng phục vụ nhân dân.
Dưới góc nhìn khách quan của một số chuyên gia đầu ngành về môi trường, đối với một số khách sạn xây dựng tăng số phòng so với giấy phép, có số phòng vượt quá ngưỡng phải làm ĐTM thay cho kế hoạch môi trường, thành phố cần mạnh tay, buộc tháo dỡ, thực hiện đúng giấy phép được cấp. Theo lý giải của các chuyên gia, việc làm bổ sung hồ sơ ĐTM cho phù hợp, manh tính đối phó, chỉ đảm bảo về tính pháp lý là đầy đủ hồ sơ, không giải được bài toán xử lý nước thải đúng theo ĐTM được duyệt.
Một cán bộ Chi cục môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng cũng đồng tình với ý kiến của một số chuyên gia trên, vì cho rằng ĐTM phải được thực hiện trước khi dự án được cấp phép xây dựng. Quan trọng nhất của ĐTM là phần ngầm của công trình (hệ thống xử lý nước thải âm dưới móng công trình - PV), nếu công trình đã thi công xong thì phần ngầm bên dưới xem như không còn thay đổi được nữa, cũng đồng nghĩa là hồ sơ ĐTM có bổ sung sau thì cũng chỉ giải quyết khâu hợp thức hóa hồ sơ.
“Một khi số phòng tăng nhiều, dẫn đến lượng nước thải cũng tăng theo, diện tích để xe dưới tầng hầm không đảm bảo và quan trọng hơn là công suất xử dụng điện của tòa nhà tăng hơn nhiều so với thiết kế ban đầu, làm toàn bộ hệ thống dây nguồn, dây cấp điện không đáp ứng đủ, đây cũng là một trong những nguyên nhân hay xảy ra sự cố cháy nổ ở các tòa nhà cao tầng. Ngoài ra, khi nước thải tăng, hệ thống xử lý nước thải được thi công ban đầu quá tải, làm nước tràn ra ngoài mà chưa qua xử lý…”, vị cán bộ Chi cục môi trường phân tích thêm.
Hiện nay, dư luận vẫn đang hoang mang và hoài nghi về một số công trình nhà hàng xây trên Sông Hàn, họ cho rằng các công trình nhà hàng được xây dựng trên Sông Hàn, chủ đầu tư có đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoàn chỉnh như trong hồ sơ ĐTM hay không?. Dự luận đặt câu hỏi?, sau khi thông qua ĐTM và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, dự án mới được phép khởi công. Liệu lúc thi công phầm ngầm (hạng mục xử lý nước thải) của công trình, đơn vị phê duyệt ĐTM và đơn vị cấp phép có cử cán bộ giám sát, nghiệm thu hay không?. Hay chủ đầu tư giao cho các ông thợ tự xử theo “kiểu nhà nông”, không quan tâm trong hồ sơ ĐTM nói gì.
Dư luận cho rằng, nếu quả thật hệ thống xử lý nước thải của các nhà hàng xây dựng trên Sông Hàn không được thực hiện đúng hồ sơ ĐTM thì quả thật là điều đáng lo ngại cho gánh nặng ô nhiễm Sông Hàn về sau.